Sau hàng loạt thử nghiệm, doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận thua cuộc để thanh lọc, hướng tới sự chuyên nghiệp trong sân chơi chuẩn mực quốc tế.
Tự thanh lọc
Những ngày cuối của năm 2014, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam đã tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bán lẻ.
Thương hiệu Ocean Mart đã biến mất khỏi thị trường khi Vingroup thâu tóm và đổi tên thành Vinmart.
Siêu thị 79 được khai trương 7 tháng trước đã đóng cửa , chấm dứt tham vọng phát triển 79 siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc của Alphanam Food, công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam. 1.000 m2 của siêu thị này được chuyển sang cho người thuê mới là Vinmart.
Từng kỳ vọng siêu thị 79 sẽ là điểm hoàn thiện chuỗi liên hoàn từ trồng trọt đến chế biến thực phẩm và nước giải khát của Alphanam trong năm 2014, song ông Hải đã buộc phải chấp nhận thua cuộc.
“Nhìn vào thị trường này, mình thua toàn diện, cả kinh nghiệm, tiền vốn và thương hiệu. Nếu tiếp tục, phải chấp nhận lỗ dăm năm nữa, với cả trăm tỉ đồng. Chúng tôi còn nhiều khoản đầu tư sinh lời tốt hơn” - ông Hải phân tích một cách thẳng thắn.
Trên thương trường, ông Hải vốn là nhà đầu tư dứt khoát với các chiến lược lui và tiến không theo xu hướng. Ngày cuối cùng của năm 2014 cũng là ngày cuối của mã chứng khoán APL của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam trên sàn HOSE trước khi Công ty chính thức rời sàn, trở về mô hình công ty gia đình sau 7 năm tham gia thị trường chứng khoán. Đây cũng có thể coi là động thái cuối của “kế hoạch đánh bắt” mà Alphanam đã thực hiện trong vài năm qua để tận dụng các cơ hội thị trường.
“Chúng tôi sẽ không mở thêm hoạt động kinh doanh, mà chỉ tập trung vào các hoạt động hiện có, đó là bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hoàn thiện công trình xây dựng và đầu tư tài chính, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp. Trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi sẽ chuyển từ nhà đầu tư, nhà đầu cơ đất sang đầu tư phát triển các dự án trên quỹ đất sẵn có, chọn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng” - ông Hải hé lộ kế hoạch năm 2015.
Nhìn nhận 2015 sẽ là một năm sáng sủa, ông Hải đang đặt cược “kế hoạch đầu tư” vào Dự án khách sạn 4 sao với 390 phòng và 200 căn hộ tại trung tâm TP Đà Nẵng mà Công ty đã khởi công vào cuối năm 2014.
Ông Hải không phải là người duy nhất buộc phải rút chân sớm khỏi là thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam - thị trường đang được nhìn nhận là “mỏ vàng dưới đáy đại dương” với vô vàn cá mập bao quanh. Trước đó, Ocean Mart cũng đã trở thành một viên gạch lát đường .
Ngay cả Hiway (chuỗi siêu thị hiện đại mà ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà - cổ đông chính của Hiway - tin rằng, sẽ mở ra một thương hiệu bán lẻ mới) cũng phải tìm vận may bằng bộ nhận diện mới - Sapo Mart. Mặc dù không có những tuyên bố chính thức, song sự “đoản mệnh” của Hiway với mô-típ na ná một thương hiệu ngoại đình đám cũng trong lĩnh vực này là BigC có thể lý giải được phần nào câu chuyện...
Sóng mới
Sự lột xác của nhà đầu cơ Nguyễn Tuấn Hải thành nhà đầu tư hay việc Sapo Mart đang xoay sở với hướng đi riêng không phải là một chiến thuật truyền thông hay marketing thông thường.
Như chính ông Hải từng chia sẻ tố chất của đầu cơ là nhạy bén với lợi nhuận theo sóng. Khi thị trường hết cửa tạo sóng, hết cơ hội cho các khoản đầu cơ nhờ quan hệ và lỗ hổng pháp lý, thì cơ hội của đầu tư bài bản và chuẩn mực xuất hiện.
Năm 2015, như phân tích của giới chuyên gia kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định cộng với thời điểm hiệu lực của nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư và thể chế kinh tế thị trường có hiệu lực cùng lúc với hàng loạt cam kết theo các hiệp định thương mại có hiệu lực hoặc được ký kết sẽ tạo sóng mới cho giới đầu tư.
Có thể kể đến những thể chế mới với tư duy “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” , đề cao nguyên tắc thị trường trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Đây cũng đang được coi là thời điểm bắt đầu các tác động mạnh nhất của việc cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện… theo yêu cầu của Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận đây là những điều kiện pháp lý để khơi dậy tinh thần kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy sức sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp. Đặc biệt, phép thử mang tên taxi Uber với động thái mới trong tư duy điều hành có thể coi là một tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh Việt Nam, ở cả góc độ nhà quản lý và doanh nghiệp thực thi.
“Phải nói rõ, phần lớn những thay đổi đó sẽ tác động trực tiếp đến tư duy và hành vi ứng xử của lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, của giới công chức, những người trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, từ đó làm thay đổi hành vi của nhà đầu tư, doanh nghiệp” - ông Cung phân tích.
Cuộc chơi dành cho người chuyên nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một buổi làm việc đặc biệt vào Chủ nhật cuối cùng của năm 2014.
Gọi là đặc biệt vì đối tác của cuộc gặp là một doanh nghiệp Việt làm được ốc vít cho đồng hồ của Thụy Sỹ và nội dung là bàn câu chuyện mà lâu nay doanh nghiệp, thậm chí cả nhà hoạch định chính sách vẫn đau đáu - làm cách nào để trở thành một bộ phận của chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Đừng đặt câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam có làm được ốc vít hay không. Đã có doanh nghiệp 10 năm nay là đối tác gia công phụ kiện cho các hãng đồng hồ của Thụy Sỹ, các hãng sản xuất cơ khí của Đức. Họ đã lắp mình vào nền kinh tế toàn cầu bằng một phương thức khôn ngoan - đó là bắt tay với những người lớn nhất, mạnh nhất” - ông Lộc phản biện khi nhận được câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để hội nhập không.
Một cách hình ảnh, Chủ tịch VCCI ví nền kinh tế toàn cầu như một trò chơi lego với vô vàn mảnh ghép. Ở đó, những mảnh ghép lớn thường dễ nhận biết và dễ lắp ráp nhanh. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đa số thuộc phần còn lại - những mảnh li ti, dễ bị che lấp và thậm chí có thể bị lờ đi trong cuộc chơi toàn cầu.
Thực tế đã diễn ra như vậy. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp). Trong khi đó, những nền kinh tế trong khu vực như Malaysia, Thái Lan có tới 60% doanh nghiệp tham gia các mạng lưới sản xuất.
Hệ lụy của tình trạng trên là sự phân tách giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, là sự ngắt quãng từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất tới nền kinh tế. Hơn thế, việc thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, công nghệ cao… cũng trở nên khó khăn hơn do thiếu đối tác phụ trợ.
“Tất nhiên, phải có đối sách để chơi được với những người lớn nhất. Bài học quan trọng nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đã rút ra được và đang xoay xở theo là tư duy của nhà kinh doanh chuyên nghiệp” - ông Lộc nói.
Yêu cầu này đang trở thành tối thượng trong cạnh tranh kể từ năm 2015, khi hàng loạt cam kết mới của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Nếu không khớp được yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, như vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về môi trường, an sinh xã hội…, thì doanh nghiệp Việt sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
“Doanh nghiệp đang vận động theo thị trường. Họ có thể gọi không đúng tên các hiệp định thương mại sẽ được ký kết trong năm 2015, nhưng doanh số hàng ngày giảm hay tăng họ biết cần thay đổi mẫu mã, chất lượng hay thậm chí đóng cửa để chuyển sang hướng mới. Nhiều doanh nghiệp đã nói với tôi về sản phẩm theo dây chuyền công nghệ châu Âu, công nghệ xanh… Họ đang kết bè để gỡ bài toán về quy mô, đầu tư vào công nghệ để gỡ nút thắt về chất lượng” - ông Lộc nhận định và cho rằng, doanh nghiệp Việt biết chắc, để trụ vững trên thị trường nội địa, họ phải có năng lực cạnh tranh cao và hoạt động chuyên nghiệp.
bất động sản, nhà đầu tư, thị trường chứng khoán, kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế, năng lực cạnh tranh, thị trường nội địa, thương mại tự do, vốn đầ