Nỗi lo bị chặt chém tại các điểm du lịch mỗi dịp lễ, Tết luôn khiến du khách đau đầu. Đã đến lúc du khách nên chọn đi du lịch theo cách “thông minh” để không trở thành nạn nhân của tình trạng nâng giá vô tội vạ
Xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý mỗi dịp lễ, Tết tại các điểm du lịch sẽ giúp cải thiện hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách. Ngành du lịch đang nỗ lực kéo du khách về sân nhà sau nhiều năm gặp khó khăn. Cuối tháng 12-2014, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị Kích cầu du lịch nội địa năm 2015 sớm hơn mọi năm với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt, mỗi chuyến đi thêm yêu tổ quốc”, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) trong ngành du lịch.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có giải pháp hỗ trợ cho DN du lịch bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm 50% thuế GTGT và miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập DN trong 3 tháng cuối năm 2014 cũng như cả năm 2015.
Nhiều nơi tỉnh ngộ!
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours - trụ sở tại Đà Nẵng), cho biết Đà Nẵng làm rất tốt về chất lượng dịch vụ du lịch và xây dựng hình ảnh đẹp từ nhiều năm qua. Lát cắt “xấu” duy nhất có lẽ là mỗi dịp bắn pháo hoa, tình trạng găm giá phòng chờ sốt ảo của nhiều khách sạn trên địa bàn vẫn tái diễn.
“Giá phòng khách sạn 4-5 sao, DN lữ hành ký hợp đồng trước nên không sao, riêng giá phòng khách sạn 2-3 sao thường bị đẩy lên cao gấp nhiều lần. Dù đặt trước cả tháng trời nhưng cứ hỏi phòng khách sạn để xem bắn pháo hoa là giá sẽ tăng” - ông Tùng dẫn chứng. Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, DN ông đã từng “khóc ròng” về tình trạng giá phòng tăng bất hợp lý dịp bắn pháo hoa ở Đà Nẵng. Biết là giá cao nhưng DN du lịch phải cắn răng chịu chặt chém vì khách đã đặt chỗ, mua tour…
Ngay một số địa phương quản lý danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng tăng giá không theo lộ trình. Mới đây, du khách đi Huế thay vì tốn 70.000 đồng/lượt tham quan Đại nội thì phải trả đến 210.000 đồng/lượt, tăng gấp 3 lần. Lúc đầu, các công ty du lịch sẽ rơi vào thế khó vì vé đã bán cho du khách nhưng lâu dài để khách Việt bỏ ra một số tiền hơn 200.000 đồng vào tham quan Đại nội e là càng khó và đẩy họ ra xa hơn.
Dù vậy, ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết thời gian qua, du khách đã trở lại sân nhà khi chất lượng du lịch nội địa được cải thiện, chấn chỉnh đáng kể. Qua thời gian dài gặp khó khăn vì kinh tế suy giảm, lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh khiến nhiều người làm du lịch “tỉnh ngộ”, chú trọng vào chất lượng dịch vụ để lấy lại lòng tin.
Thị trường cũng đã thanh lọc không ít những DN làm ăn chụp giựt. Tình trạng nâng giá vô tội vạ, chặt chém ở Vũng Tàu, Nha Trang… cải thiện đáng kể, như Vũng Tàu yêu cầu các điểm cung ứng dịch vụ phải niêm yết công khai giá dịch vụ ngày thường, ngày cuối tuần để du khách đối chiếu.
“Nếu không phục vụ du khách như khách quý đến nhà thì họ sẽ quay lưng bằng cách đi tự túc, không mua tour hoặc đi ra nước ngoài. Sự bắt tay giữa công ty du lịch, điểm cung cấp dịch vụ và du khách lúc này mới giúp ngành du lịch đi lên” - ông Long nhận định.
Cam kết chất lượng để giữ chân du khách là cách mà nhiều DN làm du lịch ở Bình Thuận áp dụng. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, lâu nay môi trường du lịch ở địa phương này khá tốt, ngay cả trong dịp lễ - Tết, tình trạng chặt chém cũng không xảy ra.
Thời điểm này - mùa khách quốc tế đang vào dịp cao điểm hoặc Tết Nguyên đán sắp đến - các resort, khách sạn vẫn có phòng cho du khách, chứ không găm phòng tăng giá… “Mùa cao điểm không nâng giá bất hợp lý và khuyến mãi mùa thấp điểm để kích cầu là quan điểm được các DN làm du lịch cam kết” - ông Khoa nói.
Đừng để mình thành “nạn nhân”
Theo ông Trần Thế Dũng, du khách Việt hay có thói quen đăng ký mua tour đi du lịch vào giờ chót là cơ hội cho nạn chặt chém. Trong khi ở nước ngoài, du khách đều lên lịch trình, kế hoạch đi tour từ rất sớm. Du khách Việt cũng thường có thói quen “đi theo đám đông”. Chẳng hạn, cứ dịp lễ, Tết là phải đi Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, trong khi rất nhiều điểm đến hấp dẫn khác như Buôn Ma Thuột, Mũi Né, Ninh Chữ, Lagi, Phú Yên, Dốc Lết, Đại Lãnh… lại ít được để ý.
“Cứ Tết Nguyên đán là du khách khởi hành ngày mùng 2, 4 tháng giêng nhưng thời điểm này, DN du lịch thường bị căng thẳng nhất vì quá tải. Đây chỉ là thói quen, có thể thay đổi như chuyển sang đi mùng 3-5-7, tạo sự cân bằng giữa cung và cầu. Du khách cần tạo thói quen du lịch thông minh bằng cách chọn thời điểm, lịch trình và điểm đến, đừng tạo cơ hội cho người khác chặt chém!” - ông Dũng khuyến cáo.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết từ cuối năm 2013, Vitours đã đưa khái niệm “du lịch thông minh” làm chương trình hành động và định hướng cho du khách. Chẳng hạn, về thời điểm: mùa hè đừng đi cuối tuần, đi vào giữa tuần không căng thẳng và giá lại rẻ. Hoặc mùa hè, đi tắm biển nhưng đừng đặt phòng khách sạn ở gần biển, mà đặt ở trong phố nhưng vẫn hưởng không khí biển, ăn ngon. Về chuyến bay, nên chọn buổi tối, khuya thì giá sẽ thấp. “Đến Đà Nẵng xem bắn pháo hoa, du khách đặt phòng ở Lăng Cô, Hội An thì luôn có, lại không bị chặt chém” - ông Tùng phân tích.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch:
Giảm giá nhưng không giảm chất lượng
Một trong những nội dung kích cầu du lịch nội địa là khuyến khích các công ty du lịch, điểm mua sắm, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại… triển khai chính sách giảm giá, khuyến mãi từ 10% trở lên. Giảm giá không có nghĩa là giảm chất lượng mà phải giữ nguyên hoặc nâng cao. Với mùa thấp điểm, giảm giá để bán được nhiều hơn, như khách sạn chỉ 30% công suất mùa thấp điểm nay giảm giá để thu hút khách, công suất sẽ tăng lên 70% thì doanh thu vẫn cao.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó tổng giám đốc Saigon tourist:
Phải đầu tư sản phẩm du lịch
Đầu tư hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch không chỉ là tour của hãng lữ hành mà phải gồm cả hạ tầng cơ sở giao thông, tour tuyến, điểm dịch vụ… Thực sự, nếu địa phương có kêu gọi du khách đến mà dịch vụ ăn ở, đi lại tham quan, vệ sinh môi trường không bảo đảm thì DN cũng không dám làm. Do đó, cần chính sách khuyến khích đầu tư của địa phương và trung ương đối với các tuyến điểm đã được quy hoạch. Sản phẩm du lịch có đặc thù là kết nối các điểm du lịch, còn nếu chỉ có 1-2 điểm du lịch như du khách từ xa đến TP HCM rồi Phan Thiết xong về thì không ai đi. Muốn làm được việc kết nối này, cần sự chung tay của ngành giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Khánh Hòa:
Tránh việc “ăn xổi ở thì”
Để níu giữ du khách quay lại, điều quan trọng nhất là phải có uy tín, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tránh việc “ăn xổi ở thì”. Chúng tôi đang nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch, nếu tất cả họ đều được đào tạo bài bản, xử sự văn minh thì sẽ tạo được uy tín, ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách. TP Nha Trang đang phát động tuyến đường văn hóa, tổ chức các chốt thanh niên đưa du khách qua đường, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin du lịch. Điều quan trọng nữa là cần thường xuyên ra đời các sản phẩm du lịch thì mới thu hút khách vì mỗi lần quay lại là một lần khám phá. Để phòng chống nạn chặt chém, chèo kéo du khách, cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở lưu trú, yêu cầu công khai bảng giá... Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa đang nghiên cứu kế hoạch thành lập các tổ khách sạn tự quản, tổ lữ hành, tổ hướng dẫn viên tự quản… Cam kết thực hiện du lịch văn minh, thân thiện, văn hóa, bán đúng giá, nếu khách sạn nào vi phạm sẽ có chế tài nghiêm minh.
T.Phương - K.Nam ghi
Đường sắt đứng ngoài cuộc?
Theo các hãng lữ hành, đường sắt là một trong những phương tiện vận chuyển khách du lịch chính nhưng suốt thời gian qua, ngành này đang đứng ngoài cuộc các chương trình kích cầu. Thậm chí, chất lượng dịch vụ so với các nước trong khu vực còn thua xa. Bà Nguyễn Thị Ngoan, Giám đốc Công ty Thế giới Du lịch DWT, cho biết mua vé tàu cho du khách rất khó khăn. “Công ty tôi bán vé cho khách nước ngoài, mua trước 5-6 tháng và phải cung cấp họ tên, số hộ chiếu của khách. Đến khi họ ở nước ngoài, muốn đổi vé tàu, đổi ngày giờ đi thì bản thân phải có mặt và trình hộ chiếu mới đổi được, vậy du khách phải… bay sang Việt Nam để đổi vé tàu đã mua! Một quy định rất bất cập và không hỗ trợ cho hành khách” - bà Ngoan nói.
khách du lịch, đi du lịch, trung tâm thương mại, Buôn Ma Thuột, bắn pháo hoa, thuế thu nhập, du khách Việt, Du lịch Việt Nam, dịch vụ du lịch, du lịch