Euro 2016

Tổng lực sáp nhập ngân hàng

Làn sóng sáp nhập ngân hàng năm 2015 sẽ diễn ra quyết liệt hơn theo mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra vào năm 2017, Việt Nam chỉ còn khoảng 20 ngân hàng thương mại

Thông tin thu hút sự quan tâm của thị trường và giới tài chính ngân hàng (NH) thời gian qua có lẽ là việc hai “ông lớn” của ngành là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang có ý định tìm kiếm đối tác để sáp nhập trong thời gian tới.

Ai “về một nhà” với Vietcombank, BIDV?

Vietcombank có vẻ rõ ràng hơn khi tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường mới đây đã thống nhất thông qua chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng vào NH này để tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đại hội cũng giao HĐQT tìm kiếm đối tác phù hợp, thực hiện nghiên cứu khả thi và lập đề án sáp nhập trình ĐHCĐ, NH Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết Vietcombank đặt mục tiêu chiến lược phát triển thành NH số một tại thị trường trong nước cả về quy mô và chất lượng; đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, tầm vóc và tính cạnh tranh của các NH Việt Nam so với khu vực. “Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu, HĐQT nhận thấy đây là thời điểm và cơ hội tốt để thực hiện sáp nhập một NH cổ phần khác vào Vietcombank” - ông Thành nói.

Câu hỏi lúc này: Ai “về một nhà” với Vietcombank? Hiện đối tác mà NH này muốn sáp nhập vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, thị trường đã rộ lên những đồn đoán khi Vietcombank ký kết hợp tác chiến lược toàn diện và cử người sang Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) để tham gia quản trị, điều hành thời điểm một số lãnh đạo VNCB bị bắt hồi đầu tháng 8-2014.

Tại buổi ký kết, vấn đề có hay không việc sáp nhập VNCB vào Vietcombank cũng được đặt ra? Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank thời điểm đó, cho biết việc hợp tác với VNCB là góp phần tái cơ cấu hệ thống NH thương mại và đây không phải lần đầu tiên NH này ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với một NH cổ phần khác. Khoảng 14 năm trước, Vietcombank từng tham gia hỗ trợ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và đến nay, Eximbank đã phát triển mạnh trong khối cổ phần.

Vietcombank đang khiến thị trường tài chính chú ý khi muốn tìm một đối tác sáp nhập tự nguyệnẢnh: HỒNG THÚY
Vietcombank đang khiến thị trường tài chính chú ý khi muốn tìm một đối tác sáp nhập tự nguyện Ảnh: HỒNG THÚY

Cũng tại buổi ký kết, Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh thông tin trước mắt, Vietcombank sẽ hỗ trợ quá trình tái cấu trúc của VNCB, còn sáp nhập hay không là việc của tương lai. Nay, một lần nữa thông tin này được xới lại khi Vietcombank họp ĐHCĐ bất thường.

Vietcombank hiện không chỉ là NH thương mại hàng đầu tại Việt Nam mà còn là cổ đông lớn của nhiều NH như Eximbank, NH TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB)… Và một cái tên khác đang được giới tài chính nhắc đến nhiều hơn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank).

Một nguồn tin riêng từ cơ quan quản lý xác nhận thông tin này với phóng viên Báo Người Lao Động nhưng cho biết đây mới chỉ là chủ trương ban đầu, còn Vietcombank và Saigonbank muốn sáp nhập với nhau phải trình đề án. Chỉ khi NH Nhà nước thông qua đề án này thì thương vụ sáp nhập mới được tiến hành. Mấu chốt của việc đàm phán giữa 2 NH vẫn là giá chuyển nhượng và một số vấn đề liên quan...

Thị trường chứng khoán và giới tài chính NH gần đây còn đang xôn xao về một thương vụ sáp nhập khác khi bên liên quan cũng là “ông lớn” - NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Dù chưa có bất kỳ thông tin chính thức nhưng giới tài chính đã đề cập một cái tên sẽ trở thành đối tác trong thương vụ sáp nhập này. Đó là một NH cổ phần nhỏ nhưng không thuộc diện yếu kém, có mạng lưới chi nhánh hoạt động khá tốt ở phía Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, 2 NH này đang có những bước đi cần thiết…

Một bước tiến mới

Theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống NH đến năm 2017, NH Nhà nước định hướng giảm bớt số lượng NH xuống còn khoảng 20 và hình thành một số NH thương mại có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh mạnh hơn; đặc biệt, tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các NH quốc doanh trong hệ thống. Điều này lý giải việc NH Nhà nước không chỉ yêu cầu các NH yếu kém phải sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác mà cả NH khỏe mạnh cũng cần tự nguyện tìm kiếm đối tác phù hợp để sáp nhập. Sự nhập cuộc của Vietcombank, BIDV vào làn sóng sáp nhập sắp tới dự báo sẽ giúp quá trình tái cơ cấu hệ thống NH tiến thêm một bước mới.

Trong 3 năm kể từ khi Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được triển khai, việc tái cơ cấu ngành NH đang bước vào giai đoạn chạy nước rút với nhiều yêu cầu khắt khe, quyết liệt hơn từ cơ quan quản lý. Phó Thống đốc NH Nhà nước, ông Nguyễn Phước Thanh, cho biết hiện NH Nhà nước đã phê duyệt đề án cơ cấu lại 4 NH thương mại nhà nước, phương án tái cơ cấu của 20 NH thương mại cổ phần và một số NH khác đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ở làn sóng thứ nhất, có 9 tổ chức tín dụng được NH Nhà nước đánh giá yếu kém buộc phải tái cơ cấu theo hướng hợp nhất, sáp nhập. Quá trình này khiến nhiều thương hiệu NH đã hoặc đang rời khỏi thị trường như Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Đại Á, Phương Nam, Mê Kông (MDB), Western Bank…

Toàn hệ thống NH đến nay đã giảm được 7 tổ chức tín dụng, 2 chi nhánh NH liên doanh, 4 chi nhánh NH nước ngoài và 5 quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động. Mùa ĐHCĐ năm 2014 vừa qua cũng ghi nhận hàng loạt NH cổ phần trình ĐHCĐ xin chấp thuận chủ trương tìm kiếm đối tác để sáp nhập như PGBank, VietABank, Bản Việt…

Là một trong những NH đầu tiên tiến hành thương vụ sáp nhập, đến nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB - hợp nhất từ SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất) vẫn đang ở quá trình tái cơ cấu và sẽ tiếp tục trong 2 năm tới. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, cho biết so với 3 năm trước, NH này có rất nhiều chỉ số được cải thiện như nợ xấu được kiểm soát, hệ thống mạng lưới chất lượng dịch vụ được cải thiện...

“Đây mới là điều cần thiết và mục tiêu của quá trình tái cơ cấu chứ không phải lợi nhuận. Trong năm 2014 và đến đầu năm nay, NH sẽ tăng vốn điều lệ thêm từ 1.500-2.000 tỉ đồng. Quan trọng nhất là qua giai đoạn khó khăn phải tự cân đối, cơ cấu lại để tạo nền tảng đột phá những năm tiếp theo. Lợi nhuận chưa bao giờ là vấn đề quan trọng đối với chúng tôi, kể cả trong 2 năm tới và được sự chia sẻ rất nhiều từ các cổ đông” - ông Văn chia sẻ khi được hỏi về lợi nhuận kinh doanh năm qua.

Nhận xét về những NH đã tiến hành sáp nhập trong 3 năm qua, lãnh đạo NH Nhà nước cho biết so với trước thời điểm sáp nhập, các NH có cải thiện và ổn định nhiều hơn về thanh khoản, quản trị, giảm nợ xấu giúp hệ thống NH lành mạnh hơn. Dù vậy, so với yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa đạt như mong muốn. Năm nay, quá trình này sẽ phải làm quyết liệt hơn để xử lý những NH yếu kém, đồng thời khuyến khích NH khỏe mạnh tìm kiếm đối tác sáp nhập trên tinh thần tự nguyện.

Đã hết thời “tự nguyện”

NH Nhà nước sẽ áp dụng trần kiểm soát vốn để định lại giá trị thực của vốn điều lệ. Dù quy định tối thiểu vốn điều lệ của NH thương mại là 3.000 tỉ đồng nhưng thực tế nhiều NH đã tăng quy mô tổng tài sản, cho vay vượt quá tiêu chuẩn an toàn so với vốn điều lệ. Lúc này, NH Nhà nước sẽ phải tiến hành thanh tra, giám sát lại để NH nào không đạt thì buộc tăng vốn, bổ sung vốn điều lệ hoặc nếu không, phải sáp nhập với NH khác.

“Đã hết thời “tự nguyện” của các NH yếu kém và NH Nhà nước sẽ bắt buộc phải làm để lành mạnh, cải thiện hệ thống NH. Ngay với các NH khỏe mạnh, chúng tôi cũng khuyến khích sáp nhập và làn sóng này sẽ mạnh mẽ hơn trong năm nay” - ông Nguyễn Phước Thanh nói.

Dùng lợi nhuận để xử lý nợ xấu

Năm 2015, chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra đối với ngành NH về tỉ lệ nợ xấu phải dưới 3%. Trong khi đó, nếu tính toán theo các quy định của Thông tư 02 và Thông tư 36 về tỉ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, nợ xấu của hệ thống NH vào khoảng 300.000 tỉ đồng. Muốn đưa tỉ lệ về dưới 3%, các NH thương mại phải xử lý khoảng 150.000 tỉ đồng. Lúc này, bản thân các NH thương mại phải tự xử lý từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng nợ xấu bằng cách trích lập dự phòng rủi ro, dùng lợi nhuận để xử lý nợ xấu nên lợi nhuận của các NH năm sau dự kiến sẽ không cao.

Người lao động

Thủ tướng Chính phủ, thị trường chứng khoán, tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xuất nhập khẩu, đại hội cổ đông, tái cấu trúc, tài chính ngân hàng, xử lý


      © 2021 FAP
        150,562       361