Bạn đọc

Công khai gửi tin nhắn tiếp thị làm bằng giả

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại của các nhà mạng nhận được những tin nhắn từ các số máy lạ tiếp thị dịch vụ làm bằng cấp giả, chào mời mua bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân với giá phải chăng, giao nhanh, uy tín, bảo mật…

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại của các nhà mạng nhận được những tin nhắn từ các số máy lạ tiếp thị dịch vụ làm bằng cấp giả, chào mời mua bằng tốt nghiệp, giấy tờ tùy thân với giá phải chăng, giao nhanh, uy tín, bảo mật…

Các tin nhắn tiếp thị làm bằng giả khách hàng nhận được
Các tin nhắn tiếp thị làm bằng giả khách hàng nhận được

Ngoài việc gây phiền hà thì những tin nhắn trên còn gây lo ngại cho nhiều người nhận bởi nó có nội dung tiếp thị cho hoạt động phi pháp.

* Chào mời công khai

Mới đây, anh Nguyễn Phạm Bảo Quốc (ngụ KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận được tin nhắn từ số máy lạ, nội dung: “Em nhận làm giấy tờ, bằng  đại học, cấp 3, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, bằng lái xe… liên hệ 0945163…”. Nghĩ đây chỉ là một “tin nhắn rác” nên khi đọc xong anh Quốc xóa luôn, không để ý tới. Nhưng 2 ngày sau đó anh lại tiếp tục bị làm phiền bởi tin nhắn có nội dung tương tự.

Theo các nhà mạng, khách hàng có thể liên hệ các nhà mạng để được hỗ trợ khi bị làm phiền, quấy rối từ thuê bao khác. Khi nhận phản ảnh từ khách hàng về số thuê bao gây phiền hà, nhà mạng sẽ cảnh báo, nhắc nhở số thuê bao này 3 lần. Nếu bên bị khiếu nại vẫn tiếp tục có hành vi quấy rối, làm phiền khách hàng thì nhà mạng sẽ tiến hành chặn chiều gọi đi/SMS từ thuê bao quấy rối hoặc phối hợp với mạng chủ quản của thuê bao bị khiếu nại để xử lý theo quy trình thỏa thuận chung giữa các nhà mạng để bảo vệ khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ KP.3, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay anh cũng nhận được tin nhắn có nội dung chào mời mua bằng giả. “Tôi khá bất ngờ trước hành vi táo bạo của các đối tượng môi giới làm bằng giả, giấy tờ giả. Cứ nghĩ họ phải lén lút để qua mắt cơ quan pháp luật bởi việc làm giấy tờ giả là hành vi phạm pháp. Thế nhưng, gần đây không ngờ dịch vụ này đang ngày một nở rộ và có chiều hướng công khai, bất chấp pháp luật như thế” - anh Tiến nói.

Trao đổi với bạn bè về vấn đề này, anh Tiến được biết có nhiều người cũng nhận được tin nhắn tiếp thị dịch vụ làm bằng giả. Khi đem tin ra so sánh thì các tin nhắn trên không phải gửi từ một số máy mà do nhiều số thuê bao khác nhau, thuộc các mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone... 

* Giao dịch đơn giản

Theo hướng dẫn từ tin nhắn, phóng viên Báo Đồng Nai liên hệ số điện thoại 09338788..., người bắt máy là một thanh niên nói giọng miền Bắc nhanh nhảu giới thiệu: “Bên em có thể làm các loại bằng theo nhu cầu của khách. Giá cả tùy theo năm tốt nghiệp và tùy theo loại bằng cần mua, khách chỉ cần đặt cọc tiền trước, trong vòng 2 tuần đến 1 tháng sẽ có. Bằng sẽ được chuyển đến tận nhà qua dịch vụ bưu điện, khi nhận hàng thì khách hàng phải thanh toán phần tiền còn lại…”.

Giao dịch mua bán bằng cấp khá đơn giản, người mua chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ và đưa ra yêu cầu sẽ được phục vụ tận tình. Người bán nào cũng cam kết bằng giả, giấy tờ giống 100% bằng thật và tuyệt đối giữ bí mật thông tin của khách hàng. Bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học có giá dao động từ 6-10 triệu đồng; bằng lái xe có giá từ 4,5-6 triệu đồng, còn các giấy tờ tùy thân có giá thấp hơn từ 4 triệu đồng trở xuống (tùy theo địa chỉ ở tỉnh hay thành phố lớn).

* Cần báo tin cho cơ quan chức năng

Nhiều người nhận tin nhắn tỏ ra lo ngại trước hành vi bất chấp pháp luật của các đối tượng nhắn tin tiếp thị làm bằng cấp giả. Bà Võ Thị Linh (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nếu đối tượng nhận tin là những người đang có nhu cầu mua bằng giả phục vụ cho mưu cầu tiến thân không chính đáng thì hậu quả khó lường. Thực tế trong thời gian qua đã có trường hợp cá nhân sử dụng bằng giả để tìm việc bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý.

“Theo tôi các nhà mạng nên có biện pháp chặn các tin nhắn như thế này, cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc để xử lý quyết liệt để ngăn chặn hành vi tiếp thị, làm bằng giả” - bà Linh kiến nghị.

Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh hướng dẫn, khi nhận được tin nhắn có nội dung tiếp thị hoạt động phi pháp nêu trên, chủ các thuê bao di động nên cung cấp nội dung tin nhắn, số điện thoại của người nhắn cho cơ quan công an phường, xã, thị trấn nơi mình cư trú để ngành chức năng có cách giải quyết và hướng điều tra cụ thể. Người dân cần đề cao cảnh giác vì có thể đây cũng là thủ đoạn của bọn tội phạm nhằm lừa đảo, sau khi nhận tiền của khách rồi “lặn” luôn.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Công ty Mobifone Đồng Nai Lê Tùng Lâm cho hay, đơn vị luôn bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho khách hàng trong phạm vi quản lý dịch vụ. Tuy nhiên, Mobifone không thể can thiệp sâu vào nội dung dân sự liên quan cá nhân các bên. Hiện nay, có rất nhiều thông tin mang tính lừa đảo được sử dụng truyền thông qua kênh tin nhắn, cuộc gọi thoại trên dịch vụ thông tin di động và dịch vụ gọi thoại, tin nhắn miễn phí (OTT). Những tin nhắn, cuộc gọi này không những gây phiền hà cho người dùng mà còn thiệt hại về kinh tế nếu người dùng không xem xét và xin ý kiến tư vấn kịp thời người thân hoặc cơ quan chức năng.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng khi được yêu cầu, nhằm hỗ trợ khách hàng có thể ngăn ngừa những hành vi xấu có thể gây hại cho khách hàng” - ông Lê Tùng Lâm nói.

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        118,030       42