Gần tết, mọi sinh hoạt xã hội đều trở nên hối hả hơn với những phiên chợ tết đông đảo người mua sắm; những cửa hàng thời trang xập xình nhạc xuân với chương trình xả hàng cuối năm thu hút người mua tấp nập.
Đường phố đông hơn vì những chuyến xe đường dài đưa người xa xứ về sum họp với gia đình, hay những chuyến hàng tết hối hả để kịp đến tay người tiêu dùng. Những lễ hội hoa xuân, những khu vui chơi giải trí cũng tưng bừng mở cửa đón chân khách du xuân. Tất cả tạo nên một không khí tết đặc trưng của người Việt mà dù trong hoàn cảnh, thời đại nào thì không khí ấy vẫn chưa hề mất đi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Sau tất cả những tất bật chuẩn bị cho tết thì mọi hoạt động lại nhường chỗ cho ngày tết sum họp với gia đình, nhất là những người xa quê có thêm chút thời gian tận hưởng hơi ấm gia đình; những người lao động quanh năm tần tảo được nghỉ ngơi chơi tết; những em nhỏ được xúng xính quần áo mới đi chúc tết ông bà... Và trên hết, các thế hệ ông bà, con cháu trong gia đình được quây quần bên mâm cơm đầu năm với các món ăn mang đặc hương vị tết, như: bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu...
Bao đời nay, sum họp ngày tết như một truyền thống trong tất cả mọi gia đình Việt Nam. Thế nhưng, khi xã hội đang ngày càng có nhiều chuyển biến với những hoài bão trong công việc của thế hệ trẻ thì hơi ấm ngày xuân trong gia đình có phần giảm đi. Khoảng chục năm nay, giới trẻ thường ít nhắc đến khái niệm “ăn tết”, thay vào đó là “chơi tết”. Cuộc sống công nghiệp dường như khiến người ta tất bật hơn, kể cả phải nhanh nhạy hơn trong ăn uống. Do đó, hình ảnh các cụ có tuổi chỉ bảo con cháu gói bánh và thức trọn đêm giao thừa để trông chừng nồi bánh chưng, bánh tét... từ lâu đã không còn trong phần lớn gia đình, nhất là ở đô thị. Tuổi trẻ giờ đây quan niệm, nhu cầu sống hiện nay hơn trước nhiều, trong đó hầu như các món thức ăn, thực phẩm hay bánh trái đều bán quanh năm tại siêu thị và cả các chợ. Cho nên, muốn ăn gì chỉ cần mua về hâm lại là xong, chẳng phải chuẩn bị các khâu chế biến cầu kỳ làm gì cho mệt. “Chơi tết” được nhiều gia đình trẻ lên kế hoạch hàng tháng trước. Vì vậy, ngày tết với ông bà, cha mẹ nhiều lắm cũng chỉ ngày mùng 1, sau đó các thành viên trong nhà đều có “việc riêng” và từ biệt ông bà để lên đường đi chơi xa.
Thực tế, đối với người già thì tết có ý nghĩa là không chỉ được gặp lại con cháu, được nghe tiếng các con sau cả năm trời vắng bóng, mà họ còn muốn được hưởng trọn niềm vui 3 ngày tết với đông đủ mọi người trong nhà. Nhưng mong muốn này khó được đáp ứng, không ít người lớn tuổi nhận định, tuổi già giờ ít được vui tết như ngày xưa.
Minh Quân