Bạn đọc

An toàn thực phẩm trong ngày tết

Vấn đề an toàn thực phẩm lâu nay được người dân và các ngành chức năng rất quan tâm, đặc biệt là vào dịp tết - thời điểm mà sức mua tiêu dùng trong dân rất lớn, là dịp thực phẩm kém chất lượng trà trộn trên thị trường gây ra nguy cơ ngộ độc cao.

bác sĩ Nguyễn Văn Hữu
Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu

Vấn đề an toàn thực phẩm lâu nay được người dân và các ngành chức năng rất quan tâm, đặc biệt là vào dịp tết - thời điểm mà sức mua tiêu dùng trong dân rất  lớn, là dịp thực phẩm kém chất lượng trà trộn trên thị trường gây ra nguy cơ ngộ độc cao. Nhân dịp tết đến, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, về vấn đề này. Ông cho biết:

- Đấu tranh với thực phẩm bẩn là công việc thường xuyên của các cơ quan chức năng. Riêng dịp tết, thời điểm mà lượng thực phẩm tiêu dùng và dự trữ trong các gia đình nhiều, vì thế Ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã và đang thực hiện những giải pháp về việc thanh kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

 Thưa ông, chất lượng thực phẩm đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy các cơ quan chức năng làm gì để hạn chế thực phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường?

- Trong dịp tết này, tỉnh tổ chức 5 đoàn thanh kiểm tra liên ngành của tỉnh, 11 đoàn thanh kiểm tra cấp huyện, thị xã và thành phố cùng với 171 đoàn kiểm tra phường, xã cùng vào cuộc. Trong đó, tập trung kiểm tra tại các cơ sở chế biến thực phẩm, các chợ đầu mối, chợ truyền thống và một số bếp ăn tập thể. Nội dung kiểm tra đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, giấy chứng nhận sản phẩm và công bố chất lượng sản phẩm, kiểm tra bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, những cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, có những mức phạt cao gấp 10 lần so với trước đây.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực phẩm bán tết tại một tiệm bán bánh kẹo ở TX.Long Khánh.   (Ảnh minh họa) .
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực phẩm bán tết tại một tiệm bán bánh kẹo ở TX.Long Khánh. (Ảnh minh họa) .

 Hiện có 3 ngành tham gia quản lý an toàn thực phẩm (y tế, công thương, nông nghiệp - phát triển nông thôn), nhưng vì sao người dân vẫn chưa yên tâm về chất lượng cũng như độ an toàn của thực phẩm, thưa ông?

- Thực phẩm được quản lý tốt phải là thực phẩm được quản lý theo chuỗi, xuyên suốt “từ trang trại đến bàn ăn” nên cần có sự tham gia giám sát của cả 3 ngành trên. Tuy nhiên, không phải mạnh ngành nào ngành nấy làm mà có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ với nhau khá nhịp nhàng và chặt chẽ dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Việc phân chia các phần việc, lĩnh vực trong quản lý chuỗi thực phẩm không phải là “cắt khúc” mà là để từng ngành có trách nhiệm hơn trong kiểm tra, giám sát chuyên ngành mình quản lý được sâu hơn, chi tiết hơn. Nếu để một ngành theo dõi thực phẩm “từ A đến Z” thì không thể quản lý nổi. Càng có nhiều cơ quan độc lập quản lý, thực phẩm càng được kiểm soát tốt hơn. Nhưng riêng về hoạt động công bố chất lượng thực phẩm thì phải qua ngành y tế.

 Dịp tết cũng là lúc thực phẩm tốt - xấu, sạch - bẩn trà trộn khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong chọn lựa. Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng?

- Tôi nghĩ rằng, trong khi công tác quản lý thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập thì người tiêu dùng hãy nhạy bén hơn khi chọn lựa sản phẩm cần mua. Mỗi người nên thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng từ các cơ quan chức năng trong hướng dẫn cách chọn lựa thịt, hải sản, rau quả; nên mua lượng thực phẩm vừa đủ dùng trong 1-2 ngày, không nên dự trữ lượng lớn thực phẩm cùng lúc. Trường hợp bảo quản đông lạnh thì phải sơ chế sạch trước khi đưa vào tủ lạnh. Trong tủ bảo quản không nên chứa quá nhiều thực phẩm, nhất là đừng để lẫn thực phẩm sống - chín chung vì sẽ gây nhiễm chéo (chuyển từ bề mặt thực phẩm bị nhiễm đến bề mặt chưa bị nhiễm). Ngoài ra, nhiệt độ tủ lạnh bảo quản phải phù hợp để không làm biến chất thực phẩm. Tốt nhất nên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn các thực phẩm ở dạng tái, sống; đồng thời phải hâm lại trước khi ăn đối với thực phẩm thừa còn lại.

 Xin cảm ơn ông!

Những hành vi bị cấm sử dụng đối với thực phẩm

Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,073       106