Bạn đọc

Hàng "xôn" xuống phố

Mặc dù UBND TP.Biên Hòa đã ban hành quy định về sử dụng lòng đường, vỉa hè, thế nhưng tình trạng chiếm dụng lối đi của người đi bộ để buôn bán vẫn diễn ra, nhất là khi thời điểm tết đang đến gần.

Lề đường 30-4 đoạn qua phường Trung Dũng được tận dụng để bán hàng, giữ xe.
Lề đường 30-4 đoạn qua phường Trung Dũng được tận dụng để bán hàng, giữ xe.

Những ngày này, một số tuyến đường ở trung tâm thành phố, như: 30-4, Phạm Văn Thuận, Cách Mạng Tháng Tám... chẳng khác gì chợ hàng “xôn” với đủ loại hàng được bày biện ngổn ngang trên vỉa hè, thậm chí xuống cả lòng đường. 

Những tuyến đường nhếch nhác

 Điều 17 trong Quy định về sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố do UBND TP.Biên Hòa ban hành ngày 3-8-2016, nêu rõ: đối với UBND phường, xã được phân cấp quản lý mà để xảy ra vi phạm thì phải xem xét, đánh giá thi đua khen thưởng của địa phương đó; chủ tịch UBND phường, xã để xảy ra vi phạm mà không tổ chức xử lý phải bị kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức. Quy định này cũng nêu vỉa hè, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, mọi tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời phải xin phép cơ quan chức năng. Hành vi sử dụng vỉa hè để họp chợ, kinh doanh, bày bán hàng hóa... đều bị cấm.

Gần tết, khi thành phố lên đèn là vỉa hè trở thành nơi bày hàng, để xe của các shop thời trang ở mặt tiền đường và nhiều điểm bán thời trang di động với lượng khách ra vào tấp nập. Chỉ cần một giá treo đồ, một tấm bạt là người bán có thể thoải mái đổ hàng chất đống, hoặc treo móc quần áo, giày dép, túi xách... ngổn ngang, trông rất nhếch nhác.

đuờng 30-4 - đoạn từ chợ đêm Biên Hùng kéo dài đến Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng) là khu vực bán hàng “xôn” xôm tụ nhất ở TP.Biên Hòa. Dọc theo tuyến đường này có hàng chục điểm bán hàng lớn nhỏ, nhiều điểm còn bố trí “cò” đứng xuống lòng đường để chào mời khách. Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra trên các tuyến đường: Phan Đình Phùng, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc... Việc mua bán tại các điểm bán hàng lề đường khá đông khách, làm cho tình trạng vỉa hè trong thành phố ngày càng gia tăng lộn xộn.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây mất an toàn giao thông, nhất là tại đường có vỉa hè hẹp như Phạm Văn Thuận, đoạn từ ngã năm Vườn Mít đến Sở Khoa học - công nghệ. Do khu vực này có điểm giao với đường sắt nên mỗi lần có tàu chạy ngang là giao thông thường bị ùn tắc kéo dài hàng trăm mét.

Vỉa hè bị chiếm dụng

Là “nạn nhân” của tình trạng lấn chiếm vỉa hè, bà Trần Thị Thủy (KP.1, phường Trung Dũng), cho biết tối nào vợ chồng bà cũng đi qua khu vực này để đến Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh tập thể dục, nhưng 2 tuần nay họ buộc phải nằm nhà vì vỉa hè bị chiếm dụng không còn lối đi cho người đi bộ. “Phần vỉa hè tại đây chỉ rộng hơn 1m, lại bị các điểm bán thời trang làm nơi giữ xe nên người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường, trong khi mật độ xe những ngày cuối năm đông nên rất dễ xảy ra tai nạn. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý, dẹp ngay những điểm lấn chiếm để trả lại lối đi cho người đi bộ” - bà Thủy nói. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu (ngụ KP.3, phường Thống Nhất) bức xúc: “Mỗi lần lái xe trên đường 30 tháng 4 và ngã tư Phạm Văn Thuận, đoạn gần ngã tư Trung tâm thương mại Vincom, tôi rất căng thẳng. Nguyên nhân là do mật độ giao thông tại khu vực này vào buổi tối thường rất đông, trong khi nhiều người đi đường không tập trung lái xe mà mắt cứ “dán” vào các quầy bán hàng dọc lề đường nên tai nạn luôn rình rập”.

Vỉa hè đường Phạm Văn Thuận qua các phường: Tân Mai, Trung Dũng, Thống Nhất không còn lối đi cho người đi bộ. (Ảnh từ trên xuống)
Vỉa hè đường Phạm Văn Thuận qua các phường: Tân Mai, Trung Dũng, Thống Nhất không còn lối đi cho người đi bộ. (Ảnh từ trên xuống)

Nhận định về tình trạng chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, nhiều người cho rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên kiên quyết trong việc xử lý vi phạm. Thời gian qua, lực lượng chức năng của thành phố và các phường, xã có tăng cường kiểm tra xử lý nhưng việc tụ tập buôn bán, chiếm dụng vỉa hè chỉ tạm lắng khi có lực lượng chức năng, nhưng sau đó lại tái diễn. Thực chất, các “shop thời trang” xuất hiện trên vỉa hè là do lực lượng chuyên trách chưa tìm ra giải pháp để xử lý dứt điểm, còn chính quyền địa phương thì lơ là trong công tác quản lý nên vỉa hè bị tư nhân “biến tướng”.

Không thể chấp nhận đường phố nhếch nhác

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng khẳng định: “Sở dĩ tình trạng trên tồn tại là do cách làm qua loa, không đến nơi đến chốn của các phường, xã. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo rất cụ thể, cấp dưới chỉ áp dụng kế hoạch làm việc cho phù hợp với tình hình địa phương mà không thực hiện thì phải xem lại trách nhiệm những người đứng đầu. Nếu do bận rộn, không thể tổ chức lực lượng kiểm tra hàng ngày thì phải có kế hoạch đi trong tuần. Đối với những điểm “nóng”, có thể kiểm tra nhiều lần trong tháng để xử phạt hành chính một khi vi phạm cứ tái diễn. Mục đích của chủ trương lập lại trật tự đường phố là nhằm nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành pháp luật, từng bước thực hiện đô thị văn minh. Đặc biệt, TP.Biên Hòa đã là đô thị loại I thì không thể chấp nhận đường phố nhếch nhác, kinh doanh buôn bán tùy tiện gây bức xúc dư luận xã hội”.

Gia An

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        116,786       39