Báo Đồng Nai số ra ngày thứ bảy 6-8 phản ảnh tình hình học sinh "xử" nhau chỉ vì một vài xích mích nhỏ. Sau khi báo đăng, nhiều phụ huynh đã gọi điện thoại, gửi thư đến Báo Đồng Nai cho biết rất lo lắng về tình trạng bạo lực học đường hiện nay…
Báo Đồng Nai số ra ngày thứ bảy 6-8 phản ảnh tình hình học sinh “xử” nhau chỉ vì một vài xích mích nhỏ. Sau khi báo đăng, nhiều phụ huynh đã gọi điện thoại, gửi thư đến Báo Đồng Nai cho biết rất lo lắng về tình trạng bạo lực học đường hiện nay…
Chị Trần Thị Ngọc Bích (xã Lộc An, huyện Long Thành): Ngành giáo dục, gia đình chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường diễn ra khá phổ biến ở một số trường học trên cả nước. Các clip đăng tải việc học sinh đánh nhau được truyền tải khá nhiều trên các trang mạng xã hội, hầu hết là do các em học sinh tự quay. Sau mỗi lần như thế, vụ việc chỉ được xử lý theo kiểu thầy cô bị khiển trách, còn học sinh thì hạ hạnh kiểm. Điều này cho thấy những trường có xảy ra học sinh đánh nhau chưa có cách xử lý hiệu quả. Do đó, bạo lực học đường vẫn tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu gia đình, nhà trường và ngành giáo dục không có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tìm giải pháp ngăn chặn học sinh đánh nhau thì rất khó chấm dứt tình trạng đau lòng này. Đáng buồn hơn là khi vụ việc xảy ra, các bạn của những học sinh nạn nhân không hề can ngăn, thậm chí còn “ủng hộ” để quay phim rồi tung lên mạng chơi.
Ông Phạm Đình Bình (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa): Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử cho học sinh.
Trường THCS nơi con tôi đang học đã từng xảy ra nhiều vụ học sinh lao vào nhau đến đổ máu. Trước giờ cứ nghĩ con trai mới đánh nhau, nhưng khi xem các clip trên mạng mới thấy nữ sinh cũng bạo lực đâu kém gì nam sinh. Tụi nhỏ bây giờ sao hung hăng quá, hở chút là dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Nhiều vụ việc đánh nhau bắt nguồn từ những nguyên nhân hết sức lãng xẹt, như: “ngứa mắt” vì dáng đi, dám nhìn “đểu” hoặc chế nhạo thần tượng của mình… thế là “xử” nhau. Cách cư xử thô bạo của các em có thể bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô và cũng có thể bị tiêm nhiễm từ những trò chơi điện tử, phim bạo lực xuất hiện đầy trên internet. Đáng lo nhất là sự vô cảm của đông đảo các em khi thấy bạn mình bị đánh đã đứng ngoài cổ vũ mà không có hành động nào can ngăn.
Ông Bùi Hiền Nhơn (ngụ KP.5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Cha mẹ học sinh phải quan tâm hơn đến con em mình.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, tình trạng học sinh gây gổ, bắt nạt nhau trong trường học xảy ra đã nhiều. Thời gian gần đây, tại một số trường còn có những vụ việc học sinh đánh nhau nghiêm trọng, điển hình như vụ học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (huyện Vĩnh Cửu) và Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) đánh “hội đồng” bạn là không thể chấp nhận được. Trước sự việc này, Sở đã có văn bản đề nghị công an vào cuộc và kỷ luật khá nặng đối với những học sinh tham gia vụ ẩu đả. Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, Sở đã chỉ đạo đến phòng GD-ĐT các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức cho học sinh. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm phải lồng ghép việc dạy đạo đức cho học sinh; giải thích, phân tích cho các em biết chọn lựa sự tích cực trong khai thác và sử dụng mạng xã hội mang lại lợi ích cho bản thân. Các trường phải coi trọng việc đảm bảo an ninh trong trường học, đưa vào tiêu chuẩn xếp loại đạo đức, hạnh kiểm, thi đua cuối năm đối với học sinh và nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ngành cũng đề nghị các trường thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh về trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho con em mình; quản lý tốt thời gian ngoài giờ học của các em. |
Tôi có con đang học tại Trường THPT nội trú Ngọc Lâm (huyện Tân Phú) nên cũng rất lo vì tình trạng bạo lực học đường diễn ra khá nhiều trong thời gian gần đây. Theo tôi, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng là cha mẹ học sinh thiếu đi sâu đi sát con em mình. Thậm chí nhiều phụ huynh do mải tập trung làm ăn nên không có thời giờ giám sát con mình khiến các em tự do tụ tập với bạn bè xấu bên ngoài, lâu dần làm ảnh hưởng đến nhân cách của các em, nhất là việc ứng xử không đúng lễ giáo với bạn bè và cả thầy cô giáo. Từ những chuyện “gần mực thì đen”, một số học sinh thể hiện là “thủ lĩnh” nên khi vào trường đã có thái độ học uy hiếp bạn bè, tạo bè phái để đánh nhau. Đây là một trong những nguyên nhân khi phụ huynh quá dễ dãi trong việc học, ứng xử của con.
Chị Giảng Mỹ Phượng (KP.3, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), có con học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo: Bạo lực học đường làm học sinh dễ nhiễm những thói hư.
Tôi có 2 con đang học tiểu học và THCS. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay xảy ra khá nhiều, ở cả TH - THCS - THPT nên tôi không thể không quan tâm, chỉ dạy các con. Hàng ngày tôi thường nhắc nhở các cháu không được tụ tập bạn bè đánh nhau, đồng thời tránh xa những bạn bè có ý lôi kéo về “phe” này, “phe” nọ. Nơi tôi làm việc gần một trường THCS, thỉnh thoảng có thấy học sinh đánh nhau khi tan trường, thậm chí lôi kéo bạn xấu bên ngoài vào trường để uy hiếp bạn bè trong lớp. Theo tôi, bạo lực học đường đang gia tăng ngày càng phức tạp, vì vậy nhà trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát học sinh trong giờ ra chơi, lúc tan trường. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh thuộc dạng cá biệt để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng em để có hướng giáo dục phù hợp, hiệu quả.
Chị Trần Thị Minh Nguyệt (ngụ ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu): Bạo lực trong trường học là điều không thể tưởng tượng nổi.
Tôi đã từng nghe nhiều trường hợp chỉ vì xích mích nhỏ giữa 2 người bạn mà phát sinh thành mâu thuẫn nhóm. Từ nhận thức khá đơn giản cũng như thích ăn thua nên mới dẫn tới việc sử dụng bạo lực để giải quyết xung khắc với nhau. Ngày trước, rất hãn hữu mới xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau. Còn bây giờ bạo lực đổ máu trong học đường, xảy ra trước đông đảo học sinh là điều không thể tưởng tượng nổi. Có em còn lạnh lùng lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng như là “thành tích” của nhóm mình, rất đáng báo động. Theo tôi, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội và cần một sự quyết tâm cao của ngành giáo dục. Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên “giao khoán” học sinh cho nhà trường mà cần gần gũi, định hướng tốt cho con trong cách ứng xử với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.
Bà Phạm Thị Hòa (phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa): Một gia đình hạnh phúc sẽ không có bạo lực học đường.
Tôi cho rằng, sở dĩ ở mỗi trường học có những học sinh hung dữ, thường xuyên sử dụng đấm đá để giải quyết mâu thuẫn, có thể là cha mẹ em đó hay cãi nhau, thậm chí cũng sử dụng bạo lực trong gia đình. Từ chỗ con cái thiếu đi tình thương yêu của cha mẹ, rồi hàng ngày chứng kiến cảnh không lành mạnh ở nhà, ngoài xã hội và trên internet nên các em sớm bị tiêm nhiễm thói hư. Do đó, phòng chống bạo lực học đường, tôi nghĩ nên bắt đầu từ mỗi gia đình. Cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục, yêu thương và dạy dỗ con mình từ sự trìu mến, ân cần bảo ban, nhẹ nhàng khuyên nhủ thì lâu dần các em sẽ “thấm”. Ngoài ra, khi phát hiện học sinh có biểu hiện vi phạm nội quy nhà trường, thầy cô phải thật nghiêm khắc ngay từ đầu để kịp thời răn đe. Đừng để khi các em có hành động phạm pháp rồi mới xử lý thì đã muộn.
Nói về bạo lực học đường, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai Tạ Quốc Hạnh cho rằng đây là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, không dừng lại giữa học sinh với nhau mà cả giáo viên với học sinh, nhân viên trong trường học. bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại chung, bởi những hệ lụy cho cả học sinh, gia đình lẫn nhà trường là không nhỏ. Để phòng tránh bạo lực học đường, ông cho rằng cần cả 4 nhóm giải pháp: nhà trường, gia đình, xã hội và học sinh. Mỗi bên đều phải có những biện pháp tích cực, nỗ lực và có trách nhiệm với vai trò của mình. Giải quyết vấn đề bạo lực học đường là quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, liên tục để xây dựng một xã hội học đường thực sự là xã hội học tập, là môi trường tốt để ươm mầm cho các thế hệ tương lai. |
Ban CTBĐ