Bạn đọc

Nỗi đau từ bạo lực học đường

Bạo lực học đường trong thời gian gần đây gia tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng của các vụ việc. Không chỉ là nam sinh mà ngay cả nữ sinh gặp chuyện xích mích cũng lao vào nhau đấm đá, khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng.

Cắt từ clip đăng tải trên YouTube về 2 cuộc “hỗn chiến” của học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (trái - huyện Vĩnh Cửu) và Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa).
Cắt từ clip đăng tải trên YouTube về 2 cuộc “hỗn chiến” của học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (trái - huyện Vĩnh Cửu) và Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa).

Điều đáng nói là bạo lực học đường không đơn thuần xuất phát từ những mâu thuẫn giữa học sinh với nhau mà còn nhuốm màu bạo lực, rất đáng lo ngại.

* Ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực

Chỉ cần gõ trên google cụm từ “học sinh đánh nhau”, một phút sau sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm clip quay cảnh học sinh đấm đá nhau rất dữ dội.

Ngày 17-5 vừa qua, một clip dài 6 phút quay cảnh một nhóm nữ sinh lớp 7 và 8 Trường THCS Võ Trường Toản ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) đánh hội đồng một nữ sinh lớp 7. Đoạn clip thể hiện rõ một số nữ sinh lao vào giật tóc, đấm, đá liên tục vào người một nữ sinh nhỏ bé. Nguyên nhân chỉ là chuyện nói xấu nhau, nhưng nhóm học sinh đã không ngần ngại “xử” bạn mình không thương tiếc. Khi clip này được tung lên mạng, ngày hôm sau một clip khác ghi hình ảnh một nhóm học sinh cầm gậy “xử” học sinh đã tung lên YouTube. Trước đó ít ngày, một clip đăng tải nhóm nữ sinh Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cũng “xử” nhau như phim hành động chỉ vì một “trai đẹp” Hàn Quốc - thần tượng của mình bị chế nhạo. Điều đáng nói ở chỗ, những vụ đánh nhau và quay clip được rất đông học sinh đứng xung quanh reo hò cổ cũ, nhưng không em nào vào can ngăn.

Phát biểu tại hội thảo toàn quốc về “Phòng chống bạo lực học đường” được tổ chức tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tỏ ra băn khoăn khi cho rằng bạo lực học đường không chỉ xảy ra với học sinh phổ thông mà còn cả trong giới sinh viên, những trí thức tương lai đang độ tuổi trưởng thành và chuẩn bị khởi nghiệp. Nhiều năm qua, Đồng Nai chú trọng và tăng cường giáo dục tư tưởng truyền thống, hướng dẫn lối sống, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và ứng xử… để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh vi phạm pháp luật.

Ông Đặng Quốc Sỹ (ngụ ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết con gái ông học lớp 6 Trường THCS Lê Lợi cũng từng bị bạn đánh chỉ vì cái tướng đi nhìn… thấy ghét. “Mấy học sinh đó không chỉ đánh con tôi mà còn dọa nếu nói cho gia đình biết, sẽ bị “xử” nặng hơn. Con tôi bị stress đến mất ăn, mất ngủ, không học hành gì được. Từ trận đòn đó, cháu suốt ngày đứng trước gương tập đi thế nào cho… không bị ghét. Sau này gia đình mới biết và chuyển cháu về Trường THCS Tam Hiệp” - ông Sỹ nói. Theo ông Sỹ, chuyện học sinh chảnh chọe với nhau vốn bình thường, nhưng giới trẻ thời nay thô bạo và có phần nguy hiểm, có lẽ xuất phát từ những bộ phim bạo lực xuất hiện đầy trên internet.

* Làm sao giảm được bạo lực học đường?

Tại hội thảo toàn quốc về “Phòng chống bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay - thực trạng và giải pháp” do Hội Khoa học tâm lý - giáo dục (Hội KHTL-GD) Việt Nam tổ chức ở Đồng Nai mới đây, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đánh giá rằng, học sinh bây giờ giao tiếp ngang ngược, hành xử không đúng mực và người lớn dường như đang bất lực về thực trạng này.

Một giáo viên của Trường THCS Long Bình (TP.Biên Hòa) tâm sự: “Bây giờ giáo viên rất ngán học sinh vì tuổi trẻ hiện nay quá liều và hung dữ. Chỉ cần thầy cô nói nặng một câu, hoặc đánh một roi phạt với mong muốn các em tốt lên thì được hiểu sang là bị “sỉ nhục” nên học sinh cá biệt gây gổ luôn với thầy giáo. Có em tới trường còn mang theo “hàng nóng”, nhiều khi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ cũng có thể “xử” nhau một cách rất thô bạo”.

GS.TSKH Phạm Minh Hạc, Chủ tịch danh dự Hội KHTL-GD Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhận định học sinh sử dụng bạo lực là do không được giáo dục đầy đủ, không đủ sức phân biệt được hành vi của mình dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc. Trong nghiên cứu của mình, ông đưa ra 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, đó là: một số học sinh thiếu vắng sự yêu thương của gia đình; áp lực học tập do người lớn áp đặt; thường xuyên bị bạo lực gia đình; thích chứng tỏ bản thân; hùa theo bạn bè tham gia đánh nhau; bị kích động bởi hoàn cảnh do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHTL-GD Việt Nam, cho rằng gia đình vẫn phải là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi quản lý và giáo dục theo mô hình “gia đình - nhà trường - xã hội”. Bởi, gia đình là nơi các em gắn bó nhiều hơn, ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ em. Về giáo dục, ngành GD-ĐT cần trang bị cho mỗi trường trung học một phòng tư vấn tâm lý học sinh, để kịp thời nắm bắt, hóa giải, phân tích, chia sẻ, giúp đỡ các em khi gặp mâu thuẫn. Từ đó giúp các em giảm bớt bức xúc, bình tĩnh để ứng xử có văn hóa, gần gũi với bạn bè, thầy cô.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,149       2,056