Bạn đọc

Những ngày đầu thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Vẫn còn nhiều vi phạm

Như đã thông tin, từ 1-8-2016 bắt đầu thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…

Như đã thông tin, từ 1-8-2016 bắt đầu thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…

Nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn vô tư vượt đèn vàng, đèn đỏ trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: NGỌC LIÊN
Nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn vô tư vượt đèn vàng, đèn đỏ trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: NGỌC LIÊN
Nghị định 46/2016/NĐ-CP còn bổ sung quy định xử phạt đối với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm, như: người ngồi trên xe ô tô tại vị trí có trang bị dây an toàn nhưng không thắt dây an toàn khi xe đang chạy; người điều khiển xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thực hiện lùi xe ở đường có biển “cấm đi ngược chiều”; người điều khiển xe ô tô chở hành khách dừng đón, trả khách quá thời gian quy định và đón, trả khách không đúng địa điểm ghi trong hợp đồng, hay đón, trả khách trên đường cao tốc…

Qua 3 ngày thực hiện nghị định, phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận tại nhiều tuyến đường có không ít người điều khiển xe gắn máy 2 bánh vẫn vi phạm các quy định về an toàn giao thông, như: phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vượt đèn vàng, thậm chí vượt đèn đỏ; một tay điều khiển xe, tay còn lại cầm nghe điện thoại, nhắn tin cũng không hiếm; có những trường hợp ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn…

* Nhiều người chưa biết Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Một số người vi phạm khi bị lực lượng cảnh sát giao thông  (CSGT) “tuýt còi” đều chưa biết nghị định mới có hiệu lực thi hành từ 1-8. Khi nghe nói về mức phạt cao hơn mức phạt cũ, ai nghe cũng… sợ và hứa sẽ không tái phạm.

Trực tiếp chỉ huy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ xử lý xe vi phạm tại khu vực ngã tư Vũng Tàu, Đại úy Nguyễn Đình Nam, Đội phó Đội CSGT số 1 Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, cho biết tình hình giao thông tại khu vực này lâu nay phức tạp do lưu lượng xe tham gia giao thông đông. Lỗi vi phạm chủ yếu của xe ô tô tải là: chở hàng, vật liệu quá tải trọng và làm rơi vãi vật liệu trên đường, hoặc không giảm tốc độ khi đi qua đây nên gây mất an toàn cho các phương tiện khác.

Cảnh sát giao thông tỉnh đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Vũng Tàu. Ảnh: Kim Liễu
Cảnh sát giao thông tỉnh đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Vũng Tàu. Ảnh: Kim Liễu

Tại nút giao thông đường Nguyễn Ái Quốc - 30-4 (cổng 2 Sân bay Biên Hòa), phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), mặc dù thấy tín hiệu đèn vàng nhưng người tham gia giao thông vẫn “ráng” vượt diễn ra khá phổ biến. Ông Phù A Bạt (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) thừa nhận không hề biết quy định xử phạt vượt đèn vàng lên bằng với mức phạt vượt đèn đỏ. Từ Định Quán lên TP.Biên Hòa, khi đang điều khiển xe gắn máy 2 bánh đến nút giao Nguyễn Ái Quốc - 30-4 thì ông Bạt bị CSGT thổi phạt vì lỗi vượt đèn vàng. “Lâu nay tôi vẫn nghĩ đèn vàng chỉ để báo hiệu giảm tốc độ, khi nào đèn đỏ mới phải ngừng nên khi thấy đèn tín hiệu giao thông màu vàng tôi vẫn cố vượt qua thì bị phạm lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Đây sẽ là bài học để sau này tôi chú ý hơn khi tham gia giao thông” - ông Bạt nói.

* Vi phạm do thói quen

Bị lực lượng CSGT “tuýt còi” trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn trước Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, ông Phạm Văn Thuận (ngụ xã Thái Hòa, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vội vàng vừa nhét chiếc điện thoại vào túi quần vừa ngơ ngác không biết vì sao bị “thổi” lại. Khi được CSGT cho biết bị phạt với lỗi sử dụng điện thoại trong khi lái xe, ông Thuận rất lấy làm lạ. “Tui cũng biết vừa chạy xe vừa sử dụng điện thoại là không bảo đảm an toàn giao thông cho chính mình và cho người khác, nhưng trước nay chuyện này diễn ra rất phổ biến, đâu thấy ai bị phạt” - ông Thuận nói.

Cảnh sát giao thông lập biên bản về hành vi vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại. Ảnh: PHƯƠNG LIỄU
Cảnh sát giao thông lập biên bản về hành vi vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại. Ảnh: PHƯƠNG LIỄU

Còn bà Nguyễn Thị Hường (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) điều khiển xe máy từ hướng phường Tân Phong lên Biên Hòa thì bị CSGT ở chốt tuần tra tại cổng 2 Sân bay Biên Hòa chặn lại. Bà Hường cũng không biết mình bị lỗi gì khi đi không lấn tuyến, không vượt đèn đỏ. Khi được biết vi phạm lỗi vượt đèn vàng với mức phạt 300-400 ngàn đồng, bà Hường mới vỡ lẽ. “Nhiều khi xe đang chạy có trớn, thấy đèn vàng thì đi luôn cho khỏi “dính” đèn đỏ. Bởi trước nay mọi người đều chạy kiểu này nhưng không thấy ai nhắc nhở” - bà Hường phân trần.

Một số quy định theo hướng tăng mức phạt tiền và kéo dài thời gian tước giấy phép lái xe đối với xe ôtô: lái xe không chấp hành hiệu lệnh hoặc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 1,2-2 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 1-3 tháng; lái xe trong tình trạng say xỉn có thể bị phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng; lái xe khi trong cơ thể có chất ma túy có thể bị tước giấy phép từ 22-24 tháng hoặc bị phạt tiền 16-18 triệu đồng.

Riêng người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng khi vi phạm một trong các lỗi sau: sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; gây tai nạn giao thông không dừng lại, bỏ trốn; bị phạt từ 3-4 triệu đồng khi điều khiển xe quá tốc độ quy định trên 20km/giờ...

Ở một số điểm giao thông khác, như: khu vực ngã tư Vườn Mít, giao lộ đường Đồng Khởi - Lê Quý Đôn, Đồng khởi - Lý Văn Sâm… người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông khá thờ ơ với đèn vàng. Một cán bộ CSGT TP.Biên Hòa nhận định, lâu nay người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thói quen khi thấy tín hiệu đèn vàng vẫn cố vượt qua. Nguyên tắc hoạt động của tín hiệu đèn giao thông  là lúc đèn xanh hết thì đèn vàng sẽ sáng 3 giây, sau đó chuyển sang đèn đỏ. Việc cố tình vượt đèn vàng cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, đặc biệt vào các giờ cao điểm.

Đại úy Nguyễn Trí Thông, Tổ trưởng Tổ tuần tra thuộc Đội CSGT (Công an TP.Biên Hòa), cho biết qua những ngày đầu thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP vẫn còn rất nhiều người điều khiển xe vi phạm an toàn giao thông. Khi bị lập biên bản xử phạt, nhiều người cho rằng, mức phạt mới quá cao. Tuy nhiên, số người khác lại tán thành việc nâng cao mức phạt để đủ sức “răn đe” các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ Nếu không muốn bị mất tiền phạt thì phải điều khiển phương tiện tham gia giao thông đúng luật.

Ban CTBĐ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,794       186