Bạn đọc

Nước đá có bảo đảm vệ sinh?

Người tiêu dùng lâu nay có thói quen lựa chọn, đề phòng các loại nước uống không nhãn mác, chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhưng đá kèm với nước uống thì rất ít người quan tâm...

Một cơ sở bán nước đá ở TP.Biên Hòa để đá cây dưới mặt đất, không đảm bảo vệ sinh đối với người sử dụng.
Một cơ sở bán nước đá ở TP.Biên Hòa để đá cây dưới mặt đất, không đảm bảo vệ sinh đối với người sử dụng.

Miền Nam là vùng khí hậu hầu như quanh năm nóng nên nhiều người thường sử dụng nước đá trong đồ uống của mình. Thậm chí, nhiều gia đình xem nước đá như nhu cầu không thể thiếu trong giải khát hàng ngày.

* Nhu cầu hàng ngày

Để tăng thêm vị ngon cho đồ uống, hầu hết người tiêu dùng đều có nhu cầu sử dụng đá chung với nước uống, như: trà đá, nước suối tinh khiết, cà phê, nước ngọt, bia… Đối với vùng có khí hậu thời tiết quanh năm nắng nóng như ở Đồng Nai và các tỉnh miền Nam thì nước đá càng trở thành đồ uống thiết yếu. Tuy nhiên, hầu như không mấy ai chú ý đến nguồn nước sản xuất, cách bảo quản và vận chuyển nước đá đã thực sự hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng hay không?

Dạo một vòng quanh các điểm bán đá lẻ trên địa bàn TP.Biên Hòa và một số huyện, cho thấy cách bảo quản đá hiện nay được đựng trong các bao bì sản xuất từ nhựa tái chế PP chưa bảo đảm VSATTP. Các bao đá được chất trong một thùng lớn, người bán dùng các loại bạt, dù để che đậy. Riêng với những loại đá cây thường được chủ tiệm quấn bằng miếng bạt phủ lớn và để trực tiếp dưới đất. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 15/2012-BYT về điều kiện chung bảo đảm VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì các loại thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền đất tối thiểu 20cm và đầy đủ biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh…

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Đồng Nai, cho biết thời gian qua quy trình vận chuyển, bảo quản nước đá chưa được các cơ sở sản xuất, kinh doanh chú ý. “Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá trên địa bàn tỉnh. Cơ sở nào chưa thực hiện đăng ký bảo đảm VSATTP sẽ xử lý theo quy định, đồng thời hướng dẫn làm thủ tục đăng ký để chi cục có kế hoạch kiểm tra. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở sử dụng bao bì vận chuyển đá bảo đảm vệ sinh theo quy định” - ông Hữu nói.

Tại một điểm bán đá lẻ trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), các loại đá viên đều được đựng vào bao bì PP. Đây là loại bao không được khuyến khích sử dụng vì không bảo đảm vệ sinh. Bên ngoài các thùng đựng đá viên, những cây đá được xếp chồng lên nhau dưới đất, dụng cụ đựng đá cây là bạt trải dưới nền đất trông rất nhếch nhác. Khi chúng tôi hỏi muốn mua đá đựng trong bao bì nhựa trắng (bao bì PE đạt chuẩn VSATTP), chủ tiệm cho biết phải đặt hàng với số lượng lớn và giá thành cũng đắt gần gấp đôi là 20 ngàn đồng/bao, trong khi bao PP giá 12 ngàn đồng/bao. 

* Cần siết chặt quản lý

Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả các cơ quan chức năng lâu nay cũng chưa có đợt kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực sản xuất, bảo quản nước đá, như: nguồn nước, chất lượng đá, vận chuyển… mà chỉ kiểm tra chung theo từng đợt nên chưa có những kết quả kiểm định về chất lượng đá của các cơ sở sản xuất. Tại một cơ sở sản xuất nước đá ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), chúng tôi thấy hầu hết các loại đá viên đều được đóng gói vào các bao PP. Theo một nhân viên của cơ sở này, việc đóng bao bì là do khách hàng yêu cầu. Nhiều người không quan tâm đến bao bì mà chỉ chú ý giá, bởi nếu đóng trong bao PP thì giá thành rẻ hơn 2 ngàn đồng/bao đá, còn giá đá bán lẻ do chủ tiệm quyết định. Vì thế, đá đưa ra thị trường có đạt yêu cầu về chất lượng hay không, lâu nay còn bỏ ngỏ.

Nước đá được đựng trong các bao tái chế tại một tiệm bán đá lẻ ở TP.Biên Hòa không đáp ứng quy chuẩn về bao bì.
Nước đá được đựng trong các bao tái chế tại một tiệm bán đá lẻ ở TP.Biên Hòa không đáp ứng quy chuẩn về bao bì.

Theo thống kê của Chi cục VSATTP (Sở Y tế), toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 cơ sở sản xuất nước đá có đăng ký VSATTP. Tuy nhiên, thực tế các cơ sở sản xuất này đều sử dụng bao bì tái chế để bảo quản và vận chuyển đá nên vấn đề gìn giữ sức khỏe người tiêu dùng vẫn chưa được bảo đảm. Bên cạnh đó, chất lượng cũng như việc bảo quản đá theo đúng quy định sau khi sản xuất chưa được kiểm tra, thẩm định. Đặc biệt, tại các điểm bán đá lẻ gần như chỗ nào cũng nhếch nhác, không bảo đảm vệ sinh. 

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        121,636       42