Bạn đọc

Hộp thư tố giác tội phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hộp thư điện tử tố giác tội phạm vừa được Ban Nội chính Tỉnh ủy công bố hoạt động, đồng chí Hồ Văn Năm (ảnh), Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, cho rằng đây có thể xem là kênh thông tin quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các biểu hiện vi phạm pháp luật, nhất là những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hộp thư điện tử tố giác tội phạm vừa được Ban Nội chính Tỉnh ủy công bố hoạt động, đồng chí Hồ Văn Năm (ảnh), Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, cho rằng đây có thể xem là kênh thông tin quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các biểu hiện vi phạm pháp luật, nhất là những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

* Thưa đồng chí, sự cần thiết của việc xây dựng hộp thư tố giác tội phạm là gì và  làm sao để bảo mật cho người tố giác?

- Việc tiếp nhận xử lý tố giác, tin báo tội phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức có những hành vi tiêu cực, tham nhũng được xem là một trong những nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Với mục đích tăng cường và nâng cao hiệu quả, đồng thời phát huy dân chủ trong công tác phòng chống tham nhũng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính xây dựng và triển khai thực hiện hộp thư tố giác tội phạm đối với các hành vi tham nhũng và sai phạm trong hoạt động của các cơ quan tư pháp (theo Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 10-3-2016 của Tỉnh ủy Đồng Nai về việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng). Đây có thể xem là một kênh thông tin để phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm xã hội trong việc phát hiện tố giác tham nhũng và các sai phạm.

Để bảo mật cho người cung cấp thông tin đến hộp thư điện tử, cơ quan chức năng tổ chức quản lý bằng một máy chủ riêng biệt. Chỉ có lãnh đạo Ban Nội chính mới được mở và xem nội dung đơn thư gửi đến. Sau khi xem thư trên file điện tử sẽ được lưu vào một ổ cứng riêng và thông tin trên mạng sẽ bị xóa bỏ.

* Nếu vì lý do cá nhân, người tố giác không nêu danh tính thì thông tin họ cung cấp có được xử lý không, thưa đồng chí?

- Về nguyên tắc, người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình một cách rõ ràng nhằm giúp cơ quan thẩm quyền có căn cứ để thụ lý thông tin gửi đến trong việc xem xét, điều tra và xử lý đơn thư theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mục đích của việc đặt hộp thư tố giác tội phạm là tạo thêm một kênh thông tin để ghi nhận và hỗ trợ của người dân cho công tác phòng chống tham nhũng. Qua đó, cơ quan thẩm quyền tiếp nhận nội dung tố giác cán bộ đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, hành vi sai phạm trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Do vậy, chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin gửi đến. Đối với những thư tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (nặc danh) nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng chống tham nhũng.

Theo đồng chí Hồ Văn Năm, ngoài việc gửi thư cho hộp thư điện tử tại địa chỉ: phongchongthamnhung.bnctu@dongnai.gov.vn, người dân có thể nhắn tin, điện thoại vào số điện thoại cá nhân của ông là 0913.940017 để tố giác các hành vi sai phạm của cán bộ công chức, đảng viên có hành vi tham nhũng và sai phạm trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

* Quy trình xử lý thư tố giác tội phạm sẽ được thực hiện ra sao?

- Việc giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp; hoặc gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tiêu cực, tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Soạn thư tố giác tội phạm (ảnh minh họa).
Soạn thư tố giác tội phạm (ảnh minh họa).

* Người tố giác thông tin có quyền lợi và trách nhiệm gì không?

- Để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, tổ chức và cá nhân tố giác hành vi tham nhũng cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, người tố cáo hành vi tham nhũng có thể yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình. Những thông tin gửi đến hộp thư tố giác tội phạm sẽ được thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng thư riêng hoặc trên Báo Đồng Nai. Đồng thời, người gửi đơn tố cáo được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù. Người tố cáo được khen thưởng nếu tố cáo đúng, trung thực; tích cực phối hợp với cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Người tố cáo còn có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố giác, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Kim Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        121,747       77