Bạn đọc

Bỗng dưng mất đường đi

Con ngõ nhỏ vốn là lối đi chung của 3 gia đình hàng chục năm qua. Thế nhưng gần đây, người hàng xóm tự nhận là đất của mình rồi tiến hành rào lại khiến 2 gia đình kia không có lối đi…

Con ngõ nhỏ vốn là lối đi chung của 3 gia đình hàng chục năm qua. Thế nhưng gần đây, người hàng xóm tự  nhận là đất của mình rồi tiến hành rào lại khiến 2 gia đình kia không có lối đi…

Sự việc tưởng như đùa này xảy ra tại tổ 13, ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) từ hơn 1 năm qua.

* Tự ý rào đường

Dẫn chúng tôi đến con đường đã bị người hàng xóm là ông Phạm Văn Tịnh chặn lại bằng những cành điều khô, anh Phùng Sỹ Mạnh bức xúc cho biết ngày trước gia đình anh và chị Vũ Thị Thanh Thúy đều đi lại trên đường này. Bỗng dưng ông Tịnh tuyên bố đường đi đó thuộc đất nhà mình nên làm hàng rào để không ai đi lại được. Không chỉ thế, ông Tịnh còn ngang nhiên trồng một số loại cây ngắn ngày, như: đu đủ, sả chẳng khác gì giữ đất.

  Thời gian qua, gia đình anh Phùng Sỹ Mạnh, chị Vũ Thị Thanh Thúy phải đi nhờ lối đi của người khác.
Thời gian qua, gia đình anh Phùng Sỹ Mạnh, chị Vũ Thị Thanh Thúy phải đi nhờ lối đi của người khác.

Cũng ấm ức như anh Mạnh, chị Thúy cho biết, năm 1985 sau khi lập gia đình thì vợ chồng chị được cha mẹ chồng cho mảnh đất rộng 4 sào ở tổ 13, ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 để ở và canh tác. Đất của gia đình chị Thúy giáp với đất nhà ông Phạm Văn Tịnh và có một lối đi chung dài 60m, rộng 4m cặp theo ranh đất nhà ông Tịnh để ra đường lớn. Năm 1990, sau một trận lụt lớn nhà cửa bị hư hại nên gia đình chị Thúy chuyển lên cư ngụ tại ấp Trần Cao Vân cùng xã. Riêng mảnh đất đó vẫn được gia đình chị Thúy canh tác chôm chôm cho đến nay. Năm 1995, gia đình anh Phùng Sỹ Mạnh cũng mua mảnh đất rộng 5 sào liền kề đất nhà chị Thúy và cũng mở cổng đi chung con đường mà gia đình ông Tịnh và chị Thúy cùng đi.

Trong khi đó, anh ruột của ông Phạm Văn Tịnh là ông Phạm Văn Thuận cho biết năm 1981 gia đình ông từ huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vào xã Bàu Hàm 2 lập nghiệp và có mua mảnh đất rộng 5 sào để canh tác. Đến năm 1985, gia đình ông Tịnh cũng chuyển vào sinh sống cùng ông Thuận. Sau đó, ông Thuận bán khu đất trên cho gia đình ông Tịnh. Về nguồn gốc con đường, ông Thuận khẳng định đây là lối đi chung đã có từ trước, các hộ vẫn đi lại bình thường.

Tháng 6-2015, con trai ông Tịnh là Phạm Văn Hoan xây nhà trên đất gia đình thì ngõ đi chung bị chặn lại. Chị Thúy, anh Mạnh đến hỏi ông Tịnh vì sao lại có hành động như vậy, thì cả nhà ông Tịnh tuyên bố đó là đất riêng của mình nên ông có quyền rào. Cha con ông Tịnh còn hung hăng đe dọa: “Đứa nào ra phá hàng rào, tao chém chết”. Trước hành vi trên, gia đình chị Thúy và anh Mạnh không dám đi qua đường đó nữa mà phải xin đi nhờ qua đất của người khác xa gấp 4 lần so với đường cũ.

* Đòi hỏi kỳ lạ

đường đi nhờ nhỏ hẹp và rất lầy lội khiến cho việc đi lại của 2 gia đình này càng trở nên khó khăn. Những năm trước, khi đến mùa thu hoạch chôm chôm thì xe tải cỡ nhỏ có thể đến cổng 2 gia đình để chuyên chở, nhưng giờ lối đi đã bị rào nên khi thu hoạch chôm chôm, chị Thúy và anh Mạnh phải dùng xe máy để chở ra đầu đường, mỗi lần chỉ được khoảng 20kg, mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhiều lúc anh Mạnh muốn bỏ rẫy để đi làm ăn nơi khác, nhưng không có vốn đành phải cắn răng chịu đựng.

Anh Phùng Sỹ Mạnh đứng tại địa điểm trước đây là đường đi chung, nhưng giờ bị hộ ông Phạm Văn Tịnh bít lại. Ảnh: N.Ba
Anh Phùng Sỹ Mạnh đứng tại địa điểm trước đây là đường đi chung, nhưng giờ bị hộ ông Phạm Văn Tịnh bít lại. Ảnh: N.Ba

Không thể sống mãi trong cảnh thiếu đường đi, chị Thúy và anh Mạnh đã làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã Bàu Hàm 2 nhờ can thiệp. Chính quyền địa phương có tổ chức hòa giải giữa các gia đình nhưng không thành vì gia đình ông Tịnh đưa ra yêu cầu là chị Thúy, anh Mạnh phải mua lại con đường đó với giá 50 triệu đồng. Đây là “yêu sách” rất lạ lùng, đồng thời vượt quá khả năng của 2 gia đình anh Mạnh, chị Thúy nên 2 bên không có tiếng nói chung.

Trao đổi về lối đi chung mà ông Phùng Sỹ Mạnh và bà Vũ Thị Thanh Thúy đang kiến nghị địa phương can thiệp, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2 Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Trước đây, tại khu đất của các ông, bà: Phạm Văn Tịnh, Phùng Sỹ Mạnh, Vũ Thị Thanh Thúy không có đường. Đến năm 2010, khi vẽ lại bản đồ thì đã có con đường như các bên đã trình bày. Về vấn đề tranh chấp lối đi chung, UBND xã Bàu Hàm 2 chỉ có chức năng hòa giải nhưng gia đình ông Tịnh không đồng ý. Qua đó, chúng tôi đã hướng dẫn chị Thúy và anh Mạnh làm đơn kiện lên Tòa án nhân dân huyện. Thực tế, năm 2013 UBND xã tiến hành hòa giải giữa các bên thì ông Tịnh chấp thuận bán cho chị Thúy và anh Mạnh đường đi đó với giá 8 triệu đồng, nhưng sau đó lại đổi ý; đến lần thứ 2 rồi thứ 3 đòi thêm mấy chục triệu đồng. Trước sự việc rất khó xử lý, UBND xã đã báo cáo huyện xin ý kiến. Hướng tới là sẽ mời 2 bên làm việc, để thống nhất cách giải quyết dứt điểm, không để tình trạng này kéo dài”.

    Thăng Hữu

Nguyên Ba - Thăng Hữu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        121,646       31