Bạn đọc

Sản xuất chà bông gây ô nhiễm môi trường

Người dân ở KP.11, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) phản ảnh về cơ sở làm chà bông (ruốc) của hộ bà Nguyễn Thị Làn tại nhà số 300, tổ 47, KP.11 trong quá trình sản xuất đã làm phát tán bụi than và nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con.

Người dân ở  KP.11, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) phản ảnh về cơ sở làm chà bông (ruốc) của hộ bà Nguyễn Thị Làn tại nhà số 300, tổ 47, KP.11 trong quá trình sản xuất đã làm phát tán bụi than và nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của bà con.

Phía sau nhà bà Phạm Thị Oanh bị ngập úng vì nước thải từ cơ sở sản xuất chà bông tràn sang.  Ảnh: P.LIỄU
Phía sau nhà bà Phạm Thị Oanh bị ngập úng vì nước thải từ cơ sở sản xuất chà bông tràn sang. Ảnh: P.LIỄU

Ông Tô Văn Năm, một hộ dân ở sát cơ sở sản xuất trên, bức xúc: “Khi đốt lò hơi để sản xuất chà bông, bà Làn sử dụng rất nhiều than đá nhưng lại không có biện pháp xử lý khói bụi khiến muội than phát tán khắp nơi. Nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa để tránh bụi bặm vào nhà. Điều đáng nói hơn là mái tôn dãy nhà trọ của tôi rất mau hỏng do tác động của muội than từ cơ sở này”. Vợ ông Năm chỉ vào đống muội than ở góc sân thượng nói: “Cứ 2 ngày, tôi lại hốt một vốc tay muội than thế này”. Còn bà Phạm Thị Oanh, cũng ở cạnh nơi sản xuất chà bông, nói: “Trước đây, hồ chứa nước thải của cơ sở khi đầy thì tràn qua khu đất trống của một đơn vị gần đó. Nhưng mới đây, do đơn vị này xây tường chắn lại nên khi hồ chứa đầy thì tràn sang khu đất trống của gia đình họ sát với nhà tôi, gây cảnh nước bị úng, bốc mùi hôi thối, khiến muỗi mòng sinh sản, nguy cơ phát sinh dịch bệnh có thể bắt nguồn từ đây”.

Từ 10 năm nay gia đình bà Làn làm nghề chà bông thịt heo, thịt gà gia truyền với quy mô mỗi ngày vài trăm ký thịt. Năm 2013, vì nhu cầu mở rộng sản xuất, gia đình bà Làn đã mua thiết bị lò hơi và sử  dụng mỗi tháng khoảng 2 tấn than đá và than bùn để đốt lò hơi sấy thịt. Mỗi lần đốt lò, bụi than và khói bay mù mịt khiến nhiều hộ ở xung quanh rất bất bình. 

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về quá trình sản xuất chà bông đã làm bà con lối xóm phiền lòng, bà Làn cho biết hiện gia đình sử dụng điện để chạy lò hơi là chính. Những lúc cúp điện cơ sở mới sử dụng than đá dùng cho khâu sấy thịt chứ không đốt lò cung cấp hơi cho toàn bộ các khâu. Theo bà Làn, mỗi ngày cơ sở chỉ sử dụng khoảng 3-4 ngàn kg thịt gà, heo - lượng nguyên liệu không quá lớn nên thời gian đốt lò cũng chỉ vài giờ trong ngày. Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đốt lò của cơ sở sản xuất chà bông có làm ống khói khá cao, che chắn bên ngoài nhưng do không kín khiến cho muội than vẫn có thể thoát ra ngoài bay tứ tán. Riêng vấn đề nước thải từ khâu rửa thịt, trước đây được hộ bà Làn thu gom vào một cái bể lớn và sau giai đoạn lắng, nước thải được đổ ra khu rừng cây của một đơn vị quân đội phía sau nhà. Song từ sau tết, Tiểu đoàn 10 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đóng quân tại đây đã xây bức tường dài, ngăn cách giữa khu quân sự và dân sự nên gia đình bà Làn đành phải để nước thải tràn qua phần đất trống sau nhà, giáp ranh với hộ bà Oanh. Nước thải cùng với nước mưa dồn lại đã khiến khu vực phía sau hộ bà Oanh bị ngập úng.

Ông Đào Xuân Nam, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong, cho hay: “Thời gian qua chúng tôi đã nhận được đơn phản ảnh của một số hộ dân về việc cơ sở sản xuất chà bông gây ô nhiễm môi trường. Sắp tới, phường sẽ tổ chức đi kiểm tra mức độ ô nhiễm của cơ sở, nếu vượt quá thẩm quyền UBND phường sẽ kiến nghị UBND TP.Biên Hòa có biện pháp xử lý đối với gia đình bà Làn. Riêng về đường cống thoát nước, phường cũng sẽ xem xét quy mô và mục đích, đồng thời yêu cầu cơ sở phải thực hiện đúng quy trình xin phép cơ quan chức năng và phải có cam kết thời gian thi công, trách nhiệm san lấp lại mặt bằng sau thi công… Nếu việc này được Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa thông qua, phường sẽ tổ chức họp và vận động những hộ dân có liên quan hợp tác để việc làm cống thoát nước thải của cơ sở được thuận lợi”.

Gia đình tôi cũng rất ngại khi sản xuất làm cuộc sống của bà con láng giềng bị ảnh hưởng. Để khắc phục những tồn tại, sắp tới chúng tôi sẽ chuyển một số công đoạn sản xuất đến địa điểm khác để tu sửa lại toàn bộ khu xưởng này, đồng thời sẽ sử dụng dầu để đốt lò hơi thay cho than đá. Riêng đối với hộ ông Năm mới đây có thay mới tôn của dãy nhà trọ hết 20 triệu đồng, nói là do muội than sớm làm hư hỏng, tôi nghĩ rằng không hẳn như thế. Bởi tôn sử dụng từ lâu mà bị gỉ sét là điều bình thường. Nhưng trước lời than vãn của láng giềng, gia đình tôi cũng chia sẻ một nửa chi phí sửa chữa cho ông Năm” - bà Làn nói.

 Thu quét muội than trên sân thượng nhà ông Tô Văn Năm.
Thu quét muội than trên sân thượng nhà ông Tô Văn Năm.

Riêng việc thoát nước thải, gia đình bà Làn đã làm đơn xin được tự bỏ kinh phí làm một đường cống dài khoảng 100m để làm đường thoát nước thải cũng như nước mưa dẫn đến cống thải chung của đường Đồng Khởi. Song, dù đã được đơn vị đầu tư xây dựng quản lý đường Đồng Khởi cho phép, chính quyền khu phố cũng đã thông qua với dân, nhưng đường cống đang thi công thì một số hộ không đồng ý cho đào tiếp ngang qua sân nhà mình, mặc dù đây là phần đất thuộc hành lang đường bộ. Từ phản ứng của một số hộ dân, đường thoát nước thải sản xuất từ hộ bà Làn ra đường Đồng Khởi phải tạm ngưng.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        121,673       38