Bạn đọc

Lấy thuốc có uống? (Bài cuối)

Với những người đau ốm thực sự thì đi khám bệnh lấy thuốc về uống với mong muốn mau khỏi bệnh. Nhưng có những người đi khám bệnh để được cấp thuốc nhằm mục đích khác.

TIN LIÊN QUAN

 “Nếu hàng tháng, bệnh nhân uống hết hàng chục toa thuốc chắc chắn sẽ bị phá gan”. Đó là cảnh báo của dược sĩ Võ Thị Thanh Thảo, Trưởng khoa Dược Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

* Nguy cơ tương tác thuốc

Phân tích các toa thuốc của 2 bệnh nhân: T.N., 40 tuổi (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) và Đ.D., 48 tuổi (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), kết luận của Khoa Dược Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho thấy các bệnh nhân này không thể dung nạp tất cả các toa thuốc trong thời gian dài vì có nhiều loại thuốc “công” nhau nếu uống cùng thời điểm.

Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh minh họa: P. Liễu
Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh minh họa: P. Liễu

Cụ thể, trong 13 toa thuốc của bệnh nhân N.H. có 44 loại thuốc trị các bệnh: mắt, tai mũi họng, đau nhức xương, tim mạch, rối loạn tiêu hóa, hen suyễn, viêm tai… Mỗi đợt điều trị từ 7-14 ngày, tổng số thuốc bà N. lãnh là 1.374 viên, chưa kể một số loại thuốc nước, thuốc bột. Nếu chia bình quân cho đợt cấp thuốc dài nhất là 14 ngày, mỗi ngày bệnh nhân phải uống tới 98 viên thuốc các loại bệnh.

Tương tự, bệnh nhân Đ.D. lấy 12 toa thuốc nhận 34 loại thuốc gồm 1.700 viên các loại. Nếu tuân thủ lịch uống thuốc theo từng toa, mỗi ngày bệnh nhân D. phải dung nạp hơn 100 viên thuốc. “Điều đó là không thể. Chỉ cần uống như thế trong một tháng, những bệnh nhân này phải nhập viện để điều trị bệnh gan phát sinh, cũng như các bệnh có sẵn tăng nặng do tương tác thuốc” - dược sĩ Thanh Thảo khẳng định.

Lê Thị Ngọc Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, nếu bệnh nhân không khám trùng khoa trong thời gian còn thuốc uống thì vẫn được bảo hiểm xã hội thanh toán. Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chia sẻ của cộng đồng dành cho người bệnh. Lạm dụng bảo hiểm y tế để lấy thuốc ra bán là hành vi không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ xem xét và có biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới”.

Trò chuyện với bệnh nhân N.H., 85 tuổi (phường Thống Nhất) - người được “mệnh danh” là bệnh nhân có số lần khám bệnh nhiều nhất bệnh viện năm 2015, bà H. mở lòng tâm sự: “Tôi bị bệnh xơ gan phải khám lấy thuốc uống hàng ngày, nhưng tôi chỉ uống một số loại, còn tranh thủ khám thêm các bệnh khác. Nói thật, tôi khám lấy thuốc đem bán kiếm tiền ăn quà, mỗi tháng được khoảng 500 ngàn đồng, đỡ phải xin con”.

Chuyện khám bệnh lấy thuốc ra bán, hoặc cho người nhà uống đã từng được Báo Đồng Nai phản ảnh. Nhiều nhà thuốc ở quanh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ và mới từng là “địa chỉ” bán thuốc quen thuộc của không ít bệnh nhân. Dược sĩ H.S., phụ bán tại một nhà thuốc trên đường Phan Đình Phùng, cho biết: “Nhiều người đi khám rồi đem thuốc đến bán hoặc đổi thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế. Có những toa thuốc như tim mạch, tiểu đường, hen suyễn được mua với giá khá cao, có khi tới 700 ngàn đồng. Một số người một tuần bán thuốc 2-3 lần. Thường xuyên nhất là 2 ông, bà khoảng hơn 60 tuổi mỗi tuần chở nhau đi khám bệnh 3 lần và đều đến đây bán, đôi khi được hơn 1 triệu đồng/tuần”.

* Sẽ xiết chặt việc cấp thuốc

Bà Ngô Thị Thanh Loan, Giám định viên của Bảo hiểm xã hội tỉnh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Qua thông báo của Khoa Khám bệnh về những trường hợp có số lần khám bệnh nhiều bất thường, chúng tôi mời những người này lên làm việc, nhưng họ cứ khăng khăng mình có bệnh, đi khám lấy thuốc về uống. Quả thật, không thể phân biệt được họ bệnh thật hay giả”. Theo bà Loan, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là bệnh viện tuyến tỉnh hạng I nên có nhiều loại thuốc chất lượng cao và đắt, nhất là các loại thuốc trị tim mạch, hen suyễn, tiểu đường… Trong khi nhiều người bệnh nghèo phải vất vả mới mua được thẻ bảo hiểm y tế, dành dụm từng đồng để chi trả viện phí... thì những người vốn đã được ưu đãi nay lại lạm dụng khám bệnh lấy thuốc để trục lợi là hành vi thiếu đạo đức.

Bệnh nhân được cấp thuốc sau khi khám bệnh
Bệnh nhân được cấp thuốc sau khi khám bệnh

Để hạn chế tình trạng trên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết bệnh viện tiếp tục “sưu tập” thêm những trường hợp có số lần khám bệnh nhiều bất thường, đồng thời yêu cầu Khoa Khám bệnh kiên quyết từ chối cho bệnh nhân đăng ký khám trước lịch hẹn từ 2 ngày trở lên nếu không có vấn đề khác biệt. Mặt khác, bác sĩ các khoa phòng sẽ xiết chặt việc kê toa, cấp thuốc, đặc biệt hạn chế tăng liều. Chẳng hạn, để được cấp mới chai xịt chống co thắt đường thở, bệnh nhân phải đem vỏ chai đã hết vào đổi, bởi chai thuốc này có giá tới 300 ngàn đồng/chai.

Nâng cao năng lực điều trị, tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái cho người bệnh là những nỗ lực của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang hướng tới. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân khám bệnh nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm y tế, thời gian tới bệnh viện sẽ kiên quyết không cấp thuốc cho những ca khám nhưng không đủ cơ sở xác định có bệnh.

 Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,219       2,055