Kinh tế

Trái cây Đồng Nai: Tìm "cửa" vào thị trường khó tính

Năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ. Ngoài thị trường truyền thống, hàng loạt thị trường khó tính, như: Nhật, Úc, Mỹ, Hàn Quốc... đã chính thức mở cửa cho trái cây Việt.

Năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ. Ngoài những thị trường truyền thống, hàng loạt thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc... đã chính thức mở cửa cho trái cây Việt. Tuy nhiên, trong thực tế để xuất khẩu được vào các thị trường này vẫn không dễ dàng.

Nông dân quan tâm trồng bưởi sạch hướng đến thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân tại huyện Định Quán.
Nông dân quan tâm trồng bưởi sạch hướng đến thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân tại huyện Định Quán.

Đồng Nai không thiếu những loại trái cây được các thị trường khó tính trên ưa chuộng, như: xoài, thanh long, chuối, bưởi... Nhưng bao nhiêu năm qua, thị trường trái cây Đồng Nai vẫn luôn bấp bênh.

* Chỉ nhìn vào Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ tại Úc, cho hay: “Úc có khoảng 24 triệu dân nhưng mỗi năm nhập khẩu hàng hóa đến vài trăm tỷ USD. Sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào nước này tăng lên, đặc biệt là hàng nông sản. Trái cây của Việt Nam muốn vào thị trường này phải quy hoạch đầu tư vùng trọng điểm, sản xuất theo chuỗi”. Cũng theo bà Thúy, trái cây của nước ta có nhiều cơ hội để vào Úc, nhưng doanh nghiệp phải liên kết với nông dân để có vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho xuất khẩu vì Úc đòi hỏi rất khắt khe.

Khánh Minh

Nông dân trồng chuối đang khấp khởi vào vụ thu hoạch vì chuối xuất khẩu sốt giá chứ không rơi vào tình trạng phải chặt bỏ và chờ được giải cứu như vụ mùa năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nông dân hiện nay theo dõi tình hình thời tiết, mùa màng ở Trung Quốc còn hơn tình hình mùa vụ ở Việt Nam. Thời điểm này năm ngoái, mùa đông ở Trung Quốc khắc nghiệt nên dù vụ trước nhiều người mất tiền tỷ vì cây chuối nhưng nhiều nông dân Đồng Nai vẫn tăng diện tích trồng chuối.

“Năm nay, gia đình tôi cũng vẫn trồng gần 3 hécta chuối. Đầu vụ, giá chuối cao thì mừng nhưng nỗi lo luôn kề bên vì mọi thông tin chúng tôi tìm hiểu được đều là tin “hành lang” theo kiểu truyền miệng. Chúng tôi mong có một kênh thông tin chính thống dự báo cho chúng tôi biết về những thay đổi về nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở từng mùa vụ cụ thể để tránh đổ bỏ chuối như đã xảy ra” - ông Thân nói.

Vài năm trở lại đây, chỉ những thời điểm Trung Quốc nhập khẩu thì người trồng xoài mới bán được giá. Vì ngay tại thị trường nội địa, trái xoài Việt Nam hầu như không cạnh tranh lại cả về giá lẫn chất lượng so với trái xoài keo nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), lo lắng: “Chợ lớn, chợ nhỏ của Đồng Nai đang tràn ngập  xoài keo Campuchia vì giá quá rẻ trong khi xoài của nông dân mình trồng còn tồn đầy ở vườn. Nhiều nông dân đang chặt xoài ba mùa mưa chuyển sang trồng giống xoài keo vì thấy thị trường đang chuộng, giống xoài này lại ít bị tác động bởi thời tiết. Còn lại xoài Đài Loan chiếm diện tích lớn vì Trung Quốc chuộng loại giống này”.

Cũng theo ông Bảo, tuy hợp tác xã tham gia rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp các nước, thậm chí có chuyên gia Nhật Bản về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trồng xoài theo chuẩn thị trường Nhật Bản nhưng vẫn chưa mở rộng được kênh tiêu thụ đi các nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của họ.

* Cần chuẩn hóa vùng nguyên liệu

Công ty TNHH một thành viên nông sản Globe Farm Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) đang đầu tư vùng nguyên liệu chuối theo chuẩn GAP tại huyện Xuân Lộc. Đại diện của công ty này cho biết hoạt động xuất khẩu chuối sang thị trường Hàn Quốc tăng trưởng rất tốt.

Ngoài trái chuối, nhiều loại trái cây khác mà Đồng Nai có diện tích lớn đều được các thị trường khó tính khác, trong đó có Nhật Bản, rất quan tâm. Nhưng do không có vùng nguyên liệu ổn định và nhất là khó kiểm soát được về chất lượng nên doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu sản lượng chuối do doanh nghiệp đầu tư trồng được.

Cùng quan niệm trên, ông Lê Tự Phương Thành, Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Việt Mỹ (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư 50 hécta bưởi, sầu riêng tại huyện Tân Phú và 50 hécta ổi tại tỉnh Lâm Đồng đều theo quy trình sản xuất sạch đạt chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi cũng đã tổ chức được hợp tác xã trồng bưởi sạch tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú) với hàng chục hécta. Tới đây, chúng tôi sẽ đem mẫu trái cây đi kiểm tra về chất lượng và khi đã chuẩn hóa được vùng nguyên liệu thì sẽ tiến hành làm hàng xuất khẩu”.

Theo ông Thành, cơ hội thị trường xuất khẩu hiện nay rất lớn. Nhưng doanh nghiệp vẫn đi từng bước vững chắc bắt đầu từ việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu vì thị trường xuất khẩu đòi hỏi chất lượng rất khắt khe. Ngoài xuất khẩu trái cây tươi, Việt Mỹ sẽ ký kết hợp tác với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến để đầu ra thật sự vững chắc.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào Nhật Bản. Người dân nước này rất thích trái cây nhiệt đới, song đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, hàng vào được thị trường này cũng đồng nghĩa với việc có thể dễ dàng bán qua các thị trường khác. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại trái cây vào thị trường Nhật Bản và đang tiếp tục đàm phán để tới đây sẽ xuất khẩu thêm 2 loại trái cây nữa là nhãn và vải.

Hương Giang

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,131       1,186