Kinh tế

Lại băn khoăn xử lý rác sinh hoạt

Tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cuối năm 2017 là 63%, song đến đầu năm 2018 lại tăng lên 85%. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác sinh hoạt nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp dưới 50%...

Tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cuối năm 2017 là 63%, song đến đầu năm 2018 lại tăng lên 85%. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác sinh hoạt nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50% vào cuối năm 2018.

Khu xử lý rác Bàu Cạn (huyện Long Thành) rác sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp.
Khu xử lý rác Bàu Cạn (huyện Long Thành) rác sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh thu gom khoảng 1,4 ngàn tấn rác sinh hoạt. Rác thu gom đưa về các khu xử lý chất thải được quy hoạch của tỉnh để đốt, làm phân compost và chôn lấp. Năm 2016, Nghị quyết của HĐND tỉnh đưa tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt là dưới 15%, nhưng sau đó gặp nhiều vướng mắc không thực hiện được. Năm 2018, quy định tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt thay đổi là dưới 50%.

* Tỷ lệ chôn lấp tăng

Từ tháng 2-2018, Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chuyên xử lý rác thành phân bón đã ngưng hoạt động để di dời về Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) nên tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt của tỉnh đã tăng lên 85%, cao hơn 22% so với cuối năm 2017.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, các sở, ngành liên quan phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xử lý rác sớm hoàn thành hồ sơ tiến hành xây dựng các lò đốt để sớm đi vào hoạt động, giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt. Những dự án về xử lý rác của các doanh nghiệp phải hoàn thành theo đúng tiến độ để tháng 7-2018 đi vào hoạt động thì năm 2018 mới đạt tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt dưới 50%. Cũng theo ông Chánh, rác sinh hoạt là một tài nguyên, đốt chỉ là tạm thời, về lâu dài xử lý thành phân bón hoặc tái tạo thành điện năng.

Ông Nguyễn Văn Cung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh, cho biết: “Công ty đang trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy mới, dự tính đến tháng 7-2018 hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất xử lý khoảng 240 tấn/ngày”.

Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, tỉnh dự tính đưa khoảng 100 tấn rác sinh hoạt/ngày về khu xử lý rác Quang Trung (huyện Thống Nhất) xử lý thành phân compost để giảm tỷ lệ chôn lấp. Nếu trong quý III-2018, các công ty: Đồng Xanh, Cù Lao Xanh, Thiên Phước, Tài Tiến, Đa Lộc cùng đưa rác sinh hoạt vào đốt, xử lý thành phân thì tỷ lệ chôn lấp có thể giảm xuống dưới 50%.

Ông Nguyễn Ngọc Bé, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại - môi trường Thiên Phước, chuyên xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, cho hay: “Công ty đang đầu tư lò đốt rác có công suất hơn 70 tấn/ngày, nhưng còn vướng thủ tục cấp phép xây dựng nên đành phải chờ. Nếu được cấp phép sớm, công ty nhanh chóng hoàn tất khâu xây dựng, lắp đặt máy móc xử lý thì trong tháng 6 hoặc tháng 7-2018 có thể đi vào đốt rác, như vậy tỷ lệ chôn lấp rác của tỉnh sẽ giảm”.

* Lo ngại đơn giá thấp

Điều các doanh nghiệp đang xử lý rác thành phân compost hoặc đốt lo ngại là đơn giá xử lý rác thấp, chỉ hơn 400 ngàn đồng/tấn thì các công ty càng xử lý nhiều càng lỗ lớn.

HĐND tỉnh kiểm tra xử lý rác tại sinh hoạt tại Khu xử lý rác Bài cạn ( huyện Long Thành)
HĐND tỉnh kiểm tra xử lý rác tại sinh hoạt tại Khu xử lý rác Bài cạn ( huyện Long Thành)

Đại diện Công ty TNHH Cù Lao Xanh, chủ đầu tư Khu xử lý rác Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), nói: “Công ty đang xử lý rác thải sinh hoạt gom được bằng cách đốt để giảm tỷ lệ chôn lấp, nhưng giá Nhà nước trả chỉ khoảng 400 ngàn đồng/tấn nên càng xử lý nhiều càng lỗ nặng. Vì thế, mới đây công ty đành phải ngưng đốt rác sinh hoạt để giảm lỗ”.

Theo tính toán của các doanh nghiệp xử lý rác sinh hoạt theo hình thức đốt thì giá phải gần 800 ngàn đồng/tấn mới có lời. Đại diện Công ty TNHH Tài Tiến, chủ đầu tư dự án xử lý rác tại Khu xử lý rác xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) cũng bày tỏ lo ngại là tháng 6-2018, công ty sẽ hoàn thành lò đốt rác với công suất gần 50 tấn/ngày, nếu tỉnh chỉ trả giá hơn 400 ngàn đồng/tấn khó mà xử lý được.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi, chủ đầu tư dự án Khu xử lý rác Quang Trung (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Công ty đang xử lý hơn 200 tấn rác sinh hoạt/ngày thành phân compost và giá quy định của tỉnh trong năm 2017 là 520 ngàn đồng/tấn thì tạm ổn, nếu thấp hơn doanh nghiệp sẽ không đủ chi phí xử lý. Hiện công ty đang đầu tư mở rộng thêm nhà máy để nâng công suất xử lý tăng khoảng 400 tấn/ngày”.

Ông Lê Văn Thư, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho rằng sở dĩ tỉnh xây dựng đơn giá xử lý rác sinh hoạt thấp như vậy là vì căn cứ vào hồ sơ. Tới đây, tỉnh sẽ tiến hành đấu thầu xử lý rác sinh hoạt, đơn vị nào bỏ thầu thấp sẽ trúng.

Các công ty lý giải việc giá thành đốt rác sinh hoạt cao là do rác có độ ẩm cao nên các lò đốt phải có nhiệt độ hơn 1.0000C mới đảm bảo không phát sinh các khí và thải ra môi trường những chất độc hại, còn đốt với nhiệt độ dưới 1.0000C rất khó đảm bảo. Việc đốt rác sinh hoạt ở nhiệt độ cao tỷ lệ tiêu hao điện, dầu rất lớn.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,143       1,130