Kinh tế

Tiêu dùng bền vững

Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 là "Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững" nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đảm bảo uy tín, chất lượng và người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng những sản phẩm an toàn, hướng đến tiêu dùng "xanh".

Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 là “Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững” nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đảm bảo uy tín, chất lượng và người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng những sản phẩm an toàn, hướng đến tiêu dùng “xanh”.

Người tiêu dùng mua hàng tại Co.opMart Biên Hòa.
Người tiêu dùng mua hàng tại Co.opMart Biên Hòa.

Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018, ngày 15-3 Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo Giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

* Hướng đến người tiêu dùng

Tiêu dùng bền vững là chú trọng đến vòng đời sản phẩm để việc sử dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng tái tạo và không thể tái tạo đạt được hiệu quả nhất. Cụ thể là để việc tiêu dùng đó giúp giảm đi lượng nguyên liệu và mức độ năng lượng sử dụng cho một đơn vị sản phẩm. Tiêu thụ bền vững còn được mở rộng ra với dịch vụ, các tài nguyên thiên nhiên, điện, nước, đất.

Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành), cho hay: “Sản phẩm găng tay cao su của công ty được thị trường cả nước đón nhận khá tốt. Chúng tôi xác định đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, sự tiện dụng cho người tiêu dùng và giá cạnh tranh. Như vậy, sản phẩm đã vào được các hệ thống siêu thị, đại lý bán sỉ, lẻ và xuất khẩu sang được một số nước”.

Không chỉ DN lớn, các DN nhỏ, hợp tác xã của Đồng Nai cũng dần chú trọng và hướng đến sản xuất “xanh”. Ông Nguyễn Quang Hòe, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), cho biết: “Các thành viên trong hợp tác xã đều sản xuất nấm theo quy trình sạch. Việc đóng gói sản phẩm cũng được chú trọng với nhiều trọng lượng khác nhau, chế biến thành nhiều loại để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp”.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai, nhận định DN Việt ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp hơn trong sản xuất - kinh doanh và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này thể hiện qua việc khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm những năm gần đây giảm dần.

* Chọn sản phẩm sạch, xanh

Người dân ở đô thị hiện nay rất chú ý đến quyền của người tiêu dùng, khi chọn lựa sản phẩm rất quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng mua sản phẩm an toàn, sạch với giá cao hơn sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng không đảm bảo.

Bà Nguyễn Ngọc Linh (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) nói: “Tôi luôn sẵn sàng bỏ ra thêm vài ngàn đồng/kg để mua được rau, thịt, thủy hải sản sạch để giữ sức khỏe cho gia đình. Những sản phẩm dù giá rẻ nhưng nguồn gốc không rõ ràng thì tôi rất ít khi mua”.

Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) nhằm quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm tốt hơn. Hiện nay, một số chợ truyền thống ở khu vực TX.Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất... đã lấy rau củ quả, trái cây từ chợ đầu mối Dầu Giây để được đảm bảo về nguồn gốc chất lượng. Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty bất động sản Thống Nhất, chủ đầu tư quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, cho hay: “Chợ đã đạt công suất gần 60% sau 9 tháng hoạt động. Sản phẩm nông sản vào chợ được kiểm soát kỹ về chất lượng”. Tại các chợ truyền thống đang hình thành các quầy bán rau, thịt an toàn do Sở Công thương cấp phép để người tiêu dùng có điểm đến lựa chọn những sản phẩm an toàn.

Trong tiêu dùng, người dân cũng quan tâm, hạn chế sử dụng bao ny-lông để góp phần bảo vệ môi trường. Những thói quen về tiêu dùng bền vững từng bước được hình thành như: chọn những sản phẩm an toàn, quá trình sản xuất thân thiện với môi trường. Hình thành thói quen tiêu dùng bền vững, người tiêu dùng sẽ tác động ngược trở lại các nhà sản xuất thông qua việc chọn lựa sản phẩm và buộc các DN cũng phải sản xuất theo hướng bền vững.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,058,277       35