Kinh tế

Hơn 10 năm chờ tái định cư

Hơn 10 năm nay, khoảng 320 hộ dân ở phường An Bình (TP.Biên Hòa) vất vưởng đợi bồi thường, tái định cư trong hoàn cảnh nhà cửa xuống cấp không thể sửa, điện phải mua với giá cao.

3 thế hệ trong gia đình bà Võ Thị Bạch Huệ (ở KP.7, phường An Bình, TP.Biên Hòa) hiện sống trong căn nhà chỉ 30m2 vì dự án treo đã quá lâu. Ảnh: H.Giang
3 thế hệ trong gia đình bà Võ Thị Bạch Huệ (ở KP.7, phường An Bình, TP.Biên Hòa) hiện sống trong căn nhà chỉ 30m2 vì dự án treo đã quá lâu. Ảnh: H.Giang

Vào mùa mưa, người dân nơi đây chỉ còn biết than trời vì trên thì mưa dột, dưới nước ngập tràn vào đầy nhà.

Đợi chờ mòn mỏi

Nằm cạnh Khu công nghiệp Biên Hòa 1, nhưng khu dân cư thuộc KP.7, phường An Bình chẳng khác gì làng nghèo ở vùng nông thôn. Hầu hết các dãy nhà nơi đây đều xập xệ. Không ít nhà mái tôn cũ kỹ, mục nát phải che thêm tấm bạt song cũng rách te tua, nham nhở để tránh dột.

Theo UBND phường An Bình, từ nhiều năm nay, lần nào tiếp xúc cử tri người dân cũng kiến nghị Nhà nước nhanh chóng bồi thường và xét tái định cư để họ giao đất cho nhà đầu tư. Thế nhưng, từ năm 2004 Nhà nước có thông báo thu hồi đất và bồi thường cho một số hộ rồi… bỏ quên đến nay. Ngày ấy, hộ có đất đai nhà cửa rộng từ 100-300m2 cũng chỉ được bồi thường từ 40-120 triệu đồng. Với số tiền ít như vậy, một số hộ nhận tiền xong cũng không đủ mua một miếng đất khác trong thành phố để ở.

Bà Võ Thị Bạch Huệ (ở KP.7 phường An Bình) cho hay: “Tôi đã ngoài 60 tuổi nên chỉ mong Nhà nước nếu thu hồi đất thì bồi thường tái định cư nhanh cho gia đình có nơi ở mới ổn định. Còn không thu hồi đất thì xóa quy hoạch để tôi có thể xây dựng một căn nhà khác, mùa mưa không phải nơm nớp lo cảnh dột, ngập”.

Do vướng quy hoạch nên nhiều gia đình ở KP.7, phường An Bình không thể xây dựng nhà ở đành sống cảnh nhà cửa lụp sụp. Ảnh H.Giang
Do vướng quy hoạch nên nhiều gia đình ở KP.7, phường An Bình không thể xây dựng nhà ở đành sống cảnh nhà cửa lụp sụp. Ảnh H.Giang

Theo bà Huệ, con trai bà đã có gia đình, muốn cắt cho miếng đất để xây dựng nhà riêng cũng không được. Vì vậy, gia đình 5 người của 3 thế hệ vẫn phải sống chung trong căn nhà chỉ khoảng 30m2 hiện đã xuống cấp nặng nề. “Khu này nằm trong quy hoạch nên không có điện. Vì thế, hơn 10 năm nay gia đình tôi và nhiều bà con trong khu phố phải mua điện giá cao gấp 2-3 lần giá chính thức của Nhà nước. Nhà tôi được xây dựng hơn 30 năm nay, hiện rất tồi tàn mà không được sửa chữa lại. Mỗi khi mưa lớn, nước từ khu công nghiệp đổ vào ngập đầy nhà. Quy hoạch treo đâu phải do lỗi của người dân, nhưng tại sao lại để chúng tôi chịu khổ nhiều năm như vậy?” - bà Huỳnh Thị Minh Nguyệt (ở KP.7, phường An Bình) bức xúc.

Vẫn chưa biết hồi kết

Dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang làm dở dang thì tạm ngưng. Do đó, hàng trăm hộ dân của phường An Bình khốn đốn vì đi không được, ở cũng chẳng xong. Một số hộ có điều kiện hơn một chút đã đi nơi khác mua đất làm nhà và sinh sống ổn định, còn những hộ ở lại đều thuộc gia đình có thu nhập thấp. Đến khi nào những người dân trong dự án treo này mới được nhận tiền bồi thường và tái định cư? Đây là câu hỏi người dân phường An Bình đang mong mỏi, chờ đợi câu trả lời xác đáng từ cơ quan chức năng. Song đến khi nào dự án này mới tiến hành, ngay lãnh đạo thành phố cũng lắc đầu đáp: chưa biết.

“Thành phố cũng đã bố trí cho một số hộ dân thuộc dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 bốc thăm tái định cư, nhưng do chưa có đơn giá bồi thường nên mọi việc đành phải dừng lại. Khi nào tỉnh ban hành đơn giá mới, thành phố sẽ tiến hành bồi thường và bố trí tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất. Thành phố mong tỉnh sớm có chính sách cụ thể về dự án trên để người dân trong vùng quy hoạch có nơi ở mới ổn định” - Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Tấn Long nói.

Nói về dự án treo gây bức xúc trong dân, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa Nguyễn Tấn Tài trăn trở: “Thành phố cũng rất đau đầu vì dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 làm giữa chừng phải tạm ngưng. Hiện thành phố có muốn bố trí tái định cư cũng không được vì người dân trả lại đất sẽ không có chủ đầu tư tiếp nhận”. Ông Tài thừa nhận, có đến tận nơi chứng kiến cảnh nhà cửa tiêu điều, cuộc sống tạm bợ mới thấy hết được nỗi cay đắng của những hộ dân hơn 10 năm phải chịu cảnh dự án treo.

Như vậy, khoảng 320 hộ dân có nhà, đất nằm trong dự án chỉnh trang Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vẫn tiếp tục phải chờ đợi. Thời gian đợi là 1 năm, 2 năm, 3 năm hay lâu hơn nữa vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,016       34