Kinh tế

Xuất khẩu dệt may chững lại

Gần 10 tháng của năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai đạt hơn 1,44 tỷ USD, chỉ đạt gần 97% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, sau 10 năm liền giữ mức tăng trưởng cao thì từ đầu năm đến nay, dệt may của tỉnh đã tăng trưởng âm hơn 3%.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa).

Không chỉ riêng Đồng Nai, xuất khẩu dệt may của cả nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì giá xuất khẩu giảm, các đơn hàng đang dịch chuyển dần sang các nước khác, sản phẩm chịu sự cạnh tranh gay gắt tại các thị trường lớn.

Mất dần lợi thế

Lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may đều khẳng định đơn hàng đang giảm dần; hàng xuất khẩu ra nước ngoài chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia, như: Campuchia, Lào, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ... Do đó, nhiều khách hàng yêu cầu giảm giá sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với chi phí logistics cao; bảo hiểm xã hội, lương tăng... đẩy chi phí giá thành phẩm lên. Lợi nhuận của doanh nghiệp đang bị thu hẹp và doanh nghiệp dệt may dần yếu thế.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP.Biên Hòa), cho biết: “Đơn hàng cho dệt may ngày càng giảm và những khách hàng lớn đang chuyển dần sang đặt hàng tại Campuchia, Myanmar, Lào. Lý do là vì giá nhân công ở những nước trên rẻ hơn Việt Nam, chỉ từ 120-180 USD/người/tháng. Chính phủ các nước trên còn có những chính sách mở cửa khác, như: giảm thuế, đơn giản các thủ tục”.

Giai đoạn 2013-2015, các đơn hàng dệt may từ một số nước có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam để hưởng các ưu đãi và đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhưng từ đầu năm 2016, nhiều khách hàng quen thuộc đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào, Campuchia để hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và EU. Cụ thể, Campuchia đang vượt xa Việt Nam trong thu hút các đơn hàng dệt may để xuất khẩu vào EU do thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP (Generalized Systems of Preferences - chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập) dành cho nước kém phát triển, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng thuế suất ưu đãi thuộc các nước đang phát triển là 9,6%.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện thuế suất hàng dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ trung bình 17%, châu Âu gần 10%. Theo lộ trình hưởng thuế 0% với EU từ Vietnam-EU FTA nếu không có gì thay đổi thì phải đến năm 2018 mới có hiệu lực, còn với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa biết chính xác thời điểm có hiệu lực. Do đó, các nước trên đang có lợi thế hơn so với Việt Nam và các đơn hàng đổ vào khu vực này nhiều hơn hẳn Việt Nam là điều đương nhiên, ngay cả một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang có ý định đầu tư sang những nước trên.

Chậm một bước

Trong khi các FTA lớn và TPP chưa biết khi nào có hiệu lực, thì một số nước có dệt may phát triển, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đã nhanh chân đi trước một bước là hỗ trợ doanh nghiệp nội địa bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí bảo hiểm xã hội, logistics. Vì thế, giá thành sản phẩm dệt may của những nước này thấp hơn Việt Nam nên sức cạnh tranh ở nhiều thị trường hơn hẳn hàng Việt, họ sẵn sàng chào bán hàng cùng loại với giá rẻ hơn hàng Việt Nam nên nhiều khách hàng nước ngoài đã yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá sản phẩm.

“Hàng của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ. Những năm trước đơn hàng khá dồi dào, nhưng bước sang năm 2016 đơn hàng giảm, phía đối tác cũng có yêu cầu giảm giá sản phẩm. Nếu Chính phủ không có những giải pháp kịp thời, ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó trong những năm tới” - ông Nguyễn Phú Cường, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần VietBo (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa), nói: “Công ty có uy tín nhiều năm trên thị trường thế giới nên vẫn giữ được các đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Nhưng việc tìm thêm những đơn hàng mới gặp rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng dệt may đến từ Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc...”.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 9 tháng của năm 2016 của cả nước là hơn 21 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Theo đó, mục tiêu ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu là 31-32 tỷ USD trong năm nay sẽ khó mà thực hiện được.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,593       32