Kinh tế

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Khó đáp ứng tiến độ

Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương) theo hình thức hợp đồng BOT đang được đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công vào cuối năm 2017.

Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đang được đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công vào cuối năm 2017. Theo đánh giá của các ngành, không dễ để đáp ứng tiến độ nói trên.

Đầu tuyến của đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối vào đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Đầu tuyến của đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối vào đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa giảm tải cho quốc lộ 20 và là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng quan trọng: Đông Nam bộ và Đông Nam Tây Nguyên.

Khó giải phóng kịp mặt bằng

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có 3 dự án thành phần, bao gồm: đoạn Dầu Giây - Tân Phú; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương; đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai gồm 2 dự án thành phần là Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc. Theo tính toán sơ bộ, diện tích giải phóng mặt bằng dự án thành phần đoạn Tân Phú - Bảo Lộc gần 1,7 ngàn hécta, trong đó qua huyện Tân Phú khoảng 375 hécta.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó phòng Đường của Trung tâm tư vấn thiết kế đường bộ và sân bay (Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông - vận tải), đơn vị tư vấn, cho biết để triển khai dự án giai đoạn 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú với chiều dài 60km cần sử dụng hơn 460 hécta đất, đi qua 4 huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú. Cụ thể, diện tích đất cho dự án tại huyện Thống Nhất hơn 64 hécta, huyện Xuân Lộc trên 16 hécta, huyện Ðịnh Quán trên 160 hécta và nhiều nhất là huyện Tân Phú gần 220 hécta. Theo kế hoạch được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt, đoạn Dầu Giây - Tân Phú được thực hiện trong thời gian từ năm 2016-2020 và dự kiến khởi công trong năm 2017.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, mục tiêu đền bù giải phóng mặt bằng giao cho chủ đầu tư để khởi công theo như tiến độ khoảng giữa năm 2017 như đơn vị tư vấn tính toán là rất khó khả thi.

Ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho rằng giải phóng mặt bằng cho dự án kịp với tiến độ như mong muốn là việc không đơn giản, bởi đến nay tỉnh vẫn chưa có trong tay hướng tuyến cũng như cụ thể, mốc giải phóng của đường. “Về hồ sơ dự án cụ thể thì đến nay Đồng Nai chưa nhận được gì, không biết phải đền bù cho bao nhiêu hộ, đi qua bao nhiêu khu dân cư. Để giải phóng mặt bằng cần làm hàng loạt các thủ tục, nên chỉ trong một thời gian ngắn khó hoàn thành được” - ông Đông nói.

Giải phóng mặt bằng đồng bộ

Theo đơn vị tư vấn, các thủ tục liên quan cần phải được triển khai song song thì mới đảm bảo được tiến độ. Đơn vị này cũng cam kết sẽ chuyển ngay thông tin hướng tuyến của dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng cho tỉnh cũng như 4 địa phương: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, từ đó có phương án giải phóng mặt bằng.

Trong buổi làm việc với Ban Quản lý dự án 1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đề nghị ban quản lý đề xuất với Bộ Giao thông - vận tải cho giải phóng mặt bằng một lần. Như vậy sẽ thuận lợi cho việc kiểm kê, áp giá bồi thường và tổ chức cuộc sống của người dân. Ông Hùng nhấn mạnh: “Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của tỉnh là nếu cùng một dự án không được thực hiện đền bù một giá sẽ rất phức tạp. Ở đây, dự án được chia làm nhiều dự án thành phần và các đợt xây dựng cách nhau, nếu bồi thường không cùng một giá rất dễ nảy sinh khiếu kiện làm công tác giải phóng mặt bằng sẽ kéo dài”. Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, việc giải phóng mặt bằng đồng bộ một lần còn giúp địa phương, cụ thể là các huyện thuận tiện bố trí tái định cư và ổn định cuộc sống cho người dân dễ dàng hơn.

Theo dự kiến, dự án đoạn Dầu Giây - Tân Phú được triển khai xây dựng thành 2 đợt. Đợt 1 gồm 4 làn xe hạn chế với chiều rộng đường là 17m, vận tốc 80km/giờ: sau đó tiếp tục xây dựng hoàn thiện nâng chiều rộng đường lên 24m, lúc này vận tốc nâng lên 100 - 120km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 ước tính trên 8 ngàn tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 22 năm 6 tháng.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,837       69