Ông Nguyễn Trường Đại là nông dân tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ nuôi tôm bằng ao lót đáy bạt và phủ lưới lan tại xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch).
Ông Nguyễn Trường Đại bên trại nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: B.Nguyên |
Nhờ sự chuyển đổi này, chỉ với 2 ao nuôi với diện tích gần 3.500m2, từ đầu năm đến nay ông Đại đã thu hoạch được gần 20 tấn tôm, đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Cải tiến ao nuôi
Sau khi được cải tạo lại theo công nghệ mới, trại nuôi tôm của ông Đại như “thay da đổi thịt”. Trại được chia ra các khu ao ương và ao nuôi; có khu xử lý nước thải và chất bẩn được hút ra từ ao nuôi hàng ngày; được lắp đặt hệ thống máng ăn tự động, hệ thống camera giám sát... Ông Đại cho biết nuôi tôm theo công nghệ lót bạt đáy ao tiết kiệm diện tích đất hơn hẳn cách nuôi truyền thống bằng ao đất. Trước đây, toàn bộ diện tích trên đều được ông đào ao và thả tôm nuôi cho đến khi thu hoạch. Nhưng với công nghệ mới, ông chỉ cần đầu tư lót bạt cho 2 ao nuôi; diện tích đất còn lại ông sử dụng làm ao ương để thả tôm giống, đến 1 tháng tuổi mới chuyển qua ao nuôi. “Nhờ đó, tôi có thể tăng lên 4-5 vụ/năm chứ không chỉ làm được 2 vụ như trước, và chi phí đầu tư ban đầu lại không quá cao. Mặt khác, ở ao lót bạt đáy có thể thả tôm với mật độ đến 200 con/m2, gấp 4 lần so với ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng gấp nhiều lần. Cụ thể, vụ thu hoạch vừa qua với diện tích ao khoảng 2 ngàn m2, tôi đã thu được trên 8 tấn tôm nên lợi nhuận đạt được cũng cao hơn hẳn” - ông Đại nói.
Còn việc phủ lưới lan trên ao nuôi giúp ổn định nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Mặt khác, lưới lan ngăn bớt ánh nắng nên hạn chế được sự phát triển của các loại tảo vốn gây bất lợi cho sự sinh trưởng của tôm. Theo ông Đại: “Khi tạo được môi trường sinh trưởng tốt nhất cho tôm, các lứa thu hoạch tỷ lệ tôm đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg cao hơn hẳn. Nhờ tôm loại 1 luôn có giá bán cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi so với loại nhỏ hơn cũng góp phần tăng đáng kể lợi nhuận cho người nuôi”.
Làm sản phẩm sạch
Điều quan trọng không kém là công nghệ mới này cho ra sản phẩm con tôm an toàn. Trong đó, việc tổ chức ao nuôi với quy mô nhỏ giúp ông quản lý và kiểm soát tốt hơn từ khâu cho ăn đến khâu vệ sinh, xử lý dịch bệnh. Ông Đại nói vui: “Da mặt chúng tôi nhiều khi không sạch bằng đáy ao tôm. Vì khâu vệ sinh ao được chăm chút, dọn dẹp kỹ lưỡng hàng ngày. Với quy trình nuôi an toàn sinh học này, con tôm được kiểm soát sạch từ khâu con giống đến khâu xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm nên hạn chế được rất nhiều việc sử dụng các chất kháng sinh...”.
Dù mới ứng dụng công nghệ mới này chưa đến 1 năm, nhưng hiện ông Đại đã tự tin tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 2 hécta diện tích nuôi tôm. Để nắm vững kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ mới, ông Đại đã đi khắp các tỉnh miền Tây để học thêm kinh nghiệm từ thực tế và luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức đã tích lũy được cho mọi người xung quanh. Theo ông, có hình thành được vùng chuyên canh tôm công nghệ cao với sản lượng lớn, chất lượng an toàn thì con tôm của Nhơn Trạch mới có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.
Bình Nguyên