Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) được đánh giá là cảng chiến lược trong cụm cảng biển số 5. Dự án xây dựng cảng Phước An do Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (PAP) làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009. Gần 10 năm, dự án mới cơ bản hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng.
Đường vào cảng Phước An sẽ kết nối với đường 319 để lên cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong ảnh: Một đoạn đường 319 đi qua Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch). |
Khó khăn lớn nhất của dự án này là việc đầu tư tuyến đường vào khu vực cảng với số vốn lớn. Mới đây, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ dự án bằng việc đầu tư một phần của tuyến đường này đã giúp nhà đầu tư nhẹ nhõm.
Cảng cho tàu 60 ngàn DWT
Lãnh đạo PAP cho biết cảng Phước An là một cảng lớn, có nhiều lợi thế. Cảng này nằm thượng lưu sông Thị Vải - Cái Mép, cách phao số 0 chưa đầy 40km. Cảng có diện tích tới hơn 180 hécta với chiều dài bến hơn 3km (gồm 10 bến, trong đó 6 bến container và 4 bến hàng tổng hợp). Nơi đây có thể đón tàu có trọng tải 60 ngàn DWT (chở 60 ngàn tấn) với công suất hoạt động mỗi năm khoảng 2,5 triệu TEU (tương đương 2,5 triệu container 20 feet) và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp. Ngoài xây dựng cảng, nhà đầu tư còn xây dựng một khu dịch vụ hậu cần của cảng sát với các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch với diện tích hơn 550 hécta, có thể đáp ứng lượng hàng thông qua đây vào khoảng 2,2 triệu TEU/năm và 4 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Khu hậu cần này cũng được đánh giá là đắc địa bởi đều thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Cụ thể, phía Đông tiếp giáp với sông Thị Vải - Cái Mép và phía Bắc nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT PAP, cho biết dự án kéo dài gần 10 năm và công ty cũng đã sẵn sàng để triển khai. “Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng, đảm bảo nguồn vốn đối ứng để triển khai phân kỳ 1 của dự án cảng Phước An. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng” - ông Sơn nói. Do tuyến đường kết nối vào cảng có số vốn quá lớn (trên 1 ngàn tỷ đồng) nên rất cần UBND tỉnh hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện được dự án. Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho rằng tuyến đường vào cảng này rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế của huyện. Ngoài phục vụ hoạt động của cảng còn là đường nối liền giữa 2 cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành thông qua kết nối với đường 319.
Chia khó với doanh nghiệp
Ông Trần Xuân Chiến, Phó giám đốc PAP, cho biết tổng số vốn đầu tư cho tuyến đường vào cảng này lên đến trên 1.300 tỷ đồng; được xây dựng theo hình thức BOT như chấp thuận của UBND tỉnh; trong khi đó, lượng xe lưu thông qua đây trong thời gian đầu là rất thấp, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án. “Giai đoạn đầu tuyến đường chủ yếu phục vụ phương tiện vào cảng, khu hậu cần và một số xe ra vào các khu công nghiệp của Nhơn Trạch nên xe không nhiều” - ông Chiến chia sẻ. Theo tính toán của chủ đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn của tuyến đường là 17 năm với suất đầu tư này rất khó khả thi. Đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Việt Nam - Vinacico, TP.Hà Nội) cho rằng sở dĩ tuyến đường có có mức đầu tư lớn do đường đi qua vùng đất yếu, lại có nhiều cầu. Chỉ với chiều dài 10km nhưng nơi đây phải xây dựng 3 cầu, lớn nhất là cầu Tắc Nhã Phương dài gần 700m. Theo thiết kế, đường vào cảng Phước An thuộc cấp đường đô thị loại III có tốc độ 60km/giờ, 2 làn xe với mặt cắt ngang đường là 19m. Để giảm chi phí đầu tư cho nhà đầu tư tuyến đường này, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý tỉnh bỏ ngân sách xây dựng 4km đầu tuyến nối với đường 319, thay vì hỗ trợ đền bù toàn tuyến như kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Võ Tấn Đức cho hay, số vốn xây dựng 4km đường này vào khoảng 300 tỷ đồng. Đoạn này cũng đã hoàn thành công tác bồi thường, hiện chỉ việc triển khai xây dựng. Ban giám đốc PAP cho rằng được tỉnh Đồng Nai hỗ trợ xây dựng 4km đường này giúp doanh nghiệp nhẹ việc tính toán phương án thu phí cho dự án và triển khai sớm được dự án.
Khắc Giới