Để giảm ô nhiễm về rác sinh hoạt, Đồng Nai đã quy hoạch 9 khu xử lý chất thải.
Thế nhưng, nghịch lý là tại những khu vực trên lại đang gây ô nhiễm cho những hộ dân sống gần. Lý do là rác sinh hoạt được vận chuyển về các khu này chủ yếu vẫn xử lý kiểu chôn lấp.
Bãi rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) liên tục đào thêm hố để chôn rác vì chưa xử lý để giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện 5 khu xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh vẫn chỉ thu gom, chôn lấp 100% là: Bàu Cạn (huyện Long Thành), Tây Hòa (huyện Trảng Bom), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc). Lượng rác sinh hoạt gom về các khu trên gần 1 ngàn tấn/ngày đang được chôn lấp “hợp vệ sinh”, trong đó có 3/5 khu đang gây bức xúc cho người dân vì tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Dân Bàu Cạn khổ vì rác
Gần 6 năm nay, hàng trăm hộ dân ở gần khu vực quy hoạch xử lý rác Bàu Cạn (thuộc xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) phải đối mặt với ô nhiễm dù tỉnh phải trả cho đơn vị xử lý khoảng 500 ngàn đồng/tấn rác. Hàng ngày xe chở rác ra vào khu xử lý không được che chắn cẩn thận, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển chảy vương vãi đầy đường. Khu xử lý rác bốc mùi hôi nồng nặc, bay xa cả gần 1km khiến người dân chỉ còn biết trân mình ra chịu trận.
Bà Trần Thị Kim Thảo (ấp 7, xã Bàu Cạn) cho biết: “Ngày trước nơi này không khí rất trong lành, nhưng từ khi rác được đưa về đây xử lý thì bà con suốt ngày phải hứng chịu mùi hôi thối đến ngộp thở. Tôi chỉ mong tỉnh sớm xử lý tình trạng ô nhiễm trên để dân bớt khổ”. Nhiều người dân ở 2 ấp 6 và 7 (xã Bàu Cạn) ngoài việc lo lắng về mùi hôi ảnh hưởng đến sức khỏe, còn thêm nỗi lo là khu vực xử lý rác Bàu Cạn nằm sát suối Cả. Nếu không quản lý tốt bãi rác, nước thải sẽ chảy ra suối Cả gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân trong xã và những xã lân cận đang sử dụng nguồn nước suối để trồng trọt.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, cho hay: “Có hơn 500 hộ dân ở 2 ấp 6, 7 bị ảnh hưởng mùi từ bãi rác Bàu Cạn. Gần 5 năm nay, khi nào tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ảnh tình trạng bãi rác gây ô nhiễm môi trường”. Hiện khu xử lý rác Bàu Cạn đang tiếp nhận khoảng 150-200 tấn rác thải sinh hoạt/ngày của 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Số rác này do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long (TP.Hồ Chí Minh) tiếp nhận và xử lý bằng cách chôn lấp 100%. Tỉnh phải trả cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long 500 ngàn đồng/tấn rác, cao hơn cả đơn giá của một số doanh nghiệp đang xử lý rác thành phân bón tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ cần một phép tính nhanh cho thấy, tỉnh đang phải trả 75-100 triệu đồng/ngày cho doanh nghiệp này chỉ để chôn lấp rác. Nhiều người dân nhận định, giá rác đem chôn lấp lại cao hơn rác xử lý thành phân bón thì đúng là nghịch lý. Theo quy hoạch, để xây dựng một khu xử lý chất thải sinh hoạt chỉ chôn lấp dưới 15%, thì có cần đến diện tích đất gần 100 hécta hay không?
“Người dân ở khu vực gần khu xử lý rác Bàu Cạn rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm. Huyện đã xuống kiểm tra và yêu cầu công ty xử lý để không xảy ra ô nhiễm, song tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục” - Chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân nói.
Bao giờ hết ô nhiễm?
Theo quy định của tỉnh, đầu năm 2016 tỷ lệ chôn lấp rác sinh hoạt là dưới 15%. Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ chôn lấp bình quân của toàn tỉnh vẫn trên 70%, trong đó có 5/9 khu vẫn chôn lấp 100%. Rác sinh hoạt đưa về các khu xử lý hầu hết được đổ thẳng xuống các hố rộng để lộ thiên, khi nào đầy thì tiến hành ủ đất lên. Quá trình đợi rác trong các hố đầy, mùi hôi phát tán ra không khí gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân sống gần khu vực.
Bà Sú A Sính (ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) bày tỏ: “Từ ngày bãi rác Vĩnh Tân hoạt động, người thân trong gia đình tôi thường xuyên bị bệnh đường hô hấp. Có những ngày gió lớn, mùi rác bay về khiến chúng tôi ăn, ngủ không được”. Bãi rác Vĩnh Tân hiện đang tiếp nhận khoảng 650 tấn rác sinh hoạt/ngày của TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu; rác đưa về đây 100% được chôn lấp. Một số người dân sống gần khu xử lý chất thải Tây Hòa (huyện Trảng Bom) cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm chất thải trong quá trình chôn lấp.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện lượng rác sinh hoạt trong tỉnh phát sinh khoảng 1.622 tấn/ngày. Lượng thu gom, xử lý tại các khu xử lý là gần 1.330 tấn/ngày. Trong đó, xử lý bằng phương pháp đốt hơn 51 tấn/ngày, sản xuất phân compost khoảng 334 tấn/ngày, còn lại chôn lấp khoảng 943 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 71%. Dự kiến, đến cuối năm 2016 khi các công trình tái chế, đốt hoàn thành đưa vào vận hành chính thức, giảm tỷ lệ chôn xuống hơn 63% và đến cuối năm 2018 chôn lấp rác sinh hoạt chỉ khoảng 11%. Như vậy còn hơn 2 năm nữa, nhưng đến thời điểm này nhiều công ty xử lý rác sinh hoạt vẫn chưa tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng thì việc đảm bảo tiến độ trên là không dễ. Bên cạnh đó, chi phí xử lý rác sinh hoạt có sự chênh lệch giữa việc áp dụng các công nghệ tái chế là sản xuất phân compost, đốt với giá đang từ 420-490 ngàn đồng/tấn, thấp hơn đơn giá chôn lấp rác là trên 500 ngàn đồng/tấn nên khó khuyến khích chủ dự án trong việc đầu tư các công trình tái chế.
Mong mỏi lớn nhất của hàng ngàn hộ dân ở những nơi gần khu xử lý rác là chủ đầu tư phải sớm xử lý tình trạng vận chuyển, xử lý rác để không còn ô nhiễm. Để hạn chế được tình trạng ô nhiễm, phụ thuộc vào các cơ quan chức năng có giám sát, quản lý tốt hay không.
Khánh Minh