Kinh tế

Nối dài tình hữu nghị Việt Nam - Nga

Với sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai, nhiều người từng học tập, công tác tại Liên bang Nga sẽ có nơi gặp gỡ và tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt - Nga.

Sáng 18-7, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai tổ chức đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2016-2021).

Các kỹ sư Nhà máy thủy điện Trị An trao đổi việc vận hành sản xuất điện. Đây là công trình ghi dấu ấn tình hữu nghị Việt - Nga tại Đồng Nai từ hơn 30 năm qua. Ảnh: C.Nghĩa
Các kỹ sư Nhà máy thủy điện Trị An trao đổi việc vận hành sản xuất điện. Đây là công trình ghi dấu ấn tình hữu nghị Việt - Nga tại Đồng Nai từ hơn 30 năm qua. Ảnh: C.Nghĩa

Với sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai, nhiều người Đồng Nai từng học tập, công tác và yêu mến đất nước, con người Liên Xô trước đây, nay là Liên bang Nga sẽ có nơi để gặp gỡ và tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt - Nga.

Những hồi ức đẹp

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung là một trong 2 cán bộ Đoàn đầu tiên tại miền Nam được học tập tại Trường Đoàn cao cấp Liên Xô từ năm 1985 đến 1990. Ông Đặng Mạnh Trung cho biết: “Khi chúng tôi sang Liên Xô học tập thì điều kiện nước ta lúc bấy giờ còn rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sự tạo điều kiện tối đa của các bạn Liên Xô khi đó với chúng tôi càng trở nên vô cùng quý báu”. Phía Liên Xô đã cung cấp chế độ học bổng cao nhất, chế độ ăn đầy đủ nhất cho các sinh viên Việt Nam. Các thầy cô và những người bạn Liên Xô luôn ân cần với các sinh viên Việt Nam vì trân trọng những người bạn đã kiên cường trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong các ngày lễ, tết của Liên Xô, sinh viên Việt Nam đều được mời tới dự. Khi sinh viên Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm Ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, tết cổ truyền..., những người bạn Nga đều tới chúc mừng chung vui như thể họ là người Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, nguyên Phó ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, chia sẻ năm 1988 bà đến phụ trách bộ môn tiếng Nga của Phòng Giáo dục TP.Biên Hòa, được cử sang Liên Xô bồi dưỡng nâng cao trình độ sư phạm. Cùng đợt đi năm đó còn có cô Trần Thị Đào là giáo viên dạy tiếng Nga của Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai). Thời điểm ấy được đi sang Nga học tập là vinh dự rất lớn, là niềm mơ ước của nhiều người, nhất là những người trẻ. Ấn tượng sâu đậm nhất của bà Liên về đất nước và con người Liên Xô là tính nhân hậu, thân thiện, nếu là người Việt Nam thì càng được quý mến giúp đỡ. Bà kể: “Kỷ niệm sâu đậm nhất tôi không thể nào quên được, đó là một buổi tối trời mưa tuyết, lạnh âm 20OC, tôi đi mua một chiếc máy bơm. Thấy tôi đi bộ lại vác chiếc máy bơm thật nặng, một người đàn ông Liên Xô đã giúp tôi vác chiếc máy bơm về khách sạn, sau đó quay trở lại đón người vợ vẫn đang vui vẻ đứng chờ”.

Ông Lê Phát Hiển, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường khoa học - công nghệ (Sở Khoa học - công nghệ), từng có tới 13 năm liên tục học tập và làm việc tại nhiều vùng của nước Nga từ năm 1983 đến 1996. Ông cho biết những người Liên Xô trước đây và người Nga ngày nay luôn dành sự khâm phục và quý trọng với những người Việt Nam. Chủ đề về Hồ Chí Minh và tinh thần dũng cảm của người dân Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc luôn được những người bạn Nga nhắc đến. Ông Hiển cho hay: “Năm 2010 tôi đã có dịp trở lại thăm nước Nga và những người bạn đã từng hết lòng giúp đỡ chúng tôi những năm tháng học tập tại đây. Mọi thứ thay đổi nhiều, chỉ có tình cảm của người Nga là không hề thay đổi. Tôi mong muốn những tình cảm đó sẽ còn được lưu giữ mãi, mối quan hệ truyền thống Việt - Nga sẽ mãi mãi được giữ gìn và vun đắp”.

Tình cảm của người Đồng Nai với đất nước và con người Nga không chỉ là sự giúp đỡ trong đào tạo cán bộ, chuyên gia ngay chính trên đất nước Nga. Ở ngay trên mảnh đất Đồng Nai còn xuất hiện một công trình lớn, ghi dấu ấn bàn tay và khối óc của người Nga, đó là công trình Nhà máy thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô, khởi công năm 1984, khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 1991 với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ kWh. Sau 25 năm, đến nay nhà máy vẫn bền bỉ hoạt động đêm ngày, như chính biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nga.

Rất nhiều cán bộ, kỹ sư, phi công được phía Nga giúp đỡ đào tạo cho Việt Nam những năm qua đã và đang làm việc chăm chỉ, hiệu quả tại Nhà máy A42, Trung đoàn không quân 935 (Sư đoàn 370), Nhà máy thủy điện Trị An và tại một số sở, ngành của tỉnh.

Gắn kết nhiều lĩnh vực

Đất nước và con người Nga mến khách, ân tình, con người Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung trước sau như một, luôn coi trọng và muốn tiếp tục giữ gìn và phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga. Nhiều người Đồng Nai từng học tập và làm việc tại Nga luôn theo dõi từng bước phát triển, từng sự kiện của đất nước Nga. Rất nhiều người mong muốn được có cơ hội trở lại đất nước Nga xinh đẹp để nhớ về những năm tháng đầy ắp kỷ niệm yêu thương của những người bạn Nga dành cho mình.

Ông Đặng Mạnh Trung cho biết việc thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai là nguyện vọng của đông đảo người Đồng Nai đã từng học tập và công tác tại Nga. Nhiều người dù chưa được một lần đặt chân đến nước Nga, nhưng vì yêu mến đất nước Nga cũng có mong muốn được tham gia vào Hội, góp phần vun đắp cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Việc thành lập Hội còn là kênh để quảng bá hình ảnh con người Đồng Nai tới nhân dân Nga, là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay.

Đến nay Hội đã vận động được gần 70 hội viên đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện. Hội cũng đã chuẩn bị tốt về nhân sự cho ban chấp hành khóa đầu tiên trước khi tổ chức đại hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ đầu tiên được đặt ra là tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với các tổ chức hữu nghị của Nga về kinh tế, văn hóa, chính sách thu hút đầu tư của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung. Các hoạt động này còn nhằm mong muốn nhân dân Nga ủng hộ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.               

Theo kế hoạch, sau khi Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai tổ chức đại hội sẽ củng cố về bộ máy tổ chức, sẽ tiếp tục việc phát triển hội viên, nhất là việc thành lập các chi hội cơ sở tại các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa và tại các cơ quan, đơn vị. Một trong những hoạt động quan trọng khác, đó là Hội sẽ tiến hành rà soát nắm được số lượng người Đồng Nai đang học tập và làm việc tại Liên bang Nga để vận động kiều bào hướng về Đồng Nai làm việc, đầu tư phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội từ thiện…

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,988,817       700