Kinh tế

Thịt trôi nổi công khai về chợ (Bài 2)

Với 37 lò giết mổ heo lậu vẫn đang hoạt động, TP. Biên Hòa hiện là điểm nóng của nạn giết mổ lậu. Trong đó, đứng đầu là phường Long Bình với 20 điểm giết mổ không phép đang hoạt động.

Với 37 lò giết  mổ heo lậu vẫn đang hoạt động, TP. Biên Hòa hiện là điểm nóng của nạn giết mổ lậu. Trong đó, đứng đầu là phường Long Bình với 20 điểm giết mổ không phép đang hoạt động.

Nguồn thịt từ các lò giết mổ lậu theo chân các xe máy, xe ba gác vẫn khá ngang nhiên đổ về các chợ. Trong đó, một số chợ là điểm tập kết nguồn thịt từ các lò mổ để phân phối đi các nơi cũng là điểm hẹn của các lò giết mổ lậu. 

* Một đêm ở “chợ đầu mối”

Theo quy hoạch chợ, Đồng Nai chưa có các chợ đầu  mối cung cấp thịt và nông sản. Nhưng trong thực tế, TP.Biên Hòa vẫn có những khu chợ hoạt động như một chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại thịt đã giết mổ. Nguồn heo, gà từ các chợ này được phân phối đi khắp nơi trên địa bàn TP.Biên Hòa và một số tỉnh thành lân cận, như: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Và đây cũng là địa bàn cho thịt giết mổ lậu tập trung hoạt động. 

Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai (Sở Công thương) phát hiện lò mổ heo lậu chết tại huyện Thống Nhất.
Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai (Sở Công thương) phát hiện lò mổ heo lậu chết tại huyện Thống Nhất.

Chợ đêm Tam Hòa được biết đến là một trong những chợ đầu mối  chuyên cung cấp các mặt hàng thịt tươi sống. Riêng thịt heo, trung bình cả chục tấn thịt về chợ mỗi đêm, giai đoạn cao điểm có thể lên đến 15 tấn/đêm. Theo quan sát của nhóm phóng viên Báo Đồng Nai, chợ bắt đầu hoạt động từ 12 giờ khuya, đây cũng là thời điểm các đội xe máy chở heo từ các lò mổ lậu phóng từ các ngõ hẻm thuộc phường Long Bình chia ra các ngõ khác nhau để đưa heo vào chợ. Thường mỗi xe máy chỉ chở 1 con heo, chủ yếu để nguyên con hoặc chia thành 2 mảnh; heo được vắt ngang yên xe, không được bao bọc, che đậy gì. Kín đáo hơn, một số xe máy chở heo đã được chia thành từng mảng, đựng trong giỏ cói đưa vào chợ. Hoạt động chở heo này nhộn nhịp suốt đêm, cao điểm nhất từ khoảng 2-5 giờ sáng, các xe heo nối đuôi nhau phóng ào ào rẽ vào các ngõ chợ.

Đến nay, toàn tỉnh có 22 cơ sở giết mổ có công nghệ giết mổ treo, hệ thống xử lý chất thải theo chuẩn quy định... được dự án Lifsap (nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) hỗ trợ đầu tư, trong đó có 11 cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn với vốn đầu tư hàng tỷ đồng (dự án Lifsap hỗ trợ 30 ngàn USD/cơ sở). Ngoài ra, từ năm 2007, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F) có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng với dây chuyền giết mổ gia súc và gia cầm hiện đại nhập khẩu từ châu Âu. Tuy nhiên, thực tế đa số các nhà máy, cơ sở giết mổ hiện đại đều chưa hoạt động hết công suất, hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa vì không cạnh tranh được với các lò giết mổ lậu, như: Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai, Cơ sở giết mổ Thuận Trường (huyện Trảng Bom), Cơ sở giết mổ Thy Thọ (TX.Long Khánh), Cơ sở giết mổ Phương Nguyễn (huyện Long Thành)...

Tuy hoạt động như chợ đầu mối, nhưng đa số các tiểu thương bỏ mối thịt heo trong chợ Tam Hòa chủ yếu thuê các quầy, sạp nhỏ nên thường tận dụng các nền vỉa hè của các ki ốt để chứa thịt, pha lóc thịt ngay bên hông các lối vào chợ luôn đông nghẹt xe máy, xe ba gác và người đi lại. Vấn đề đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không được ai quan tâm.

Là chợ tự phát nhưng khu vỉa hè mặt tiền của chợ Sặt nằm dọc theo quốc lộ 1 (phường Tân Biên) lại là điểm tập kết hàng tấn thịt gà mỗi đêm. Hoạt động đổ hàng, giao hàng, mua bán diễn ra tấp nập từ giữa khuya đến khoảng 4 - 5 giờ sáng. Nguồn gà từ các lò giết mổ được chở về đổ đầy các vìa hè bên lề đường. Mọi hoạt động pha lóc thịt, cân ký, đóng bao bì đều tập trung ngay trên vỉa hè lề đường.

* Vẫn chỉ giải quyết phần ngọn

Trao đổi về thực trạng của khu chợ tự phát là đầu mối chuyên cung cấp thịt gà ra thị trường trên, ông Phạm Hùng Dương, Chủ nhiệm Ban quản lý chợ Sặt, cho biết khu chợ đêm này hoạt động nhộn nhịp nhiều năm qua dù không có đơn vị nào quản lý. Đầu mối cung cấp thịt tại chợ thường là các chủ lò mổ hoặc thương lái lớn có nhà hoặc thuê vỉa hè nhà dân ở khu vực này tập kết hàng về rồi phân phối đi nhiều nơi với sản lượng hàng tấn thịt mỗi đêm. Nguồn gốc, chất lượng thịt đổ về chợ không được kiểm soát; thịt đổ đống trên vỉa hè kinh doanh cũng không đảm bảo về vệ sinh an toàn. “Hiện TP.Biên Hòa đang triển khai dự án xây dựng chợ Tân Biên thành chợ đầu mối cung cấp thịt sạch của thành phố, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động, đã có một số tiểu thương tại chợ đêm này đã đăng ký vào chợ đầu mối. Chúng tôi cũng đã kiến nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm để dẹp những khu chợ tự phát gắn với nạn giết mổ lậu, kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Dương cho biết thêm.

Theo nhiều thương lái kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, một trong những nguyên nhân nạn giết mổ lậu vẫn tồn tại vì quy hoạch giết mổ của nhiều địa phương chưa sát với nhu cầu thực tế. Những lò giết mổ lậu tại phường Long Bình chỉ cách nơi tiêu thụ một vài km, thường chỉ mất 5-10 phút để chở heo giao cho tiểu thương, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở cần thịt tươi để chế biến giò chả và thói quen về thịt “nóng” của người tiêu dùng. Trong khi đó, một số lò giết mổ tập trung theo quy mô công nghiệp cần đầu tư xe đông lạnh để vận chuyển thịt, thời gian vận chuyển lâu, chi phí giết mổ cao hơn... đều là những cái khó để các lò giết mổ tập trung khó thu hút tiểu thương đưa heo, gà vào giết mổ.

Ông Trịnh Quang Hạnh, Phó giám đốc Hợp tác xã Thanh Niên (đơn vị quản lý chợ Tam Hòa), chia sẻ khó khăn đơn vị đang gặp phải: “Chúng tôi vẫn bố trí lực lượng trực đêm tại chợ, thấy heo không có dấu kiểm dịch sẽ ngăn không cho xe chở vào. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ bất khả thi vì lực lượng ban quản lý có hạn, khu chợ này lại có 6 ngõ khác nhau vào chợ. Các đối tượng chở heo lậu lại có rất nhiều chiêu trò chống đối. Ban quản lý không có chức năng tịch thu hàng hóa hay xử phạt”. Thời gian qua, các đoàn liên ngành có tăng cường kiểm tra, xử  lý nên tình hình thịt lậu về chợ đã giảm hơn rất nhiều tuy nhiên đây mới chỉ giải quyết được phần ngọn vì các lò giết mổ lậu vẫn tiếp tục tồn tại.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết khi đưa ra dự án xây dựng chợ Tân Biên thành chợ đầu mối cung cấp thịt sạch của Đồng Nai được các tiểu thương rất quan tâm. Hiệp hội sẽ là đầu mối kết nối trong xây dựng chuỗi liên kết cung cấp thịt sạch từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến kinh doanh, phân phối. “Chúng tôi cũng đã triển khai hiệu quả chuỗi cung này trong việc tổ chức cung cấp thịt cho TP.Hồ Chí Minh. Song song với việc xây dựng chuỗi liên kết, chợ đầu mối thịt sạch, các sở, ngành, địa phương liên quan cần siết chặt khâu quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm nạn giết, vận chuyển, kinh doanh thịt không nguồn gốc, thịt giết mổ lậu vẫn đổ về các chợ” - ông Trí Công nói.

Nhóm P.V kinh tế     

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,292,587       1,891