Kinh tế

Doanh nghiệp ngành điều "ngắc ngoải"

Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016 cả nước xuất khẩu được trên 161 ngàn tấn điều nhân với kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% về lượng và 17,5 % về trị giá so với cùng kỳ. Dự kiến, thị trường xuất khẩu từ nay đến cuối năm tiếp tục tăng.

Sản xuất hạt điều tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai.
Sản xuất hạt điều tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến, xuất khẩu điều nhân lại đang sản xuất cầm chừng vì gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.

* Căng thẳng nguồn nguyên liệu

Vụ thu hoạch vừa qua sản lượng điều trong nước và thế giới đều giảm mạnh khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, không ít DN điêu đứng vì nhập khẩu hạt điều bị đối tác “phá” hợp đồng trong khi đã ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu Cường Lý (huyện Xuân Lộc), nhận xét giá hạt điều hiện từ 41-43 ngàn đồng/kg, trung bình cả vụ tăng khoảng 40% so vụ trước. Giá cao nhưng việc thu gom nguồn nguyên liệu vẫn rất khó khăn do mất mùa nên sản lượng điều năm nay giảm mạnh, nhiều vùng giảm đến 50% so với vụ trước đó. Chất lượng điều cũng kém hơn. “Nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu cũng đang sốt giá, nhiều DN đang rất khó khăn vì các đơn hàng nhập khẩu điều bị đối tác “phá” hợp đồng trong khi đơn hàng xuất khẩu nhân điều đã ký. Không ít DN, cơ sở chế biến nhỏ lẻ đều đã đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Tình hình căng thẳng về nguyên liệu chế biến sẽ còn kéo dài đến khi điều cho thu hoạch vụ mới” -  bà Lý cho biết thêm.

Với mục tiêu phát triển bền vững cho cây điều, năm 2014 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án cánh đồng lớn cho cây điều. Niên vụ năm nay, dự án bắt đầu khởi động khi dự án cánh đồng lớn cho cây điều xã An Viễn (huyện Trảng Bom) đã thu hút được doanh nghiệp tham gia, ký kết hợp đồng bao tiêu hạt điều cho nông dân với giá tốt. Nông dân tham gia chương trình được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ ghép cải tạo vườn điều, thực hiện mô hình điều xen canh ca cao...

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao, thị trường cũng nhiều rủi ro hơn khiến hầu hết các DN sản xuất - kinh doanh trong ngành điều đều e dè trong việc thu mua, trữ hàng. Hầu hết buộc phải thu hẹp sản xuất, chủ yếu chọn cách mua đứt, bán đoạn theo từng đơn hàng chứ không nhận đơn đặt hàng trước cả hàng tháng trời như mọi năm. Ông Phạm Văn Tuấn, chủ DNTN Tuấn Sang (huyện Trảng Bom), cho hay: “Dù tăng cường đi thu gom khắp các tỉnh, thành, nhưng so với năm ngoái DN thu mua chỉ đạt 20-30%. Hàng nhập thường được bán qua tay ngay chứ không trữ lại như mọi năm”.

* Bất lợi trong cạnh tranh

Với tình hình giá nguyên liệu biến động như hiện nay, các đơn hàng sơ chế nhân hạt điều trắng xuất khẩu hầu như không có lợi nhuận. Ngay cả những DN chọn hướng đầu tư chế biến sâu, như: hạt điều rang muối, kẹo hạt điều... vốn được cho là có nhiều lợi thế cạnh tranh cũng đang mất dần lợi thế về thị trường. Bà Trần Thị Kim Dư, Giám đốc Công ty TNHH bánh kẹo Yến Nhi (TP.Biên Hòa), than thở: “Nguyên liệu nhân điều để chế biến bánh kẹo liên tục tăng giá với mức cao. Trong khi đó, DN rất khó điều chỉnh giá sản phẩm với mức tăng tương đương với giá nguyên liệu. Tuy nhiên, giá tăng khiến DN vẫn gặp khó cả ở thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu”.

Theo các DN trong ngành chế biến hạt điều, vài năm trở lại đây diện tích cây điều đang dần bị thu hẹp do không cạnh tranh được với nhiều loại cây trồng khác. Một nguyên nhân khác, nhiều vùng điều trồng bằng giống cũ, cây già cỗi cho năng suất thấp khiến hạt điều nội địa kém sức cạnh tranh so với nguyên liệu điều nhập khẩu. Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu gây rất nhiều rủi ro cho DN, nhất là trong giao thương thường ở thế yếu khi xảy ra tình trạng đối tác phá vỡ hợp đồng.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,988,765       667