TTO - Các công ty tư nhân có thể khai thác không gian hay không? Vấn đề này đã có câu trả lời tích cực sau sự kiện SpaceX phóng tên lửa Falcon Heavy hôm 6-2 và chính quyền Mỹ có ý định ngừng đầu tư cho trạm không gian ISS.
ISS đang bay trên quỹ đạo thấp cách Trái đất 400 km - Ảnh: NASA
Báo The Washington Post (Mỹ) ngày 11-2 tiết lộ theo tài liệu nội bộ của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), đến năm 2025 chính quyền Mỹ sẽ ngừng chi tiền cho Trạm không gian quốc tế (ISS) do quá tốn kém và dự kiến chuyển giao khâu khai thác thương mại cho các doanh nghiệp tư nhân.
Nên giao ISS cho tư nhân khai thác
ISS được đưa lên quỹ đạo thấp Trái đất năm 1998. Đây là dự án quốc tế với nhiều đối tác gồm Mỹ, Nga, Nhật, Canada và 11 nước châu Âu. Mỗi nước có khoang (module) nghiên cứu riêng như Mỹ có module Destiny, Nhật có Kibo, châu Âu có Columbus.
Từ năm 1998 đến nay Mỹ đã đầu tư 100 tỉ USD cho ISS. Từ 14 năm trước, Tổng thống George W. Bush đã từng kêu gọi Mỹ rời khỏi dự án ISS vào năm 2016 để tập trung cho dự án Constellation (nhưng cuối cùng dự án này bị hủy bỏ).
Đến năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã có ý tưởng thành lập chương trình Trung tâm về tiến bộ khoa học trong không gian nhằm thu hút vốn đầu tư tư nhân muốn hợp tác với nhà nước.
Chuyên gia François Spiero tại Trung tâm Nghiên cứu không gian quốc gia Pháp (CNES) cho rằng trong tương lai nên có các trạm không gian tư nhân hay trạm không gian theo mô hình hợp tác công-tư.
Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân sẽ mua dịch vụ do trạm không gian tư nhân cung cấp như mua thời gian nghiên cứu trên trạm, tổ chức nghiên cứu dược phẩm, kim loại hoặc kinh doanh du lịch không gian.
Ông cho rằng các cơ quan nhà nước như NASA nên nhường quỹ đạo gần Trái đất cho các doanh nghiệp tư nhân và tập trung đầu tư công vào không gian xa hơn như Mặt Trăng hay sao Hỏa.
Bên trong module Kibo của Nhật - Ảnh: NASA
Mỹ không thể đơn phương quyết định tương lai của ISS hay dừng đóng góp tài chính cho ISS vì năm 1998, Mỹ cùng các đối tác đã ký kết thỏa thuận về các nguyên tắc đầu tư và rời khỏi thỏa thuận.
Thỏa thuận quy định một quốc gia thành viên có quyền rút khỏi thỏa thuận nhưng không thể giao phần đóng góp vào ISS cho nhà đầu tư tư nhân. Muốn thay đổi thỏa thuận phải được các quốc gia thành viên bỏ phiếu nhất trí.
Thật ra doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ISS không phải là chuyện mới. Hai công ty tư nhân SpaceX và Orbital ATK của Mỹ đang làm nhiệm vụ cung cấp cho ISS. Công ty Bigelow Aerospace cũng đã lắp module riêng vào ISS.
Không gian là sở hữu chung
Quy định pháp lý về không gian và tài nguyên ngoài không gian được điều chỉnh theo Hiệp ước Không gian được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng 12-1966 (có hiệu lực ngày 10-10-1967).
Theo hiệp ước năm 1967, không gian ngoài trái đất là sở hữu chung (res communis). Hiệp ước đã quy định quyền tự do thăm dò và sử dụng không gian ngoài hành tinh đồng thời xác định các nguyên tắc về không cho phép tuyên bố chủ quyền quốc gia trên không gian này.
Sau đó, Hiệp ước về Mặt trăng năm 1979 (có hiệu lực ngày 11-7-1984) tiếp tục khẳng định nguyên tắc không chiếm Mặt trăng làm sở hữu riêng và Mặt trăng là di sản chung của nhân loại.
Dù vậy, không phải quốc gia nào cũng chấp nhận các nguyên tắc nêu trên của LHQ. Một số cường quốc không gian như Mỹ, Nga, Pháp hay Trung Quốc đã không phê chuẩn Hiệp ước về Mặt trăng năm 1979.
Đã có nhiều đề nghị như thành lập một cấu trúc quản lý tài nguyên không gian gồm nhà nước, các trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ, song rất ít quốc gia tán thành.
Ưu tiên là khai thác băng trên Mặt trăng hoặc trên các tiểu hành tinh để chế biến thành khí hydro chẳng hạn, sau đó cấp lại các vệ tinh bay quanh Trái đất… Đã có nhiều hợp đồng được ký kết với các doanh nghiệp để khai thác băng"
Ông Etienne Schneider - phó thủ tướng Luxembourg
Mỹ cho phép sở hữu tài nguyên không gian
Trong bối cảnh đó, năm 2015 Mỹ đã thông qua Luật về không gian với quy định: "Công dân Mỹ tìm kiếm tài nguyên trên tiểu hành tinh hoặc trong không gian vì mục đích thương mại sẽ có quyền đối với mọi tài nguyên thu được, bao gồm các quyền chiếm giữ, sở hữu, vận chuyển, sử dụng và bán tài nguyên thu được".
Đạo luật trên đã khai thác kẽ hở của Hiệp ước Không gian năm 1967 vì hiệp ước chỉ cấm một quốc gia chiếm tài nguyên không gian làm sở hữu riêng.
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh về chính sách không gian ngày 11-12-2017 - Ảnh: NASA
Đạo luật này của Mỹ đã bị LHQ chỉ trích, song các công ty Mỹ chuyên khai thác mỏ trên không gian như Moon Express, Planetary Resources, Deep Space Industries lại vỗ tay hoan hô. Các doanh nghiệp như Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk cũng có thể dự phần đưa tàu lên không gian.
Đến tháng 12-2017, chính quyền của Tổng thống Trump đã yêu cầu NASA làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp tư nhân mong muốn khai thác tài nguyên trong không gian.
Giám đốc Scott Pace thuộc Hội đồng Không gian quốc gia tuyên bố: "Chúng tôi lặp lại lần nữa, không gian không phải là tài sản chung toàn cầu. Đó không phải là di sản chung của nhân loại, cũng không phải là "res communis" hay tài sản công…".
Sau UAE đến Luxembourg
Mỹ làm được, các nước khác cũng cho rằng mình làm được. Năm 2016, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) thông qua đạo luật như Mỹ nhằm đón đầu khai thác tài nguyên không gian sau khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch trên Trái đất cạn kiệt.
Ông Mohammed Al Ahbabi, tổng giám đốc Cơ quan không gian UAE, tuyên bố hùng hồn: "Năm 2021 đánh dấu 50 năm thành lập UAE. Đây là thời điểm thích hợp để UAE thực hiện phi vụ bay vào không gian đầu tiên".
Tổng giám đốc Cơ quan không gian UAE Mohammed Al Ahbabi mong muốn UAE phóng tàu vào không gian năm 2021 - Ảnh: The National
Sang năm 2017, Luxembourg trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ban hành luật về khai thác tài nguyên không gian.
Luật được thông qua vào tháng 7-2017 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2017) quy định các công ty thành lập tại Luxembourg đều có quyền khai thác và sở hữu tài nguyên không gian. Các công ty có quyền vận chuyển tài nguyên về Trái đất hay sử dụng tài nguyên để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tiếp tục khám phá không gian xa hơn.
Ông Etienne Schneider, phó thủ tướng Luxembourg, cho rằng có thể khai thác khoảng 10% trong khoảng 14.000 vật thể không gian bay xung quanh Trái đất. Ông cố trấn an các đối tác châu Âu rằng "chúng tôi không muốn có cao bồi không gian".
Thật ra đến nay nhiều nước EU vẫn chưa đồng tình với dự án nêu trên của Luxembourg.