TTX - Cái lạnh 10 độ C đầu mùa đông ở Paris (Pháp) dường như chưa đủ để làm dịu không khí làm việc rất khẩn trương tại dự án métro Grand Paris Express, nhà ga sân bay Orly hay sân bay Charles de Gaulle.
Hoàng Mạnh Hiếu nghiên cứu giải pháp thi công nhà ga ở độ sâu -70m - Ảnh do nhân vật cung cấp
Những công trình tầm cỡ châu Âu này đều có dấu ấn của trí tuệ Việt khi Hoàng Mạnh Hiếu, Trần Thu Hương, Phan Minh Tuyến, Nguyễn Thành Lộc... trực tiếp thiết kế, giám sát thi công nhiều hạng mục quan trọng.
Chính phủ Pháp yêu cầu phải hoàn thành đúng tiến độ để nâng cao năng lực vận tải hành khách tại Paris và phục vụ Thế vận hội mùa hè - Olympic 2024.
Tuổi 29 và metro lớn nhất châu Âu
Hoàng Mạnh Hiếu đã có thâm niên với công việc thiết kế, thi công các dự án giao thông hàng đầu nước Pháp như đường sắt cao tốc LGV nối liền hai thành phố Tour - Bordeaux với hơn 300km, vốn đầu tư khoảng 9 tỉ euro; dự án gia cố một số hầm cũ của Tổng công ty đường sắt Pháp SNCF; dự án kéo dài tuyến số 11 về phía đông Paris, vốn đầu tư 1,4 tỉ euro. Và bây giờ là dự án lớn nhất châu Âu với gần 30 tỉ euro.
Phải mất hai tuần tôi mới gặp được Hoàng Mạnh Hiếu. Câu chuyện cứ bị ngắt quãng vì anh liên tục bị công việc "túm" áo kéo đi. Hiếu mới 29 tuổi, trực tiếp tham gia thiết kế và giám sát thi công dự án métro (tàu điện ngầm) lớn nhất châu Âu: Grand Paris Express.
Tuyến métro này có chiều dài 200km với 68 nhà ga và vận hành hoàn toàn tự động, không người lái. Cứ hai phút có một chuyến tàu dừng đón khách. Tổng mức đầu tư dự án "khủng" này lên tới 30 tỉ euro.
Điều đặc biệt hơn nữa là Hoàng Mạnh Hiếu tham gia thiết kế một số nhà ga và đường hầm tuyến số 15 - tuyến quan trọng nhất của dự án này. Tuyến 15 có chiều dài tới 80km với 36 nhà ga chạy quanh Paris.
Riêng hạng mục phía nam của tuyến này dài 33km, với 16 nhà ga được thi công trước để kịp đưa vào sử dụng vào năm 2022, vận chuyển 300.000 hành khách mỗi ngày.
Hiếu cho biết: "Thiết kế tuyến này đã được chủ đầu tư phê duyệt và hiện đang triển khai thi công. Công việc mới của tôi là giám sát, kiểm tra bản vẽ; đồng thời là người đại diện ở một số nhà ga, phụ trách việc kết nối thông tin giữa đơn vị thi công và Công ty Systra nơi tôi làm tư vấn, giám sát".
Pháp đã xây dựng métro từ những năm 1900 và phát triển liên tục đến nay. Dưới lòng đất thủ đô Paris có mạng lưới giao thông ngầm chằng chịt. Chính vì vậy việc thiết kế và thi công dự án Grand Paris Express vô cùng phức tạp.
Không chỉ giao cắt rất nhiều với các tuyến métro đang tồn tại dưới lòng đất, tuyến mới còn đi qua các địa điểm quan trọng như sân bay Charles de Gaulle, trung tâm thương mại hay các khu dân cư.
Nhưng khó khăn đó chưa thấm vào đâu so với việc phải thi công trên nền địa chất cực kỳ phức tạp tại Paris: nhiều lớp đất yếu và mực nước ngầm cao. Ngoài việc huy động thiết bị máy móc đào hầm cực kỳ hiện đại, Hiếu và êkip phải tính toán cùng lúc nhiều phương án thi công để đảm bảo an toàn.
Thiết kế nhà ga Saint-Maur Creteil ở phía đông nam Paris là thử thách lớn nhất mà Hiếu vừa trải qua. Anh kể: "Phương án đầu tiên là tuyến métro và nhà ga đặt trong lớp đất sét sâu khoảng -30m so với mặt đất.
Tuy nhiên khi nghiên cứu địa chất thì phát hiện tính chất của lớp đất sét khu vực này rất phức tạp, có thể trương nở ảnh hưởng đến kết cấu hầm và gây lún trong quá trình thi công. Chúng tôi phải thay đổi phương án thiết kế, đưa nhà ga xuống độ sâu -70m so với mặt đất; đồng thời thay đổi tất cả kết cấu bên trong và hình dạng của nhà ga cho phù hợp với khả năng chịu lực. Hiện ga Saint-Maur Creteil đang triển khai thi công và là nhà ga sâu nhất ở Pháp".
Cùng với quyết định đưa nhà ga xuống độ sâu -70m mà không phải thay đổi hướng tuyến, Hiếu và êkip phải trực tiếp tìm ra giải pháp thi công cho quyết định "điên rồ" này.
Ban đầu các chuyên gia có uy tín trong ngành métro ở Pháp phản đối, nhưng dần dần họ bị Hiếu thuyết phục bởi những phương án dù rất ít khi được áp dụng nhưng có tính khả thi cao.
Thi công đường hầm metro Grand Express - Ảnh do nhân vật cung cấp
3 bạn trẻ Việt ở Grand Paris Express Tại tuyến métro số 15 Grand Paris Express, ngoài Hoàng Mạnh Hiếu (29 tuổi) còn có Trần Thu Hương (29 tuổi) tham gia thiết kế một số công trình phụ trợ và tư vấn, giám sát ở giai đoạn thi công. Còn tại tuyến số 4 và 11, Phan Minh Tuyến (30 tuổi) làm tư vấn, giám sát thi công.
Làm sân bay lớn nhất nước Pháp
Tiến sĩ Nguyễn Thành Lộc - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sáng sớm 30-11-2017, TS Nguyễn Thành Lộc cùng đồng nghiệp Công ty CMC vội vã đến sân bay Orly chuẩn bị thủ tục nghiệm thu, bàn giao và đưa vào khai thác tòa nhà kết nối giữa nhà ga Tây và nhà ga Nam. Đây là công trình trọng điểm của dự án cải tạo sân bay Orly với diện tích lên tới 70.000m2, có ba tầng cao và một tầng hầm. "Bàn giao sân bay Orly xong, tôi phải qua nhận nhiệm vụ làm nhà ga T1 sân bay Charles de Gaulle. Nhưng tại sân bay này tôi vẫn còn làm hạng mục cầu vượt để đón máy bay cỡ lớn như A380" - Lộc cười rồi bước nhanh theo đồng nghiệp.
Thành Lộc và đồng nghiệp tại công trường sân bay Orly - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Thành Lộc 36 tuổi, quê ở Tiền Giang. Anh tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM loại giỏi và được nhận cùng lúc hai học bổng cao học ở Pháp. Sau khi bảo vệ tiến sĩ địa kỹ thuật công trình tại Trường Quốc gia cầu đường Pháp, Lộc đầu quân cho Tập đoàn tư vấn Assytem France chuyên về nhà máy điện hạt nhân.
Thời điểm đó Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị sự cố sau động đất, Chính phủ Pháp lập tức cho kiểm tra, gia cố các nhà máy điện hạt nhân. Lộc được giao tham gia dự án kiểm tra và tăng cường độ an toàn cho kết cấu dự ứng lực để cố định các thiết bị của nhà máy điện hạt nhân.
Sau khi vượt thử thách này, Lộc được Công ty CMC thuộc tập đoàn xây dựng hùng mạnh Vinci chiêu mộ về làm những dự án lớn hơn.
Anh kể: "Năm 2015, khi tôi sắp làm xong dự án công viên nước Aqualagon của Tập đoàn Disney ở ngoại ô Paris thì được điều động sang dự án cải tạo sân bay Orly, vốn đã khởi công trước đó.
Đây là công việc mà ai cũng mơ ước. Tôi thấy mình rất may mắn bởi vì những công việc này gần như được mặc định dành cho người Pháp, vì đòi hỏi kỹ năng, trình độ và cả giao tiếp với chuyên gia, công nhân từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc".
Sân bay Orly nhìn từ nhà kết nối - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tòa nhà kết nối tại sân bay Orly có ba tầng trên mặt đất và một tầng hầm. Sẽ rất bình thường nếu không có quy hoạch: vào năm 2020 robot sẽ đào hầm thi công tuyến métro số 14 và 18 ngay bên dưới tòa nhà này.
Việc tính toán thiết kế, thi công sao cho dự án métro thi công sau không bị cản trở, cũng như không ảnh hưởng đến công trình phía bên trên là công việc vô cùng phức tạp.
Cuối năm 2017, dự án nhà kết nối tại sân bay Orly hoàn thành. TS Lộc tiếp tục được giao trọng trách làm chỉ huy công trình cải tạo, nâng cấp nhà ga sân bay lớn nhất nước Pháp - Charles de Gaulle. Công trình quan trọng này sẽ chính thức khởi công đầu năm 2018.