PNCN - Lẩu thả là món ăn quen thuộc của người dân xứ biển Mũi Né (Phan Thiết), hấp dẫn du khách không chỉ vì ngon miệng mà còn vì… rất đẹp khi dọn ra. Món ăn này không thể bỏ qua khi đến vùng biển này trong những ngày hè.
Có thể ví lẩu thả như một nàng lọ lem, bỗng chốc hóa thành công chúa kiều diễm nhờ chiếc đũa thần. Lẩu thả, người địa phương quen gọi là “bún thả”, là món ăn vô cùng bình dị của ngư dân miền biển mà bất cứ bà nội trợ nào cũng biết nấu; phổ biến trong các buổi họp mặt gia đình hay để đãi bạn bè, khách quý. Trước đây, hầu như rất ít hàng quán nào ở Phan Thiết bán món này, bởi vì người ta có thể ăn bún thả tại nhà bất cứ khi nào thèm, nên không cần phải ra quán. Vậy mà khi món ăn mang phong cách rất riêng của vùng đất này được quảng bá, đã nhanh chóng chiếm một vị trí trong 50 món đặc sản nổi tiếng cả nước và hớp hồn bao thực khách khi có dịp đến đây. Một số khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Paradise, Saigon Mũi Né… đã nâng tầm món ăn này lên thành đặc sản cao cấp.
Công bằng mà nói, lẩu thả không phải là sơn hào hải vị, bởi nguyên liệu để chế biến lẩu thả rất dễ tìm, toàn là “cây nhà lá vườn”: tôm, thịt, cá, rau. Nhưng lẩu thả chinh phục thực khách ở sự tỉ mỉ trong chế biến và tinh tế trong cách trình bày. Cá dùng trong lẩu thả thường là loại cá suốt đặc biệt chỉ có ở vùng biển này, được đánh bắt và đưa vào bờ từ sáng sớm nên tươi rói, không có mùi tanh, mang vị ngọt tự nhiên. Cá làm sạch, cắt dọc thân và bỏ xương, đem chần qua nước cốt chanh rồi ướp gia vị, không thể thiếu ớt bột, vốn là thói quen ăn cay của người miền Trung. Ngoài cá, người ta còn chuẩn bị nguyên liệu đi kèm gồm thịt ba rọi luộc chín cắt sợi, trứng chiên vàng cắt sợi, xoài xanh, dưa leo, xà lách, rau thơm (húng cây, húng quế) cũng đều cắt nhỏ, khế và cả bắp chuối. Mỗi thứ đều để riêng trên bẹ bắp chuối, rồi xếp tất cả lên một cái nia được lót lá chuối. Qua bàn tay tài hoa của đầu bếp, món ăn trông như một bông hoa đủ sắc màu. Màu vàng của trứng, màu xanh của rau, màu tím hồng của bắp chuối, màu đỏ của nước dùng và nhụy hoa là đĩa cá màu trắng óng ánh đặt ở giữa nia.
Món ăn đặc sắc hơn nhờ loại nước chấm đặc biệt được pha từ hỗn hợp xay nhuyễn gồm đậu phộng rang, chuối sứ chín, tỏi, me chua, ớt trái, tất cả hòa quyện với nước mắm cá cơm nguyên chất, thêm chút đường để vị ngọt làm dịu bớt vị béo, chua, mặn, cay của nước chấm, cái khéo léo của đầu bếp chính là các vị đều cân bằng, ăn vào hương vị cứ vương mãi.
Ăn lẩu có hai cách: khô và nước. Dân làng chài thường chuộng cách ăn khô, tất cả cá, thịt, trứng, rau đều “thả” hết vào một tô bún, chan nước chấm lên và không quên “thả” vài miếng bánh tráng mè nướng bẻ nhỏ, mộc mạc vậy mà ngon. Để ăn lẩu nước, người ta chế ra thứ nước dùng ngọt thanh với thành phần chính là nước hầm xương, tôm băm và cà chua băm đã xào săn, tạo thành một màu đỏ tự nhiên đẹp mắt, để vào nồi đất đặt trên một bếp lò, trụng cá và chan vào tô bún, vắt thêm chanh, vài lát ớt, đủ thứ hương vị được kết hợp rất hoàn hảo, ăn rồi khó quên. Chẳng lạ gì khi “vua đầu bếp” Yan nổi tiếng thế giới đến Mũi Né năm 2010 phải xắn tay áo chế biến và gật gù khen ngon khi nếm thử món ăn dân dã này.
Theo chân du khách, lẩu thả Phan Thiết cũng đã đến Sài Gòn nhưng không ồn ào nên vẫn còn ít người biết. Muốn thưởng thức lẩu thả, hãy đến nhà hàng Hoàng Yến Hot Pot, 103 Tôn Dật Tiên, Q.7 hoặc Zen Plaza, 54-56 Nguyễn Trãi, Q.1. Món lẩu ở đây giữ nguyên hương vị và cách trình bày như nguyên bản. Trước kia còn có một quán ở đường Cao Thắng có bán lẩu này, gần đây do đổi chủ nên trong thực đơn không còn món này. Một món ăn ngon đôi khi phải phù hợp với không gian ẩm thực. Phải chăng “lẩu thả” chỉ ngon khi được “thả” trong trời đất biển cả mênh mông của nơi khai sinh ra nó?
Lê Mai
lẩu, lẩu thả Phan Thiết