Dinh dưỡng

Bánh in – Vị tết quê nhà

PNO - Tết, người xa quê, kẻ về nhà… hương vị tết vương vấn khắp con đường, ngõ phố. Bắt gặp đâu đó, giữa hàng bánh trái xa xỉ, là những chiếc bánh in trắng,

Bánh in – hương vị tết truyền thống của nhiều gia đình. 

 1. Những cái tết trước, tầm này ở quê mẹ đã tranh thủ nắng để phơi lại mớ lúa nếp cho thật khô. Mẹ mang đi xay xát, rồi đêm đến bên bếp lửa hồng, nếp gạo thành cốm thơm phức. Lũ con nít chúng tôi chờ sẵn bên bếp, đợi những đợt rang cuối mong mẹ cho nắm cốm nóng, xoa trong lòng bàn tay rồi nhai rồm rộp. Cái vị cốm nếp, nóng ấm, theo lũ nhỏ chúng tôi qua bao mùa tuổi thơ.

Cốm nếp là nguyên liệu làm chính làm bánh in, sau khi rang xong được buộc kĩ vào bịt nilon để giữ độ giòn. Ngày sau, mẹ lại mang bì cốm đi xay bột. Mẹ nói, làm bánh in kỳ công lắm con gái à, nom cái bánh nó giản đơn vậy mà khi làm dụng công lắm. Đến giờ, ngẫm ra tôi mới thấy làm bánh in kỳ công. Từ khi hong nắng cho khô thóc, đến rang cốm, xay bột và rồi mẹ lại hong bột trên những hàng chè tàu hứng sương đêm. Sau hai, ba bận hứng sương, bột mới được gom vào để chuẩn bị khâu làm bánh.

Mỗi lần làm bánh in, nhà tôi rất đông người. Chỉ tính riêng mấy đứa trẻ ngồi “chực” bên thau bột đã đến 5, 6 đứa. Người lớn thì nạo đường, trộn bột, nhào khuôn, in bánh… Những chiếc bánh in đủ hình dáng, vuông có, tròn có… được in ra sắp đầy trên mâm phơi. Cái bánh hoàn tất, cũng phải có gió, qua nắng xuân môt lượt mới vào phong khuôn, giấy gói.

Bánh in được làm từ những nguyên liệu đơn giản là bột nếp, nhân vừng

Mỗi lần chuẩn bị làm bánh in, tôi thấy mẹ với ba tất bật suốt buổi. Có năm, anh em tôi nói mẹ thôi đừng làm, đi mua mấy chục bánh ở chợ về cúng cho gọn. Mẹ bảo: “Tết, mẫm cao cỗ đầy tùy nhà, nhưng bánh in thì nhất định phải tự tay mình làm cúng ông bà. Bánh in truyền thống cùng bánh chưng, dưa hành… không thể thiếu trong ngày tết các con à. Ông bà ngày xưa đâu có những thứ bánh xa xỉ, ông bà muốn vẫn là những nét quê mà thôi”. Mẹ kể, ngày còn sống, bà ngoại tôi vẫn luôn ăn một chiếc bánh in, uống ly trà nóng, đậm đà ngày tết”. Trước ngày mất, ngoại nói chỉ muốn ăn cái bánh in, uống ly trà nóng rồi nhắm mắt. Ngoại đi sau khi sum vầy cùng con cháu ngày tết. Vì vậy, như một nếp cũ, năm nào mẹ cũng tự tay chuẩn bị vài chục chiếc bánh in cúng tết.

2. Sáng nay, dạo qua khu chợ nhỏ gần chỗ trọ, tôi thấy những hàng bánh kẹo muôn màu sắc, trên đó có một thạp hàng bày đầy các mẫu bánh in. Ghé quán cô Tuyết (chủ 1 quày tạp hóa chợ Quan Trấn, TP Quy Nhơn, Bình Định), hỏi thăm. Cô Tuyết cho hay, năm nào gian hàng tết của cô cũng bán vài trăm cái bánh in để cúng ông bà. Bánh kẹo tuy nhiều nhưng không thay được bánh in- mộc mạc truyền thống.

Theo lời cô Tuyết, tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Bích Nhung (64 tuổi, số 13 Đinh Bộ Lĩnh, TP Quy Nhơn), một người chuyên làm bánh in có tiếng ở Quy Nhơn. Bà Nhung học nghề từ quê ngoại An Thái, Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định), theo nghề đến nay hơn 30 năm. Bánh in không chỉ nghề truyền thống, mà còn giúp bà lo cho con gái ăn học đến nơi, đến chốn. Bánh in của bà Nhung được tiếng ngon, ngọt và dẻo xếp. Bột nếp trắng tinh, nhân bánh ngon và mùi vani, hương chuối thoang thoảng quyện trong những chiếc bánh muôn màu, muôn vẻ. “Mỗi năm, tôi chuẩn bị 1 tấn bột nếp để làm bánh in, năm nay bận việc, tôi chỉ làm phân nửa so với mọi năm. Chủ yếu làm cho khách quen. Bánh in của tôi “xuất ngoại” nhờ các bạn hàng kiều bào ưa chuộng.

Bà Nhung  đang khuôn từng chiếc bánh in

Bà Nhung bảo: Bánh đơn giản từ thành phần nguyên liệu đến cách chế biến, nhưng không phải ai cũng làm ra được chiếc bánh in ngon, dẻo… bánh in ngon phải chọn đúng bột, làm đúng tỷ lệ đường, bột, hương liệu…

3. Rời căn bếp dậy mùi hương nếp của bà Nhung, tôi lại lanh quanh xuống phố. Nắng xuân ấm áp, giờ này ở quê, mẹ tôi đã chuẩn bị hứng sương cho bột bánh và chắc chắn đại gia đình tôi sẽ được thưởng thức những chiếc bánh thơm ngon từ sự khéo tay và tình yêu thương của mẹ. Và có lẽ, không chỉ với nhà tôi, ngày tết, giữa mâm bánh trái đủ màu sắc, chiếc bánh in vẫn chiếm vị trí trang trọng trên mâm cỗ. 

Và những chiếc bánh được ra lò từ sự khéo léo và say nghề của người thợ 

Bài, ảnh DỊU DỊU

www.phunuonline.com.vn

Bánh in – Vị tết quê nhà


      © 2021 FAP
        227,006       751