Kinh tế

Nặng nợ cùng bếp núc

"17 năm trước, tôi từng bỏ việc và thề với lòng sẽ không bao giờ làm nghề nấu nướng nữa, nhưng sau này lại "dan díu" với nghề" - ông Vũ Duy Thường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tiệc cưới Duy Thường (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

“17 năm trước, tôi từng bỏ việc và thề với lòng sẽ không bao giờ làm nghề nấu nướng nữa, nhưng sau này lại “dan díu” với nghề” - ông Vũ Duy Thường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tiệc cưới Duy Thường (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Ông Vũ Duy Thường  bên sản phẩm khắc trái cây của mình tặng cho khách hàng.
Ông Vũ Duy Thường bên sản phẩm khắc trái cây của mình tặng cho khách hàng.

Vất vả với nghề

Từ Phú Thọ khăn gói xuống đất Hà Nội xin đi phụ việc ở các nhà hàng và học nghề nấu nướng, nhưng rồi không chịu nổi với những mùa đông giá rét, ông Thường đành bỏ nghề tìm vào TP.Hồ Chí Minh xin việc. Ban đầu, ông Thường vào làm cho một cơ sở sản xuất nước đá để kiếm tiền đi học nghề.  Ông tâm sự: “Lúc ấy lương của mọi người ở cơ sở nước đá chỉ có 700 ngàn đồng/tháng, nhưng tôi phải làm thêm, kiếm nhiều tiền hơn một chút để lấy vốn sau này. Làm được bao nhiêu tôi gửi cho người quen giữ giùm. Suốt 2 năm như vậy, khi có được chút ít vốn tôi bắt đầu đăng ký đi học nghề nấu ăn của Saigontourist”.

Mặc dù ở Hà Nội ông đã từng đứng bếp nấu ăn ở một số nhà hàng, song khi bước vào học nấu ăn, ông hoàn toàn mù tịt về gia vị, từ tên gọi đến cách nêm khi nấu quá khác nhau. Phải vất vả lắm ông mới bắt được nhịp, khi đi thi chỉ ở mức trung bình. Ông Thường xác định, hoặc là chỉ làng nhàng đi phụ bếp kiếm tiền, hoặc là phải giỏi hẳn để trở thành bếp trưởng và đi xa hơn nữa. Giằng co suy nghĩ mãi rồi ông quyết định đầu tư cho nghề sâu hơn nữa.

Chinh phục những món ngon

Suốt 7 năm ông đi làm đầu bếp cho các khách sạn từ bình dân đến những nơi có tiếng ở TP.Hồ Chí Minh, như: khách sạn Quê Hương - Liberty (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) hay Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh)... Không chỉ ở các khách sạn mà còn cả những nhà hàng, làng nướng ông đều vào thử sức để học hỏi, các nơi ông cố gắng vươn lên đến bếp chính.

Theo ông Thường, mỗi nhà hàng, khách sạn hay làng nướng đều có những món ngon, hay khác nhau chỉ làm ở nơi đó mới cảm nhận được đầy đủ. Năm 2007, ông “bén duyên” với đất Biên Hòa. “Thời gian đó tôi nhận dạy cắt tỉa củ quả cho Công ty dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) và làm bếp trưởng cho một nhà hàng ở phường Tam Hòa, thấy nơi đây có nhiều cảm tình nên quyết định về đây lập nghiệp” - ông Thường chia sẻ.

Dù lập nghiệp ở Biên Hòa, nhưng ông vẫn cùng nhóm đầu bếp của TP.Hồ Chí Minh tham gia các chương trình ẩm thực ở các tỉnh thành, như: Vũng Tàu, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và đặc biệt là festival  Huế. Theo ông Thường, tham gia vào những chương trình này  giúp ông luôn có cái nhìn mới và sáng tạo trong chế biến và trang trí món ăn. Quan điểm của ông món ăn trong các bữa tiệc bây giờ không chỉ ngon mà còn phải đẹp nữa nên đòi hỏi người đầu bếp phải cố gắng rất nhiều.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        347,204       50