Lúc nào chị cũng cảm thấy vô cùng bực tức, chán nản và không muốn ăn cơm mỗi khi đến bữa. Rồi cứ nghe con khóc là chị lại càng điên hơn, cứ như có ai thúc giục từ bên trong là phải đánh con.
Những ngày gần đây, chủ đề trầm cảm sau sinh đang trở nên xôn xao hơn bao giờ hết. Trong tâm điểm cơn bão đấy là muôn vàn những chia sẻ của các bà mẹ bỉm sữa về giai đoạn khó khăn của mình khi cũng từng mắc phải bệnh lý đáng sợ này. Câu chuyện của chị Hương (25 tuổi, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là một trong số đó. Nhưng điều khó tin hơn cả, khi nguyên nhân sâu xa của những đau đớn chị từng phải trải qua lại xuất phát từ chính mẹ đẻ của mình…
Cứ nghe con khóc là thấy như có ai thúc giục phải đánh con
Chị Hương sinh thường, mới bế con về nhà bà ngoại ở cữ chưa được vài ngày thì đã không thể chịu được nữa. Đó là khi bà ngoại bế em bé hơ trên than, lại quá tay nên bé bị viêm hô hấp và viêm da, nổi đỏ đầy mặt. Còn chị Hương thì bị bà bắt... dạng chân ra hơ trên nồi than. Chỉ cần chị Hương có ý phản pháo, không làm theo thì nhận ngay những lời chì chiết: “Mày sề, mày xấu rồi chồng sẽ bỏ cho xem! Lúc đấy thì đừng trách ai cả!”. Kết quả là chị Hương bị đứt vết khâu và bỏng âm đạo, cực kỳ đau đớn.
Rồi khi con bị bệnh, khóc, không ngủ được thì chị Hương đã tức tốc quay lại bệnh viện để khám. Đến đây, các bác sỹ ở khoa sản và nhi đều trách chị vì đã làm hại con, lại nghe theo những quan niệm cổ hủ nên bây giờ hậu quả thấy rất rõ. Em bé sau khi bị kết luận viêm hô hấp thì phải đi vật lý trị liệu từ 5 ngày tuổi đến tận 3 tháng tuổi, các cô y tá lúc nào cũng túc trực cùng với chai nước muối sinh lý bên cạnh.
Nguyên nhân kết luận là do bị hít khói than quá nhiều, sinh ra đờm dãi làm em bé không thể thở được rồi cứ bú vào là ói. Nhìn con khóc vì không bú được, thở lại khó khăn khiến chị Hương như thắt từng khúc ruột. Mỗi ngày, chồng chị Hương lại chở hai mẹ con đến bệnh viện để khám và làm vật lý trị liệu. Đến đêm con bú là lại trớ ra, giấc ngủ không tròn, hai vợ chồng lại thay phiên nhau dậy thay đồ, thay chăn gối cho con.
Chồng chị Hương và con trai.
Đồ ăn những ngày đó được bà ngoại chuẩn bị cho chỉ có móng giò và cá kho. Bà không đồng ý cho chị Hương ăn các món khác, cứ ăn là bị bà trách mắng, nói nặng lời. Mỗi khi chị Hương làm bất cứ việc gì cũng bị mẹ mắng: "Cũng không hiểu tại sao mà bà ngoại lại trở nên khó tính một cách đáng sợ như thế. Mình ngồi cho con bú cũng bị mắng là sẽ gây đau lưng, còn nằm cho con bú thì cũng bị nhắc là sẽ khiến con bị viêm tai giữa…"
Đó là những ngày tháng kinh khủng với chị Hương khi cảm thấy bế tắc đến cùng cực và rơi vào tình trạng trầm cảm. Những biểu hiện rõ ràng nhất là khi em bé được khoảng hơn 1 tháng, chị suốt ngày chỉ biết ngồi khóc và cảm giác uất hận tất cả mọi thứ. Lúc nào chị cũng cảm thấy vô cùng bực tức, chán nản và không muốn ăn cơm mỗi khi đến bữa. Rồi cứ nghe con khóc là chị lại càng điên hơn, cứ như có ai thúc giục từ bên trong là phải đánh con.
Bao nhiêu dồn nén bên trong, nhưng chị Hương không thể giãi bày được với ai. Nói với mẹ đẻ cũng không được mà chia sẻ với chồng cũng không xong. Chồng chị đi làm cả ngày nên cũng không biết vợ ở nhà như thế nào, nghe vợ nói về việc bị trầm cảm sau sinh còn gạt phăng đi: “Điên à! Vớ vẩn! Bị làm sao được?”. Những sự vô tâm đó càng khiến chị Hương chỉ biết suốt ngày gào khóc, tủi thân, muốn tự ôm con bỏ đi thật xa. Đỉnh điểm nhất là khi chị còn tự ngồi đánh vào mình như một người điên.
Đến lúc này, khi thấy sự thay đổi bất thường và có phần khủng khiếp từ vợ, chồng chị Hương mới mơ hồ tin vào việc chị bị trầm cảm thật sự. Chồng chị lên mạng tìm hiểu, đọc báo và cuối cùng đã biết chắc chắn là vợ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ những người xung quanh. Có lẽ đây cũng là nút thắt trong việc giúp chị Hương vượt qua được trạng thái bệnh lý đáng sợ của mình.
Chính chồng chữa bệnh cho vợ
Thời điểm chị Hương rơi vào trạng thái khủng hoảng và được chồng nhận ra là khi em bé được khoảng 1 tháng rưỡi. Vợ chồng chị nhân có việc đằng nội nên đưa con về nội ở luôn, cách xa sự giám sát quá đà của bà ngoại. Khi đó, chị Hương chưa hồi phục sức khỏe và vẫn còn đau vết đứt chỉ, suốt ngày lại không được ngủ sâu giấc vì thức đêm nên chồng chị đã làm thay rất nhiều việc.
Cứ sáng sáng, anh lại giúp vợ giặt đồ cho con rồi đến bữa lại phụ vợ rửa bát. Hàng xóm xung quanh thấy vậy thì chê bai: “Con dâu gì mà lười! Để chồng làm hết thế kia! Lại còn ăn bám chồng nữa!”. Chồng chị Hương nghe được những lời này thì cũng có chút chạnh lòng, nhưng rồi khi hiểu hơn về những nỗi vất vả mà vợ đang phải chịu đựng, chính anh lại là người đã động viên vợ không nên nghe những lời đàm tiếu bên ngoài.
Mẹ con chị Hương nay đã cân bằng lại được cuộc sống.
Sau đó anh vẫn tiếp tục gắng hết sức để chăm sóc vợ con từ a đến z, không nề hà bất cứ việc gì. Cứ có thời gian rảnh, anh lại đưa hai mẹ con đi chơi để thay đổi không khí. Rồi chồng chị còn gặp bà ngoại nói chuyện trực tiếp, rằng bà không nên can thiệp vào chuyện chăm con hay kiêng cữ của chị Hương nữa. Khi thấy vợ khóc, anh lại dỗ dành: “Em khóc thì lấy đâu ra sữa mà nuôi con chứ? Có anh và con ở đây rồi, không ai bắt nạt em nữa đâu!”.
Có những buổi sáng nhìn chồng đi làm mà mắt thâm quầng vì thức đêm, chị Hương cảm thấy rất thương xót. Và chị đã ngày một cố gắng hơn để vượt qua tất cả, tự nhủ với bản thân: “Từ xưa đến giờ, bao nhiêu chuyện mình còn vượt qua được, thì chuyện này tại sao lại không cơ chứ? Mình còn phải cố gắng vì hai bố con nhà June nữa!”. Chị đã nỗ lực thay đổi từng chút một trong suy nghĩ của bản thân, bớt dần đi những cáu gắt, bực bội để cân bằng lại.
Cuối cùng, nhờ những sự chăm sóc và thấu hiểu từ chồng, cùng với nỗ lực của chính mình mà chị Hương đã từ từ vượt qua được chứng trầm cảm sau sinh. Cho đến bây giờ, khi con trai đã được 2 tuổi, chị gần như đã trở về được trạng thái bình thường. Chồng chị vẫn luôn rất yêu thương, quan tâm đến vợ con. Còn chị thì ngoài việc yêu bản thân mình cũng luôn hết lòng với chồng con và tự nhủ phải trân trọng hiện tại bình yên này.
trầm cảm, bệnh trầm cảm sau sinh, sau khi sinh, vượt qua trầm cảm sau sinh, trầm cảm sau sinh