Từ một người ít sữa, không đủ sữa cho con bú, chị đã có trăm bịch sữa trữ đông đem đi tặng để các bé khác cũng được bú sữa mẹ.
Sau khi sinh, mẹ Hương Nguyễn (29 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đã cho con uống sữa công thức trong suốt tháng đầu tiên khiến bé bỏ bú mẹ. Tuy nhiên, bằng tình yêu thương vô bờ của người mẹ, bằng sự kiên trì và quyết tâm mãnh liệt, mẹ Hương đã tập cho con bú mẹ trực tiếp hoàn toàn, đồng thời đã kích sữa thành công để từ một người mẹ ít sữa, không đủ sữa cho con bú,
sữa mẹ về tràn trề để có được trăm bịch sữa trữ đông đem đi cho, tặng.
Kinh nghiệm cho con tập bú mẹ trực tiếp
Sau ca sinh khó, chị Hương bị kiệt sức nên đã để mặc con cho người nhà chăm với bình sữa công thức. Vài ngày sau sinh, khi sữa già bắt đầu về thì con không chịu bú mẹ nữa, còn bản thân chị thì bị tắc tia sữa vô cùng đau đớn. Dẫu vậy, chị quyết tâm sẽ
nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, bởi chị biết sữa mẹ là tốt nhất cho con nên chị vẫn kiên trì tập cho con bú mẹ trực tiếp, song song với đó là vắt sữa để cho con bú bình.
Ban đầu, chị vắt sữa bằng tay, rồi dùng máy vắt bằng tay. Thương vợ vất vả, chồng chị đã đầu tư cho vợ một chiếc máy hút sữa điện đôi. Lúc đầu, lượng sữa vắt chỉ đủ tráng bình. Mỗi ngày chị vắt 2 bên cả chục lần, mỗi lần 40 – 50 phút nhưng cũng chỉ được 30ml. Lượng sữa cho con không đủ, chị vẫn phải cho bé ăn thêm sữa công thức. Mỗi lần có ai đó hỏi: “Có đủ sữa cho con ăn không?”, chị lại tủi thân đến nghẹn ngào: “Em không đủ sữa, con em phải ăn thêm sữa ngoài”.
Chị tâm sự: “Vì ngay sau khi sinh, mình đã cho bé bú bình khiến bé bỏ bú mẹ. Việc tập cho bé bú mẹ vô cùng khó khăn vì cách mình tập cho bé sai. Mỗi lần hai mẹ con tập chẳng khác nào tra tấn. Sữa mẹ ít, lại tiết ra không đều như bình nên bé cáu gắt, khóc lóc vật vã, còn mẹ thì mệt nhoài và stress nặng”.
Mẹ Hương đã trải qua một hành trình đầy gian nan mới tập được cho bé Bo bú mẹ trực tiếp và hoàn toàn.
Sau nhiều ngày kiên trì, cuối cùng, đến ngày thứ 20, bé đã chịu bú mẹ, nhưng chỉ mút vài cái rồi nhả: “Khổ là bé chỉ chịu bú mẹ trực tiếp từ tầm 6h30 – 7 giờ sáng. Đến giờ đấy, dù cả đêm có thức trắng, mệt mỏi đến mấy thì chỉ cần con ọ ọe, mình đã bật dậy như cái lò xo để
cho con bú. Và đến ngày 25, bé bú cữ đầu tiên dài chỉ đúng 2 phút. Chỉ thế thôi mà mình đã mừng rơi nước mắt, hạnh phúc khôn tả”. Cứ thế, ngày con tròn tháng, bé đã bú được khoảng 4, 5 cữ sữa mẹ mỗi ngày và vẫn phải ăn thêm 3, 4 cữ sữa công thức.
Chia sẻ về kinh nghiệm cho các mẹ có con bỏ bú mẹ, chị Hương đưa ra một số lời khuyên để bé nhanh chóng bú mẹ trở lại:
- Không nên cưỡng ép con khiến con hoảng sợ. Mẹ nâng đỡ cổ và thân con chứ không điều khiển cổ và thân con. Hãy để con chủ động tìm núm vú của mẹ bằng cách cà nhẹ vào má con hoặc mũi, để con dần dần tự tìm đến bú mẹ 1 cách thoải mái.
- Dừng ngay việc cho con bú bằng bình, chuyển sang đút cho con ăn bằng thìa.
- Không tập lúc con đói. Khi con đói bắt con bú mà sữa mẹ không chảy ra nhanh như bú bình, bé sẽ dễ cáu gắt và nhất định không hợp tác. Hãy tập cho con bú lúc con không quá đói và không quá no. Thời điểm thích hợp lúc là lúc con lơ mơ hoặc ngủ gà ngủ gật, ngủ dậy chưa kịp tỉnh. Lúc này cho con bú trong tiềm thức, dễ trả con về thuận theo lẽ tự nhiên nhất: tìm đến vú mẹ.
Tâm sự về hành trình “đến đích" nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đầy gian nan của mình, chị Hương cho biết: “Sau khi sinh, mình rơi vào cái vòng luẩn quẩn: con bỏ bú mẹ, mẹ vắt không đủ sữa cho con ăn, mẹ stress, mẹ lại không đủ sữa và con lại ăn sữa công thức nối tiếp từ ngày này qua ngày khác. Nhờ đọc được rất nhiều tài liệu về sữa mẹ, mình đã quyết tâm cho con cai sữa công thức”.
Lúc này, người mẹ trẻ lại đối mặt với vô vàn khó khăn khác: sự phản đối từ phía gia đình và con quấy khóc kinh khủng. “Lúc ấy, chồng mình, một người luôn ủng hộ việc nuôi con của mình, đã bảo mình đừng mơ mộng viển vông nữa, mình không thể đủ sữa để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn được, không cho con ăn sữa công thức để con chết đói à? Nhưng bằng tình yêu dành cho con, mình đã kiên trì đến lì lợm, mình ôm ấp
da tiếp da, bế con và dỗ dành con cả ngày lẫn đêm. Bản thân mình luôn phải tự trấn an rằng: ‘Cố lên, cố lên! Mình đủ sữa để nuôi con. Hãy tin vào bản năng làm mẹ!’”, chị Hương kể lại.
Không phụ công những nỗ lực đến mệt mỏi của chị Hương, con chị đã bú mẹ nhiều hơn. Ban đầu bé chỉ bú mẹ ban ngày, rồi dần dần, bé bú mẹ cả tối và đêm. Chỉ sau 1 tuần quyết tâm “cai” sữa công thức, khi bé được 1,5 tháng, bé đã bú mẹ trực tiếp hoàn toàn cả ngày lẫn đêm.
Từ trải nghiệm của bản thân, chị Hương có một số lời khuyên như sau:
- Nếu đủ quyết tâm thì các mẹ nên tập cho con bỏ hẳn sữa công thức hoặc có thể cho con bỏ dần sữa công thức một cách từ từ.
- Luôn luôn vững vàng tinh thần trước những lời nói và tác động tiêu cực từ mọi người xung quanh.
- Da tiếp da với con càng nhiều càng tốt, ôm ấp vỗ về con để gia tăng tình cảm và sợi dây liên kết mẹ con.
- Quan trọng là bản thân mình phải tự tin vào việc mình đủ sữa để nuôi con.
Chìa khóa của việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn
Tưởng như đã tập cho con quen với việc bú mẹ hoàn toàn và bỏ được sữa công thức, người mẹ trẻ này đã thành công. Tuy nhiên, ngay sau đó, chị lại đối diện với một vấn đề lớn khác, đó là cho con bú sai khớp ngậm.
Đây là số sữa chị Hương trữ đông cho con ăn dần sau khi đã đi làm trở lại, còn một nửa số sữa vắt được, chị đã đem đi cho, tặng các mẹ ít sữa.
Chị Hương nhớ lại: “Mỗi lần mình cho con bú mà đau như tra tấn, nước mắt rơi lã chã. Chồng mình không biết làm thế nào chỉ biết ôm lấy 2 mẹ con. Chồng mình thương quá bảo mình thôi vắt ra đi để chồng cho con bú bình. Mình một mực từ chối, mình bảo vợ chịu đau được, nhất định phải cho con bú mẹ trực tiếp”.
Khó khăn nối tiếp khó khăn với người mẹ trẻ
lần đầu làm mẹ. Khi đã con con bú đúng cách, sữa về dào dạt thì lượng sữa cơ thể mẹ sản xuất ra lại vượt quá nhu cầu của con. Vì thế, mỗi lần cho con bú, sữa mẹ bắn đầy mặt con hoặc sặc sữa làm con hoảng loạn khóc lóc ầm ĩ. Hóa ra, bé chưa thực sự có khớp ngậm chuẩn nên mới bị sặc sữa khi sữa mẹ xuống quá nhanh và nhiều.
Chia sẻ về hành trình làm mẹ của mình, chị Hương tâm sự: “Thật là may mắn nếu con bạn sinh ra đã bú mẹ hoàn toàn, không bị mất sữa, không phải kích sữa, không từ chối bú mẹ trực tiếp. Nhưng với những mẹ bị mất sữa hay con từ chối bú mẹ, cũng đừng vội nản lòng. Điều quan trọng nhất là các mẹ phải kiên trì, giữ cho tinh thần mình luôn vui vẻ, thoải mái. Có như thế sữa mẹ mới về nhiều, mới đủ sữa cho con, mới không căng thẳng, mệt mỏi…”.
Chị đưa ra lời khuyên dành cho các mẹ đang nuôi con nhỏ:
- Hãy cho con bú trực tiếp càng nhiều càng tốt, đặc biệt là vào ban đêm, đó là thời điểm vàng gia tăng hormone prolactin (tạo sữa) và oxytocin (tiết sữa).
- Chế độ ăn uống không nên quá kiêng khem. Các mẹ nên ăn uống đa dạng và phong phú, đồng thời gia tăng nhóm rau củ quả và uống nước đầy đủ…
- Trong trường hợp phải dùng máy hút sữa để kích sữa, đừng nhìn vào số ml hút được, chỉ cần nhìn con và nghĩ về con, duy trì lịch hút đều đặn 3 giờ mỗi lần, sữa mẹ sẽ về dồi dào.
Cuối cùng, người mẹ này muốn nhắn nhủ: “Dù bạn sinh thường hay sinh mổ, sinh đủ tuần hay
sinh non, ca sinh dễ dàng hay khó khăn thì sinh xong, các mẹ đừng nằm đợi sữa về, hãy cho con bú theo nhu cầu. Hãy nắm vững kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ, luôn tin rằng người mẹ nào cũng đủ sữa cho con, kiên trì và quyết tâm thực hiện để con được 2 điều tốt đẹp và cơ bản nhất:
sữa mẹ và tình yêu”.