Trẻ con thường không hiểu hết được giá trị của đồng tiền. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy dạy con về tiền bạc từ khi con nhỏ, bằng cách tạo điều kiện cho con kiếm tiền để giúp con hành trang trong cuộc sống, để con trưởng thành hơn.
Hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng vì con luôn mè nheo đòi hỏi tiền bạc để mua đồ chơi, mua quà vặt từ bố mẹ. Theo một khảo sát được thực hiện gần đây của VTV, 96% phụ huynh tham gia khảo sát đồng ý là cần dạy trẻ hiểu về tiền bạc hiểu về giá trị đồng tiền, giá trị của sức lao động. Vậy, bố mẹ phải dạy con về tiền như thế nào cho đúng?
Thẳng thắn với con về tình trạng kinh tế gia đình
Một bài báo được đăng tải New York Times khuyến khích các bậc phụ huynh nên cởi mở và thành thật với con cái về vấn đề tiền bạc, tình trạng kinh tế của gia đình. Điều này sẽ giúp bé chuẩn bị tâm lý để đương đầu với cuộc sống thực tế.
Thay vì từ chối khi trẻ đòi hỏi, hãy giải thích cho bé hiểu ngân sách của gia đình không cho phép. Nếu gia đình bạn đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, mà vẫn cố gắng mua thứ mà con đòi hỏi nhưng không cần thiết, sẽ khiến bé có suy nghĩ không thực tế. Ngược lại, khi con hiểu về thực trạng kinh tế của gia đình, nghĩa là bạn đang hình thành những suy nghĩ đúng đắn về tiền bạc cho các con.
Không nên thưởng tiền cho con
Việc thưởng tiền cho con mỗi khi con làm tốt một việc là không cần thiết. Bởi khi đó trong con sẽ hình thành một quan niệm làm việc là để kiếm tiền chứ không phải để rèn luyện bản thân. Từ dó, trong quá trình trưởng thành, con sẽ đong đếm mọi thứ bằng tiền bạc. Điều đó đồng nghĩa với việc không có tiền thì con sẽ không làm.
Thay vào đó, bố mẹ có thể khen ngợi con một cách chân thành, chẳng hạn như trao cho con một cái ôm, hay chỉ đơn giản là một lời động viên con tiếp tục cố gắng., hoặc thưởng cho con một món quà (không có giá trị vật chất cao), một chiếc bánh mà mẹ tự tay làm để tặng con.
Hãy nhớ rằng sự tiêu tốn tiền bạc cho bé khi không cần thiết không thể khiến bé tiến bộ mà chỉ làm bé lười biếng, mà không chịu cố gắng.
Tạo điều kiện cho con kiếm tiền
Lúc tôi còn nhỏ, gia đình tôi bán hàng tạp hóa nên việc bố mẹ kiểm soát tiền là rất khó. Nhiều lần tôi mở tủ để lấy tiền mà mẹ không hề hay biết. Tuy nhiên, vào cái lần mà tôi bị mẹ bắt quả tang khi đang mở tủ lấy tiền, bà không la mắng mà đặt cho tôi câu hỏi: “Vì sao con tự ý lấy tiền ở quán mà không xin phép mẹ? Con có biết là cha mẹ kiếm tiền cực khổ như thế nào không?”.
Lúc đó, tôi rất giận mẹ vì bà có rất nhiều tiền mà không cho tôi.
Những ngày sau đó, mẹ bắt đầu nói cho tôi giá của từng món hàng và đưa ra yêu cầu tôi phải phụ mẹ bán hàng. Mẹ chỉ cho tôi biết số lợi luận từ việc bán hàng là rất ít, chẳng hạn như một hộp sữa mẹ nhập vào với giá 5.000/đ, bán ra 5.200đ, gói bim bim nhập 500/đ bán ra với giá 520đ/gói…. Nhưng, số tiền lời này mẹ phải chi trả cho tiền thuế, tiền hao hụt (vì có những mặt hàng không bán hết, hay hư hỏng…), tiền sinh hoạt hằng ngày, tiền cho chị em tôi ăn học, và biết bao những khoản khác...
Ban đầu, tôi không hiểu những điều mẹ nói. Nhưng sau đó, tiếp xúc với việc bán hàng, cộng với việc mẹ tôi luôn ở bên chỉ dẫn, tôi dần hiểu ra cách kiếm tiền rất khó khăn. Từ đó, tôi sống tiết kiệm hơn, mua những gì cần thiết, chứ không phải những gì mình thích.
Điều này giúp ích rất nhiều khi tôi vào Đại học, tôi biết cách chi tiêu hợp lý, ít gặp phải tình trạng ‘bữa đói bữa no’. Bên cạnh đó, tôi cũng biết cách tự kiếm tiền bằng những công việc và tiết kiệm được khoản tiền kha khá sau khi ra trường.
Từ những bài học của mẹ, từ bài học thực tiễn, càng làm tôi quý trọng đồng tiền hơn.
Trẻ con thường không hiểu hết được giá trị của đồng tiền.Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy dạy con về tiền bạc từ khi con nhỏ, bằng cách tạo điều kiện cho con kiếm tiền để giúp con hành trang trong cuộc sống, để con trưởng thành hơn.
dạy con, tiền bạc, làm mẹ, dạy con tiêu tiền, kỹ năng làm mẹ