Có rất nhiều điều các mẹ bầu có thể học và chuẩn bị trước khi sinh con nhưng cũng có những điều không sách vở, lớp học nào hay ai đó nói cho bạn biết về những điều người mẹ sẽ phải trải qua sau khi con chào đời.
1. Trước khi mổ, người mẹ có thể sẽ bị sốc và hoảng loạn
Vào thời điểm sắp
sinh con, tôi nghĩ mình đã sẵn sàng và cũng đinh ninh rằng tôi sẽ có hàng giờ để suy nghĩ cẩn thận về ca sinh mổ của mình trong lúc được đưa vào phòng mổ. Do đó tôi không hề có sự phòng bị hay chuẩn bị tinh thần nào cho những tác động liên tiếp sau khi họ nâng tôi ngồi dậy và gây tê ngoài màng cứng.
Tôi ngơ ngác nhìn xung quanh phòng mổ và các y tá đang tất bật chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho ca sinh, lúc ấy tôi mới sợ sệt nhận ra là mọi thứ sắp đâu vào đấy cả rồi và cũng không còn kiểm soát được cảm xúc của mình nữa. Mặt tôi biến sắc trắng bệch khi không còn nghe tiếng chồng hỏi rằng tôi có ổn không. Lúc ấy, tôi đã cố ngăn bản thân không hỏi đi hỏi lại mọi người rằng có thể chờ thêm nửa tiếng nữa hoặc hơn không để tôi có thể suy nghĩ thêm, tôi thực sự muốn điều đó nhưng cuối cùng đành nuốt sợ hãi vào trong và chỉ nói rằng “Tôi ổn và sẵn sàng”.
2. Sinh mổ không hẳn là giải pháp đỡ đau đớn hơn
Tôi đã không nghĩ về những đau đớn sẽ phải trải qua sau ca sinh mổ. Nó khác hoàn toàn với một ca sinh thường không sử dụng thuốc tác động. Đó là nỗi đau đớn đến tột cùng. Lần tắm đầu tiên sau sinh, cảm giác đau như có thể chết đi được từ vết mổ khi dòng nước tác động vào bụng mình khiên tôi gần như không thể chịu nổi. Hơn thế nữa, việc đứng thẳng người cũng chẳng khác gì cực hình vì khi đứng thẳng dậy các mũi khâu sẽ bị kéo căng ra thế nên trong nguyên một tuần sau ca phẫu thuật đó tôi chẳng khác gì một bà mẹ bị gù. Đó thực sự là khoảng thời gian rất tồi tệ.
Thực tế, không thể khẳng định điều này là đúng với tất cả mọi người. Tôi có những người bạn sau khi sinh con đã có thể tập đi bộ quanh nhà mà không bị đau đớn đến mức như tôi. Có thể do tôi chỉ là một bà mẹ yếu đuối hoặc những bà mẹ kia là siêu anh hùng.
Xoa bóp bụng có tác dụng rất tốt nhưng cảm giác thì không dễ chịu chút nào.
3. Có nhiều thứ chứ không phải chỉ là một đứa bé sẽ được đưa ra khỏi cơ thể mẹ
Tôi không hề biết rằng sau khi em bé, nhau thai ra ngoài thì vẫn còn nhiều thứ khác cần được đưa ra khỏi cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, các mẹ bầu đừng hoảng loạn, hãy yên tâm nằm đó dưới sự chăm sóc của y tá trong quá trình các bác sĩ thực hiện.
Một hiện tượng nữa là chảy máu, tôi bị chảy máu trong suốt mấy ngày liền thậm chí là cả tuần sau sinh. Vậy nên hãy chuẩn bị thật kĩ cả những đồ dùng sau sinh như băng vệ sinh, đồ lót, giấy thấm…
4. Xoa bóp bụng
Các y tá sẽ thăm khám thường xuyên để xoa bóp bụng và cả chỗ vết mổ của sản phụ. Thực sự là rất đau nhưng các y tá làm điều này để cho tử cung của sản phụ co lại, tránh trường hợp chảy máu dẫn đến tử vong. Mặc dù mục đích của họ chỉ muốn tốt cho các bà mẹ nhưng sự xoa bóp ở đây không mang đúng nghĩa như những gì tôi thực sự cảm nhận được. Mát-xa tử cung đáng lẽ phải mang lại tác động tích cực nào đó nhưng thực sự nó không phải là một trải nghiệm dễ chịu, hoàn toàn khác với dịch vụ xoa bóp tử cung ở spa.
5. Ngực không nở và ít sữa
Cả 2 con của tôi đều được nuôi trong lồng ấp - nên tôi ở trong phòng dưỡng sữa cho con. Tôi cứ đinh ninh mấy ngày đầu thì ngực chỉ có thể bé thế thôi nhưng đến ngày thứ ba, khi người dọn phòng đến, bà ấy nhìn vào bộ ngực lép của tôi sau đó đặt các ngón tay của bà lên đó và nói rằng: “Qúa ít sữa cháu ạ”. Từ đó tôi nhận ra việc cho con bú không hề dễ dàng như tôi đã nghĩ.
Tôi vẫn gặp rất nhiều vấn đề về việc cho con bú sau khi ra viện nên đã phải tìm đến các chuyên gia về vấn đề đó để được trợ giúp và họ nói với tôi rằng “Sẽ khá khó khăn đấy vì vú của bạn là vú phẳng”. Tôi chưa nghe đến khái niệm vú phẳng bao giờ và cũng chưa từng nghĩ là có những cái tên khác nhau cho các loại vú khác nhau. Các mẹ rút kinh nghiệm nhé, việc tìm hiểu những điều này trong thời kì mang thai để có giải pháp kịp thời trước thời kì cho con bú là điều vô cùng cần thiết.
6. Phải trung tiện được thì mới được ra viện
Đây là một vấn đề hết sức nghiêm túc để đảm bảo sức khỏe của
sản phụ. Điều này không dễ dàng đối với một người hay cảm thấy không thoải mái với người khác như tôi và chuyện để chồng, mọi người trong gia đình và các y tá đợi đến lúc mình có thể “xả hơi” là một tình huống không lí tưởng chút nào.
Thật kì quặc khi bình thường ai đó hỏi có phải bạn “xả hơi” thì câu trả lời tất nhiên sẽ là “không” nhưng còn ở bệnh viện nếu bạn cứ khăng khăng trả lời “không” thì sẽ không bao giờ bạn được ra viện đâu. Tôi đã từng phải đợi đến thời điểm “xả được hơi” để có thể trở về nhà.
7. Hãy nói lời tạm biệt với cảm giác gọi là “xấu hổ” đi
Đó là điều đã xảy ra với tôi sau khi
sinh con mà trước đó tôi chưa hề nghĩ đến. Trước khi có con, bản thân tôi vẫn còn có cái tính gọi là “xấu hổ” – là khi bạn quan tâm sẽ có ai đó nhìn thấy những điều kín đáo hay những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể nhưng cảm giác đó đã biến mất trong giây phút đặc biệt tôi được chăm sóc bởi một y tá trong thời kì
hậu sinh.
Cô y tá đó đưa tôi đến phòng tắm, giúp tôi đi vệ sinh và sau đó cô ấy ngồi xổm xuống ngay trước mặt tôi, dùng một loại dung dịch chuyên dùng cho tầng sinh môn để làm sạch vùng kín cho tôi. Khoảnh khắc đó đã khiến trong tôi có sự thay đổi sâu sắc. Nếu như là thời kì chưa có con thì giấy phút ấy có lẽ tôi đã hét lên nhưng giờ đây tôi sẽ chỉ cười và tự nhiên như không có chuyện gì cả.
Hầu hết các bà mẹ sẽ không còn biết tới sự xấu hổ khi ở bệnh viện nhưng đó là một điều tốt khi đã
làm mẹ. Thiên chức làm mẹ có nhiều điều phải quan tâm hơn là để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt có thể khiến bạn thấy xấu hổ như trước kia. Hãy bỏ qua những điều không đáng quan tâm và chú tâm vào những điều quan trọng mà các mẹ cần trân trọng.
(Nguồn: Scarymommy)