Mẹ & bé

Câu chuyện làm bạn với con siêu thú vị của bố Việt ở Áo

Từ một chàng trai trở thành một người đàn ông khi làm bố, hành trình trở thành bạn thân với con của ông bố trẻ này có thể giúp bạn học được rất nhiều điều.

Profile nhân vật:

 - Bố: Lê Đức Hùng, 29 tuổi, đang làm nghiên cứu tại đại học Kỹ thuật Viên (TU Wien). Sở thích: đi dạo, công nghệ, trò chuyện về triết lý sống, nhạc không lời.
 - Mẹ: Phạm Thị Như Trang, 27 tuổi, nội trợ tại nhà. Sở thích: kể chuyện, học ngoại ngữ, nấu ăn, nhạc trẻ vui tươi.
 - Bé: Lê Đức Dũng, 2 tuổi (10/10/2013), đi nhà trẻ. Nickname: bé Tôm. Sở thích: ô tô, tàu hỏa, bánh quy, chạy nhảy, trốn vào tủ, nhạc thiếu nhi có hoạt hình.
Hiện cả nhà đang sống tại thành phố Vienna, thủ đô Cộng hòa Áo. Bé Tôm được sinh ra tại Việt Nam và khi được 7 tháng Tôm cùng mẹ được đoàn tụ với bố ở Áo.

Cảm giác làm bố thật sự đến với bạn khi nào và như thế nào? 
- Cảm giác làm bố đến với mình là khi nhìn thấy hình ảnh bé trên ảnh siêu âm khi vợ mang bầu. Khi đó thật hạnh phúc vì biết rằng em bé đang lớn và đã ở đó. Đó là cảm giác muốn được chăm sóc và che chở cho mẹ và bé.
Nếu có thể tóm gọn một câu về cảm giác này thì mình nghĩ: "Cảm giác làm bố là sự thúc đẩy mạnh mẽ để biến suy nghĩ từ một chàng trai thành một người đàn ông". Tất nhiên đây là cảm giác muốn được trưởng thành hơn, vững chãi hơn, còn việc trở thành người bố tốt mình biết mình còn phải rèn luyện nhiều.
Bố Việt ở Áo 1
Trong clip "Bố là bạn thân của con" tham dự cuộc thi "Bố là tất cả" của chiến dịch "Bàn tay của bố - We are family 2015", có thể cảm nhận được là bạn dành rất nhiều thời gian cho con trong thường thì các ông bố không đủ thời gian dành cho con, ngại chơi với con, em nghĩ sao về điều này.
Do tính chất công việc, mỗi ngày mình chỉ dành được 1 tiếng buổi sáng và khoảng 2 tiếng buổi chiểu bên cạnh bé Tôm, cuối tuần thì nhiều hơn. Em nghĩ thời gian dành cho bé không bao giờ là đủ, tuy nhiên bố cũng không hề thiếu thời gian. Cảm giác không đủ thời gian, hay ngại chơi với con thường là do bố vẫn còn những thói quen của những "chàng trai".
Mình cũng vậy, trước kia lúc rảnh vẫn thường lướt web, chơi game, đi lang thang đến những nơi lạ. Tuy nhiên từ khi có bé Tôm thì những sở thích đó dần được bỏ, chuyển sang chơi cùng bé, nghĩ ra những trò mới mà bé thích. Thời gian tuy ít nhưng bé Tôm cũng rất quấn với bố và thích thú khi cùng chơi.
Bố Việt ở Áo 4

Bố Việt ở Áo 5
Theo bạn, thế nào là "bạn thân của con"?
- Thật thú vị vì mình dành khá nhiều thời gian để nghĩ ra tiêu đề này. Tuy nhiên sau đó lại nhận thấy có rất nhiều bài thi khác cũng có tiêu đề như vậy, và khiến mình nhận ra điểm chung của mình với nhiều ông bố khác. Quả thực tình cảm của các ông bố dành cho con không thể đem ra so sánh, và đều rất nhiều.
Theo mình bạn thân của con là khi bố mẹ hiểu được thế giới của bé và làm cùng với bé, khiến cho bé thấy mình được đồng hành. Khác với chỉ dẫn hay làm giúp, bạn của bé sẽ cùng bé làm để bé tự khám phá và bắt chước. Ưu điểm mình nhận thấy là bé trở nên rất năng động và phát triển nhanh do bé thấy an toàn và tự do, ngoài ra cũng dễ dàng dạy bé những thứ nên và không nên. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là bé luôn muốn bố hoặc mẹ ở bên và thi thoảng nhõng nhẽo những việc mà bé biết bố mẹ có thể làm giúp.
Bố Việt ở Áo 6
Việc nuôi dạy con ở nước ngoài có trải nghiệm gì thú vị không? Những khó khăn và thuận lợi mà bạn "tổng kết" được đến thời điểm này.
- Vì bé Tôm là bé đầu tiên, mình và vợ còn thiếu nhiều kinh nghiệm, và cuộc sống dường như thay đổi hoàn toàn. Việc làm cha mẹ ở một đất nước xinh đẹp như nước Áo mang đến cho cả nhà những trải nghiệm rất thú vị như:
 - Dân bản địa nhìn thấy bé Tôm thì rất quý, vì bé dễ thương, năng động và khác biệt.
 - Bé Tôm ảnh hưởng bởi đa ngôn ngữ: ở nhà nói tiếng Việt, đi học nói tiếng Đức, và hát theo tiếng Anh. Chúng em cố gắng dạy để bé Tôm giữ được đầy đủ các ngôn ngữ này, giống như 1 số trẻ em của gia đình Việt ở đây.
 - Bé Tôm mỗi ngày đều nói chuyện với ông bà nội, ngoại qua màn hình Skype.
 - Vợ chồng thường tham khảo kinh nghiệm trên các diễn đàn nuôi con, thay vì có sự giúp đỡ từ ông bà như khi còn ở Việt Nam.
Bố Việt ở Áo 7
Bố Việt ở Áo 8
Cùng với đó là những thuận lợi khiến cho việc làm cha mẹ của chúng mình đỡ vất vả đi rất nhiều như: môi trường sạch sẽ với nhiều công viên, giao thông tốt, đồ ăn cho bé đảm bảo; những dịch vụ cho mẹ và bé rất tốt, đi tiêm, khám miễn phí, bé được 1 chút trợ cấp.
Tuy nhiên không phải là không có những khó khăn, có những lần bé ốm, vợ chồng phải thay nhau thức đêm và dỗ bé ăn vất vả. Mùa đông năm ngoái bé lây cúm từ vườn trẻ và cả nhà đều bị ốm, là một giai đoạn thật khó khăn, cả nhà uống thuốc. Do không có họ hàng và hàng xóm ở bên nên bé quấn bố mẹ, có thể chơi với người lạ nhưng không cho ai bế. Rất khó khăn cô giáo ở vườn trẻ mới dỗ được bé. Ngoài ra còn có nỗi buồn vì xa nhà nữa.
Bố Việt ở Áo 3
Người khi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của hai bố con chắc là mẹ? Bạn chia sẻ với vợ những "gánh nặng" khi chăm sóc, nuôi dạy con như thế nào? Vai trò của bố - mẹ phân chia như thế nào trong gia đình?
- Người ghi lại những khoảnh khắc đó là mẹ của bé. Chúng mình không hướng theo những tác phẩm phim, ảnh chất lượng cao, mà chú trọng vào ghi lại những kỷ niệm đẹp, tác nghiệp nhanh và tùy hứng bằng 1 chiếc máy ảnh nhỏ. Đây cũng là cách mình cập nhật tình hình của bé cho ông bà ở Việt Nam có thể theo dõi. Bản thân mình sau khi ghi lại những clip đó cũng thường mở ra và tự xem lại, rất thích.
Việc chăm sóc bé Tôm đối với vợ mình thực sự khá vất vả, không hề kém người đi làm. Với bố cuộc sống thay đổi không quá nhiều, nhưng với mẹ thì sự thay đổi lại rất lớn. Từ cô gái trẻ, tốt nghiệp đi làm và được gia đình chăm sóc, vợ mình đã nhanh chóng trở thành người chăm sóc chính cho bố con và cả căn nhà. 
Bố Việt ở Áo 2
Trong gia đình mình là người lo về tài chính và những việc nặng bên ngoài (như các việc cần đi xa, giấy tờ thủ tục). Tại nhà mình cũng giúp những việc nhỏ như tã bỉm và chơi với Tôm. Vợ mình chủ yếu chăm việc ăn ngủ cho Tôm, đi chợ, nấu nướng và kế hoạch cho các việc gia đình. Mô hình này phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, tuy nhiên vợ mình vẫn tiếp tục học và trau dồi chuyên môn để đi làm khi bé Tôm lớn hơn. Khi đó mình sẽ kiêm thêm một số việc gia đình, ví dụ như đưa đón Tôm đi học.
Mình vẫn hay nói với vợ: giờ ở nhà ai cũng phải lao động, bé Tôm cũng có việc của mình. Một người trong nhà mà nghỉ là không được rồi.
Làm bố, khoảnh khắc khiến bạn xúc động nhất khi cùng con lớn lên đến thời điểm này là gì?
- Những khoảnh khắc xúc động là khi bé Tôm có thêm những điều mới. Đó là những lần đầu tiên khi bé mọc một chiếc răng, khi bé gọi bố mẹ, khi bé tự bước đi mà không cần dắt, khi bé biết chỉ từng đồ vật và đọc tên. Nhưng có lẽ xúc động nhất là khi em ra đón mẹ và bé Tôm tại sân bay, khi bế bé Tôm trên tay, ngửi mùi sữa của bé.
Bố Việt ở Áo 10

Bố Việt ở Áo 11

Theo bạn, bố có ảnh hưởng như thế nào đối với con?
- Theo mình, với con trai thì người bố là hình ảnh cho con noi theo. Bố thường ảnh hưởng đến cách mà trẻ xây dựng kỹ năng trong quá trình tìm hiểu thế giới: tính sáng tạo, sự kiên trì, tính kỷ luật, và cách tương tác với người khác (như sự tôn trọng, nhường nhịn bạn bè).
Tuy nhiên cũng nên nói về tính cách của người bố. Bản thân mình là người sống lạc quan dễ chịu, nên rất khó áp dụng các biện pháp cứng rắn (như dọa ông ba bị hoặc phạt bé), mà thường mềm mỏng hướng bé theo những quy tắc. Vì thế mình chọn cách làm bạn với bé, chứ không thể điều khiển bé. Phương pháp này cũng có điểm yếu là khi bé nhõng nhẽo sẽ hơi vất vả để xử lý. Do mẹ thường ở gần bé hơn và chủ yếu chăm sóc yêu thương và làm chỗ dựa tinh thần, mình tin là bố là người truyền cho bé những phầm chất (cả tốt lẫn xấu) trong cuộc sống.
Cảm ơn bạn rất nhiều và chúc gia đình luôn có thật nhiều niềm vui bên nhau.
Cùng chia sẻ những khoảnh khắc đáng yêu của bé Tôm qua ống kính của bố:
Bố Việt ở Áo 11

Bố Việt ở Áo 12

Bố Việt ở Áo 13

Bố Việt ở Áo 14

Bố Việt ở Áo 15
aFamily

bàn tay của bố, hot dad, bố là tất cả, bố chăm con, làm bố, hành trình làm bố


      © 2021 FAP
        1,312,850       638