Tình yêu hôn nhân

Khảo sát nàng dâu

Chuyện vợ con của anh Khiêm, tôi nhớ anh tôi cũng vài lần có bạn gái, nhưng không qua được “cửa” của mẹ để trở thành nàng dâu trong nhà.

Nhà tôi có hai anh em. Tôi 27 tuổi, có chồng từ 3 năm trước và đã có con. Còn Khiêm, anh trai tôi 36 tuổi, chưa thấy có mảnh tình nào, trong khi mẹ tôi luôn giục: Năm nay phải có dâu cho mẹ! 
Anh tôi chẳng nói gì, nhưng rồi một hôm chủ nhật, anh đưa người phụ nữ tên Thơm tới nhà. Anh thưa với mẹ: Đây là bạn gái của con. Ngập ngừng một chút mới tiếp: Nếu  em Thơm đồng ý thì con mời mẹ sang nhà em Thơm xin cưới.
Nghe Khiêm nói, mặt mẹ hơi biến sắc, nhưng rồi nhanh chóng, sởi lởi: Các con ưng nhau nhưng còn bố mẹ bạn con nữa chứ...
Chị Thơm mảnh mai, hơn tôi  khoảng 2 - 3 tuổi. Chị vận chiếc sơ mi ca rô và quần jean xanh lợt, dép quai sau cao 2 phân, tóc ngắn gọn gàng, mặt gần như không trang điểm. Trước khi ngồi với mẹ, chị nhấc rất nhẹ chiếc ghế xích ra và nói “xin phép bác”.
Lần này cửa vẫn khép hay rộng mở đây? 
Khảo sát nàng dâu 1
Việc “kiểm tra”, “sát hạch” chỉ dừng lại sau một lần nữa: mẹ giao cho chị Thơm một triệu đồng, bảo đi chợ mua đồ cùng và làm giỗ bà ngoại (Ảnh minh họa).

Mẹ nói như thả từng tiếng: để xem ngày, rồi đầu tháng sau ta sang bên các cụ. Có lẽ mẹ coi đây là việc cấp bách nên định thời gian có vẻ “sát sạt”. Thế  là phải, bạn gái mấy năm trước của anh tôi đều đã đi lấy chồng!
Mẹ tôi, một bà giáo về hưu, cởi mở nhưng kỹ tính. Đôi khi mẹ chuyển ý bất ngờ với người đối thoại. Hôm nay đang thăm hỏi chuyện chợ búa, cơm nước, mẹ lật sang thẩm vấn: Cháu có dùng vi tính không, có thường đi chùa không?
Ở ngoài hiên, tôi nghe rõ chuyện của hai người. Mẹ hỏi tiếp một câu “lạnh” người: Cháu đã hiểu kỹ Khiêm chưa, có tự tin mình đủ sức đi suốt cuộc đời với Khiêm không.
Ôi, sao hàng ngày mẹ tôi là người nhẹ nhàng tế nhị mà bây giờ “tung” ra câu thẩm vấn gai góc “dễ xa nhau” như thế. Nếu là Thơm, có lẽ tôi đã “chạy làng” rồi.
Thơm đối đáp ra sao, tôi lo cho chị quá. Thơm chậm rãi : Thưa bác cháu nghĩ  tình yêu chồng vợ có cả tình cảm và lý trí. Ăn thua là tình cảm và trí tuệ tương ứng của cả nam và nữ. 
Thì ra, Thơm cũng “đáo để” đấy chứ. Thật may, câu chuyện giữa mẹ và Thơm về sau có phần nhẹ nhõm, vui vẻ. Tôi hiểu, mẹ có ý định  “đi tới cùng” để giúp anh 
Khiêm của tôi, chứ không ác ý.
Nửa năm sau, mẹ làm lễ cưới cho anh Khiêm. Chị Thơm về làm dâu, ở chung nhà với chúng tôi.
Chấp nhận Thơm, đó là điều chắc chắn, nhưng “kiểm tra” và “thử thách” thì chưa hết đâu. 
Một tháng sau ngày Thơm về làm dâu, lựa ngày chủ nhật Khiêm đi dạy thêm, mẹ tôi đưa cả nhà sang bên bác hai, để mình chị coi nhà. Mười giờ sáng, một cặp vợ chồng vốn là nhà giáo, bạn của mẹ tới chơi. Chị Thơm gọi điện hỏi, mẹ bảo cứ mời  các bác ở lại. Buổi chiều bố mẹ về. Thì ra không phải một cuộc “đến chơi” ngẫu nhiên mà là do mẹ bố trí. Mẹ muốn “khảo sát” xem chị Thơm tiếp đón khách của mẹ ra sao.
Việc “kiểm tra”, “sát hạch” chỉ dừng lại sau một lần nữa: mẹ giao cho chị Thơm một triệu đồng, bảo đi chợ mua đồ cùng và làm giỗ bà ngoại. Chỉ sau lần này, Thơm mới không còn bị sát hạch, khảo sát gì nữa.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,283,665       373