Tình yêu hôn nhân

“Tôi sợ lắm cái ngày nhà chồng tìm đến đưa con đi”

Sợ nhà chồng đến đòi lại con, cô gái trẻ Lê Thị Th. phải giấu biệt mọi tung tích, thay số điện thoại, khóa facebook để có thể yên ổn sống và kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ dại.

Mới 22 tuổi đời, nhưng những gì Lê Thị Th. trải qua gần 5 năm hôn nhân đủ khiến những người phụ nữ cứng cỏi nhất cũng phải rơi lệ.
Lấy chồng vì khát vọng giàu sang
Lê Thị Th. sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng quê nghèo khó thuộc xã TS, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Sống trong cảnh nghèo, sớm thấu hiểu nỗi vất vả cùng cực của bố mẹ, Th. không ít lần đã phải cắn chặt môi nén tiếng khóc vì tủi phận trước chúng bạn về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Ngay từ nhỏ, Th. đã ý thức chuyện phải nỗ lực làm giàu để sớm chạm tới giấc mơ đổi đời.
Khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, một cuộc gặp gỡ đã thay đổi số phận cô gái trẻ. Th. gặp Dương Văn S. khi anh về làm việc tại dự án thủy điện ngay sát cạnh nơi cô sống. “Anh ấy quê Vũng Tàu, hơn em 5 tuổi. Em thấy anh ấy gọi ông giám đốc tại nơi anh ấy làm việc là cậu ruột nên cũng có phần để ý. Thế rồi anh ấy tán tỉnh em. Hàng ngày, anh ấy đều đặn nhắn tin cho em, không lần nào quên kèm theo câu: 'Lấy anh nha bé!'. Lúc ấy em chỉ ngây ngô nghĩ anh ấy sẽ chẳng khi nào như bố em, chú em hay bác em bảo thủ và khó tính. Còn em sẽ được chiều chuộng giống như một bà hoàng. Nghĩ thế nên anh ấy tán tỉnh em chưa được bao lâu, em đã gật đầu đồng ý làm vợ anh. Em chỉ nghĩ đơn giản là cứ quen nhau đã rồi từ từ tính. Ai ngờ ngày hôm sau, mẹ anh ấy ra Bắc thăm nhà em thật, cả nhà em ai cũng ngỡ ngàng” - Lê Thị Th. kể lại.
Sau vài tháng quen biết, cô gái Lê Thị Th. gạt hết biết bao ước mơ, khát vọng tuổi trẻ để lấy chồng với mong ước sẽ thoát khỏi cảnh quê nghèo khó, đợi sau này khấm khá sẽ quay trở lại đỡ đần cho gia đình. Nhưng bất hạnh thay, cuộc sống lại chảy theo một hướng không hề như cô mong muốn. “Đến khi lấy chồng rồi, em mới nhận ra là cuộc đời này không phải chỉ một màu hồng như em tưởng tượng. Nhưng lúc ấy thì đã muộn. Em nhớ ngày em cưới, mẹ em khóc cạn nước mắt. Mẹ em bảo em quá bồng bột để lấy chồng, em cũng biết mẹ lo cho em nhiều lắm. Nhưng tính ương bướng trẻ con của em đã thắng, có ai lấy chồng trong sự lo lắng của bố mẹ như em không?” - Th. cười buồn bã.
“Tôi sợ lắm cái ngày nhà chồng tìm đến đưa con đi” 1
Th. trở thành cô dâu ở tuổi 17 vì khát khao được đổi đời.
Sau đám cưới, vợ chồng trẻ ở lại quê vợ để S tiện làm việc. Th. kể ngày đó, sống như một bà hoàng vì được chồng yêu chiều hết mực, đi đâu ra ngoài cũng chỉ toàn được mọi người khen ngợi Th. tốt số, lấy được chồng hiểu tính, lại rất biết chiều chuộng vợ. Mẹ Th. khi thấy con rể chăm chỉ, lại quan tâm tới con gái thì cũng yên lòng dần. 
Cuộc sống yên ả trôi đi đến khi Th. có bầu con trai đầu lòng. Sinh bé được gần 1 năm thì S thông báo với cả nhà sẽ chuyển về Vũng Tàu sinh sống. Th. nghe lời chồng và cũng háo hức khi nghĩ tới viễn cảnh làm dâu xứ khác sẽ được “ăn sung mặc sướng” nên cũng đồng ý. Cô nào biết được đó chỉ là khởi đầu cho cuộc sống đầy cay đắng và nghiệt ngã sau này.
Vết trượt dài dưới lớp vỏ bọc hạnh phúc
Từ ngày vào nhà chồng sinh sống, sung sướng chưa thấy đâu, Th. đã ngỡ ngàng khi phát hiện ra chồng mình là một con nghiện đập đá, ăn chơi sa đọa. S thường xuyên tụ tập cùng đám bạn tại các quán bar, vũ trường để thỏa mãn cơn nghiện. 
Hóa ra ngày trước anh nói với em mỗi lần về quê tốn nhiều tiền lắm là có lý do như thế này đây. Em khóc, khuyên bảo rồi làm tất cả những gì có thể chỉ mong chồng thay đổi nhưng chỉ khiến mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn. Chồng em bỏ việc, nếu không ở nhà thì lại lang thang đi chơi. Em chỉ biết ôm đứa con nhỏ và khóc. Nơi xứ người thực sự em không biết phải kêu ai, nói với nhà chồng thì sợ chồng quậy phá. Nói với bố mẹ đẻ thì càng không thể” - Th. nén tiếng khóc uất nghẹn.
Suốt một thời gian dài, Th. sống trong lớp vỏ bọc hạnh phúc bên chồng con, nhưng sâu thẳm là nỗi lo sợ và hoang mang về tương lai. Tự ti về hoàn cảnh của mình, Th. giấu nhẹm chuyện nghiệp ngập của chồng và cắn răng chịu đựng. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, càng ngày S càng lún sâu thêm vào vòng xoáy tội lỗi.
“Tôi sợ lắm cái ngày nhà chồng tìm đến đưa con đi” 2
Cô con gái nhỏ của Th. mắc căn bệnh hở van tim bẩm sinh.
Chồng em chơi đá ngày càng thường xuyên hơn rồi anh phê đá, cười khóc, la hét, đập phá hết tất cả đồ đạc trong nhà. Hàng xóm chạy tới can ngăn thì anh cầm dao đuổi khiến ai cũng sợ, không còn dám lại gần. Tivi, tủ lạnh, máy giặt… có bao nhiêu đập hết bấy nhiêu, rồi chồng em đốt xe máy. Em không còn nhớ nổi chồng đã phá bao nhiêu thứ trong nhà nữa. Chỉ biết rằng có thứ gì anh ấy cũng lôi ra đập cho bằng hết. Đến nước cuối cùng, chồng em bán cả nhà để mẹ con em phải ra đường” - Th. u uất kể lại.
Không còn chốn nương thân, Th. ôm con về quê ở tạm nhà bố mẹ đẻ. Mọi tin tức về hai mẹ con, cô giấu biệt mọi với nhà chồng. Khi ấy cô còn đang mang trong mình cái thai 2 tháng. Chưa biết tương lai sẽ về đâu thì Th. như ngã gục khi nghe bác sỹ thông báo cô mang thai đôi, một thai đã chết lưu, cái thai còn lại thì chưa chắc đã giữ được, chỉ có 50% hy vọng.
Em như ngất đi trên giường siêu âm. Từ phòng khám về nhà 30 km, em đi như một cái xác không hồn. Hôm sau em đi hết bệnh viện tỉnh rồi lên bệnh viện tuyến TW để khám, chỉ mong giành giật sự sống cho đứa con còn lại. Đến chỗ nào người ta cũng chỉ trả lời một câu giống hệt nhau, em nhủ thầm là còn nước còn tát. Đến tháng thứ 6, bác sỹ thông báo thai có vấn đề, con em bị hở van tim. Em vẫn kiên nhẫn đi lại thăm khám đều đặn. Ông trời cũng thương em, bác sỹ nói không phải đình chỉ thai nhưng sức khỏe của con sau này sẽ yếu và phải khám liên tục, nếu có gì bất trắc sẽ phải tiến hành mổ tim. Em chấp nhận hết, miễn là được sinh con ra. Em sinh con đến nay được 6 tháng rồi” - Th. kể.
6 tháng vừa qua, một mình Th. tự lo sinh đẻ, tự chăm con. Gia đình khó khăn, mẹ Th. phải đi làm thuê ở xa để lo kinh tế gia đình. “Bố mẹ hiểu em có nỗi khổ riêng nên không hỏi nhiều. Lần nào hỏi đến em cũng chỉ khóc” - Th. kể. 
Tuy thiếu thốn nhưng ở quê mọi người sống giản dị, lại được ở bên gia đình, Th. cũng thanh thản phần nào vì không còn phải đối diện với chồng nghiện ngập quậy phá. Điều khiến Th. lo nhất bây giờ không phải là chuyện miếng cơm manh áo mà sợ một ngày nào đó gia đình chồng sẽ ra Bắc để đem con đi. 
Giờ ba mẹ con em bươn chải sống qua ngày, em khổ tâm lắm. Em không lo được đầy đủ quần áo và đồ ăn uống cho các con. Em cũng không dám kêu ca hay than thở với ai vì sợ nhà chồng biết. Nếu nhà chồng biết được mẹ con em ở quê thì sẽ to chuyện. Lúc nào em cũng sợ gia đình chồng sẽ ra Bắc và đem con em đi. Em thay số điện thoại, thay đủ mọi thứ để không ai biết tới mẹ con em mà theo dõi nữa” - Th. nói trong lo sợ.
Nghĩ tới cuộc sống tương lai, Th. rầu rĩ nói mặc dù trong lòng vẫn canh cánh về bệnh tình của con gái nhỏ nhưng điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc nhất hiện giờ là được ở bên cạnh hai đứa con. Cô coi đó là động lực để tiếp tục sống. “Em thương nhất là con gái em, nó thiếu thốn thiệt thòi đủ điều nhưng cho đến giờ em không hối hận. Em nghĩ nhiều lắm rồi, con em sẽ có tuổi thơ yên ổn hơn khi không có bố. Đợi con cứng cáp, em sẽ cố gắng tìm việc ổn định và nuôi con em khôn lớn. Chỉ mong sao con khỏe mạnh là em thấy hạnh phúc lắm rồi. Đời em coi như đã kết thúc, nhưng đời con em thì nhất định phải khác” - Th. nói về động lực giúp cô nỗ lực suốt thời gian qua.
Thu Hương
aFamily

      © 2021 FAP
        1,209,785       1,476