Hằng ngày, các loại thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng… ở trong nước cũng như thế giới luôn nhan nhản ở khắp nơi và được thông tin trên các trang mạng. Người dân hình như đã không còn “mẫn cảm” với các thông tin đó nữa.
Tự phong trái cây nhập khẩu “xịn”
Trái cây Trung Quốc đến nay đã bị các bà nội trợ tẩy chay. Để yên tâm hơn, người tiêu dùng đã chấp nhận bỏ ra những khoản tiền lớn để mua trái cây Australia, Mỹ, New Zealand... Nhưng mới đây có thông tin từ đầu năm tới nay, VN chưa hề nhập hoa quả từ Australia và New Zealand đã khiến nhiều người “bổ ngửa”. Hóa ra tốn một đống tiền mà vẫn mua hoa quả Trung Quốc gắn mác Australia, Mỹ, New Zealand... Ngay sau khi có thông tin này, một lãnh đạo của cơ quan có trách nhiệm về nhập khẩu hoa quả đã lên tiếng khẳng định: VN có nhập một lượng lớn hoa quả từ Australia và New Zealand.
Từ chuyện này đã nảy sinh hoài nghi: Hoa quả mác Tây đang bán đầy rẫy ngoài thị trường có bao nhiêu phần trăm là “xịn”? Có lẽ vì lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh hoa quả Tây, nên không chỉ tại các siêu thị lớn, nhỏ mà các shop hoa quả nhập khẩu mở ra nhan nhản. Thậm chí các sạp hoa quả cũng đầy rẫy trái cây gắn mác ngoại. Người tiêu dùng tìm mua các loại trái cây ngoại với niềm tin đó là hoa quả nhập ngoại xịn.
Nhưng lấy gì để đảm bảo 100% đó là hoa quả nhập chính gốc từ “trời” Tây khi mà thỉnh thoảng qua thanh, kiểm tra tại một số siêu thị, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít các loại hoa quả có nguồn gốc không rõ ràng. Thậm chí có siêu thị nhập hoa quả Mỹ, Australia... từ chợ Long Biên (chợ bán buôn hoa quả lớn nhất Hà Nội). Nhiều bà nội trợ đã so sánh hoa quả từ các chợ, các cửa hàng, không dán nhãn, chỉ được người bán tự giới thiệu là “made in USA” hay là “made in Úc” với hoa quả giống hệt thế tại các siêu thị thì giá bán chênh nhau đến vài chục nghìn đồng/kg. Nhân viên siêu thị giải thích đó là hoa quả “xịn” có dán nhãn trên từng quả táo, quả cam... Sự nhập nhèm ngày một phổ biến này đã khiến người tiêu dùng chỉ biết than phiền và mất lòng tin.
Thực phẩm bẩn luôn hiện diện
Với công tác quản lý như hiện nay, thì không chỉ có hoa quả, mà bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể chứa hóa chất quá hàm lượng cho phép, hoặc không vệ sinh, có thể gây hại cho sức khỏe. Từ thịt, cá, rau, củ, cho đến bánh kẹo, nước ngọt... tất tần tật đều tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe.
Những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh trung thu đang vào mùa làm ăn. Để có lãi cao, chủ các cơ sở này không ngần ngại mua các loại nguyên liệu rẻ tiền có sẵn tại chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm... để làm bánh. Thông tin kẹo mềm, kẹo sữa chua có nguồn gốc Trung Quốc nhiễm melamine cũng mới được phát hiện. Tại các siêu thị, mặt hàng rau sạch không rõ nguồn gốc, thịt bò, thực phẩm đông lạnh thiếu thông tin trên tem mác như hạn sử dụng, nguồn gốc; một số sản phẩm rau củ quả tươi, thịt nhập khẩu có hiện tượng kém chất lượng, quá hạn sử dụng...
Ngay món dưa, cà muối thân quen với mỗi bữa ăn cũng đang trở thành hiểm họa. Các tiểu thương chỉ cần dùng 2 thìa nhỏ loại phụ gia axit chanh là có thể tạo độ chua, ngon cho dưa, cà muối trong khoảng thời gian “siêu tốc”. Không những thế, tiểu thương còn sử dụng thùng đựng sơn để chế biến, bảo quản dưa, cà muối, gây độc nguy hiểm cho sức khỏe, dù đã được cảnh báo.
Để chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân, thời gian gần đây Cục An toàn thực phẩm đã rất ráo riết yêu cầu các sở y tế, các bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, chỉ khi các thông tin cảnh báo thực phẩm mất an toàn của các nước đưa ra, hoặc báo chí phát hiện thì việc thanh kiểm tra, kiểm nghiệm mới được thực hiện thì e rằng người dân đã ăn vô khối thực phẩm bẩn vào người mới hay biết đến việc ăn nhầm thực phẩm không an toàn.