Ở cái tuổi “ gần đất xa trời”, lẽ ra ông Quý và bà Tâm phải được sống một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên con cháu, ấy vậy mà cảnh đời éo le vẫn đeo bám cặp vợ chồng già khi mà phải nuôi 4 người con điên và một đứa cháu thơ.
4 người con "cứ đến tuổi thanh xuân lại tâm thần, điên dại"
Buổi chiều hôm ấy, tôi tìm về thôn Thanh Nghĩa - xã Đồn Xá - huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam, đến gặp gia đình ông Trần Đình Qúy (sinh năm 1947) và bà Ngô Thị Tâm (sinh năm 1944). Ngôi nhà ẩm thấp nằm sâu trong con ngõ nhỏ, không gian tối tăm được thắp sáng bởi duy nhất một bóng đèn quả nhót màu vàng. Cuộc nói chuyện diễn ra trong một bầu không khí yên ắng thỉnh thoảng lại có những âm thanh não nề phát ra từ phía buồng trong.
Theo như lời kể của ông Quý, ông bà lấy nhau khoảng năm 20 tuổi, sau đó lần lượt sinh được 4 người con: Trần Đình Hóa (sinh năm 1970); Trần Thị Hường (sinh năm 1973); Trần Thị Hưởng (sinh năm 1977); Trần Thị Thảo (sinh năm 1987).
Cuộc sống vốn đã nghèo khó, ngoài mấy sào ruộng ra, hàng ngày ông bà vẫn thường kiếm sống nuôi con bằng nghề kéo cá, mò cua, bắt ốc. Những tưởng khi các con lớn khôn, ông bà sẽ được cậy nhờ tuổi già, nào ngờ... Ông Quý ngoảnh mặt lại phía sau, nhìn cậu con trai mình rồi thở dài não nề: “Trước đây thằng Hóa nó thông minh lắm, cái gì cũng biết. Công việc trong nhà nó giúp đỡ vợ chồng tôi nhiều. Rồi khi con lớn, lo chuyện dựng vợ cho con. Ngay khi vợ chồng nó sinh con đầu lòng thì Hóa mắc bệnh. Nhìn chồng lúc tỉnh lúc mê, vợ nó chán nản ôm con bỏ nhà đi, không về nữa”.
Anh Hóa là con trai cả của gia đình ông bà, những lúc tỉnh anh vẫn phụ một tay với bố mẹ, các em gái trong việc dọn dẹp, nấu ăn, đánh cá. Thế nhưng những khi không kiểm soát cơn điên của mình, anh lại đi phá phách đồ đạc, đập tượng, phá cột điện,…
Bà Tâm - mẹ anh khóc ròng: "Nhiều khi con lên cơn, nó hay đập phá lung tung, thậm chí còn đánh cả tôi. Đau lắm nhưng tôi không biết phải làm sao? Chỉ biết đứng lặng, nhìn con khóc, rồi chịu đựng”.
Đau khổ nối tiếp đau khổ khi người con trai cả mắc bệnh chưa được bao lâu thì 3 người con gái còn lại của ông bà cũng đều lần lượt chịu chung một số phận "cứ đến tuổi lại tâm thần, điên dại".
Bà Tâm chia sẻ: "Các con tôi bỗng dưng mắc bệnh ở độ tuổi “thanh xuân”, họ chỉ suốt ngày cười, khóc, nói năng lảm nhảm và phá phách". Bà Tâm kể về những người con điên, mà nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt khắc khổ, hằn sâu những nếp nhăn, bà nói: “Ngày nào cũng phải có thuốc cho các con. Mất hàng chục viên thuốc mỗi ngày cho 4 đứa uống. Thuốc thang thì đắt đỏ mà bệnh tình thì không thấy thuyên giảm”.
Khi nhắc tới tình cảnh của chị Hường, ông Quý bà Tâm lại nghẹn ngào: "Tội nghiệp con bé, nó ngây ngô khờ dại, lủi thủi một mình một xó và cứ bỏ nhà lang thang khắp nơi bất cứ lúc nào. Một lần con bé không may bị thằng sở khanh vào làm nhục khiến nó mang thai. Lúc đó trời tối, đèn thì không có, cảnh thân già nên tôi không biết được tên khốn đó là ai. Đau khổ lắm! Thương con nhưng không biết phải làm thế nào, đành để nó sinh đứa bé ra."
Bây giờ cháu bé đang chuẩn bị vào lớp 4. Tuy khó khăn, không được bằng bạn bằng bè, nhưng được cái bé ngoan ngoãn, học giỏi, biết vâng lời.
Ở cái tuổi này, ông bà vẫn phải làm lụng vất vả kiếm bữa cơm qua ngày cho đàn con lớn mà không khôn
"Làm sao có thể yên lòng nhắm mắt"?
Cảnh nhà khốn khó, thiếu thốn đủ bề, ngoài vài sào ruộng cày cấy ra, bà Tâm còn phải cóp nhặt, bươn trải, tằn tiện từng ly từng tý để có được bát cơm, bữa cháo nuôi cả nhà. Được biết ông Quý cách đây khoảng 3 năm, trong lúc đưa cháu đi học thì bị tai nạn, ngã gãy chân. Giờ tuy chân đã lành hơn nhưng việc đi lại của ông cũng khó khăn và không thể làm việc nặng được nữa.
Nhưng vì các con và gia đình, hàng ngày ông vẫn phải lặn lội ra đồng, kiếm nhặt từng con ốc bươu vàng mang về bán đổi lấy bát gạo, mớ rau để phụ giúp thêm cho người vợ tần tảo. Giờ tuổi cao, ông bà cũng mắc nhiều căn bệnh như tim mạch, thấp khớp… nhưng vì lo cho các con và cháu nên ông bà phải cố gắng gồng mình chịu đựng. “Chúng tôi canh cánh một điều trong lòng đó là sau này khi chết đi thì ai sẽ là người nuôi 4 đứa con dại và 1 đứa cháu bé bỏng của mình đây. Làm sao tôi có thể yên lòng nhắm mắt đây"...
Bác Hà, người hàng xóm sống gần gia đình ông bà Quý Tâm cho biết: "Ở đây có hoàn cảnh nhà ông bà ấy là khổ nhất. Già yếu như vậy mà vẫn chưa được nghỉ ngơi, phải làm việc quần quật hàng ngày cả ngày mưa to lẫn nắng gắt. Bản thân ông bà lại đang mang bệnh, không biết còn cố được đến khi nào nữa? Chúng tôi là hàng xóm thì cũng chỉ giúp đỡ, chia sẻ được phần nhỏ bé nào thôi. Chúng tôi rất mong mọi người chung tay giúp đỡ cho cuộc sống của gia đình họ".
Ông Nguyễn Viết Đại, Trưởng thôn Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá, cho biết: "Trường hợp gia đình ông bà Quý Tâm chắc có 'một không hai'. Gia đình họ thuộc diện khó khăn nhất của xã chúng tôi từ bấy lâu nay. Bản thân ông bà Quý Tâm sinh được 4 người con, đến ngày những tưởng được cậy nhờ thì cả 4 đứa đều bị tâm thần. Mảnh đất mà ông bà đang ở cũng được anh em chòm xóm giúp đỡ xây dựng cho, chứ ngày trước cả nhà họ sống trong túp lều lụp xụp đầu ngõ".
Có tận mắt chứng kiến cuộc sống của gia đình ông bà Quý, Tâm thì mới thấu hiểu được nỗi đau chen lẫn sự lo toan nhọc nhằn mà cảnh già như họ vẫn phải gánh chịu.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Ông Trần Đình Quý - bà Ngô Thị Tâm - thôn Thanh Nghĩa- xã Đồn Xá- huyện Bình Lục- tỉnh Hà Nam. |
Bài và ảnh: Hồng Hạnh