Đời sống

Đề án HS lớp 1,2,3 dùng máy tính bảng: Chưa lường hết tiêu cực

Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo giới thiệu về đề án “Sách giáo khoa (SGK) điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3”, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại cho sức khỏe và việc học tập của con em mình.

Theo đề án mà Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra ngày 18-8, sẽ có 60% học sinh (HS) lớp 1, 2, 3 tại TP.HCM học với máy tính bảng cá nhân đã tích hợp chương trình SGK trong phòng học được trang bị các thiết bị tương tác hiện đại khác. Giáo viên sẽ quản lý máy tính bảng của HS thông qua các phần mềm tương tác, qua đó thấy được thao tác, phần bài tập của từng em.
Việc sử dụng SGK điện tử nhằm làm giảm chi phí ấn hành, xuất bản, giảm mua sắm cho phụ huynh và giảm mang vác cho trẻ nhỏ, đồng thời mang lại nhiều tiện ích trong học tập như các nguồn tài nguyên trên mạng, khả năng tương tác, nắm bắt hình ảnh tại chỗ...
Tuy nhiên để lứa tuổi đầu cấp tiểu học sử dụng máy tính bảng xuyên suốt quá trình học tập lại là điều khiến các bậc phụ huynh cũng như chuyên gia về tâm lý, giáo dục lo lắng.
Đề án HS lớp 1,2,3 dùng máy tính bảng: Chưa lường hết tiêu cực 1
Trẻ sử dụng máy tính bảng thường xuyên sẽ có hại cho sức khỏe - Ảnh: Như Hùng

“Là một phụ huynh cũng với mong muốn cho con sớm được tiếp cận thiết bị công nghệ nên từ năm lớp 6 tôi đã mua cho cháu máy vi tính và một máy tính bảng để tiện mang theo khi cần sử dụng. Không thể phủ nhận hiệu quả máy tính bảng mang lại cho học sinh nên tôi cũng hiểu được những mong muốn mà các nhà làm giáo dục đặt ra.

Tuy nhiên theo thiển ý của cá nhân, tôi cho rằng ở độ tuổi lớp 1, 2, 3 chưa cần thiết để trẻ sử dụng máy tính bảng. Và như báo chí đã nêu: “Sẽ rất nguy hiểm khi triển khai trên diện rộng rồi sau đó mới đánh giá, vì lúc đó cả một thế hệ trẻ tiểu học đã bị “thí nghiệm””.

Điều dễ nhận thấy nhất là các cháu học cùng lớp và ngay chính con tôi đã bị tật cận thị trong khi bố mẹ và gia đình không ai bị cận. Có thể tôi và ba mẹ các cháu cùng lớp đã thiếu quan tâm chăm sóc và hướng dẫn con sử dụng máy tính bảng.

Nhưng có ai dám chắc rằng sẽ không có ai giống như tôi, trong khi cả ba lẫn mẹ đều chỉ có thời gian gần gũi con cái vào buổi tối trong ngày” - một bạn đọc tên Phan Dũng viết.

Tật về mắt, thừa cân béo phì và hơn thế nữa

Không phủ nhận tính tiện lợi, nhanh nhạy, gọn của máy tính bảng đối với bất cứ ai (ngay cả trẻ em) nhưng bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Doãn Thành (khoa sức khỏe trường học, Viện Y tế công cộng TP.HCM) cho rằng ngay cả giới khoa học và các bác sĩ lâm sàng cũng không lường trước mặt tiêu cực khi thay thế SGK in hoàn toàn bằng máy tính bảng.

Vì máy tính bảng chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây nên ngay cả các nhà khoa học cũng chưa đủ thời gian kiểm chứng được tác dụng này tác hại rõ ràng của nó.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Doãn Thành, cách mà máy tính bảng tác động đến học sinh cũng giống như máy tính thông thường (nó chỉ nhỏ hơn và thông minh hơn, chiếm diện tích ít hơn) nên dùng thời gian liên tục sẽ hại sức khỏe. Lứa tuổi mà Sở GD-ĐT TP.HCM dự định triển khai SGK điện tử từ lớp 1-3 (tương đương từ 6-9 tuổi), rất khó kiềm chế với loại thiết bị thông minh, tiện dụng như máy tính bảng nên dễ sinh ra nghiện.

Lo lắng hơn, khi dùng máy tính bảng để đọc sách, làm bài tập liên tục khiến mắt điều tiết quá mức, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe thị lực (điều này đã được ghi nhận qua tỉ lệ học sinh bị tật về mắt ở TP tăng cao do máy tính, phòng học không đủ sáng, xem nhiều tivi...). Khi thay SGK bằng máy tính bảng, các thao tác chủ yếu là quẹt, nhấn nút... lúc nào học sinh cũng như “dính” chặt với chỗ ngồi, với thiết bị dẫn đến việc các em ít vận động.

Học sinh TP hiện nay đã dư tỉ lệ thừa cân béo phì, nếu cộng thêm việc “bám riết” vào máy tính bảng thì tỉ lệ thừa cân béo phì chắc chắn tăng lên nhanh hơn. Học với tư thế nhìn hoài vào máy tính bảng cũng dễ dẫn đến ngồi sai tư thế, cong, vẹo cột sống...

Sức khỏe tâm lý: ẩn số

Sức khỏe tâm lý còn là ẩn số khó tìm hơn nếu đề án SGK điện tử được thông qua. Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết (trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) dẫn một nghiên cứu ở Anh mới được công bố cho biết: “Việc sử dụng máy tính bảng trong nhà trường ảnh hưởng đến khả năng đọc sách của học sinh.

Theo đó, những trẻ có sử dụng máy tính bảng thì khả năng đọc sách yếu hơn những trẻ không sử dụng thiết bị này. Những ảnh hưởng khác từ máy tính bảng chưa được công bố nhiều, rộng rãi nhưng với lứa tuổi từ nhỏ (dưới 12 tuổi), nhiều nước đã có những khuyến cáo về việc tiếp xúc với thiết bị điện tử, màn hình tivi.

Hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết để trẻ phát triển bình thường, dưới 2 tuổi thì không cho xem tivi, màn hình điện tử (0 giờ/ngày), 2-6 tuổi mỗi ngày được xem 1 giờ, 6-12 tuổi 2 giờ.

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết phân tích: “Tuổi đó cần sự tương tác giữa người với người để học. Nếu chỉ xem tivi sẽ chậm phát triển, đặc biệt kỹ năng, khả năng giao tiếp với mọi người sẽ kém. Không cần nghiên cứu cũng biết rằng nếu học sinh này tương tác với học sinh kia qua máy tính bảng mà không dùng lời nói thì khả năng tương tác bằng lời nói rõ ràng sẽ yếu dần".

"Nếu cô giáo dạy học sinh thông qua máy tính bảng, học sinh tự động nhận được trên máy tính bảng và trả lời bằng cách chấm trên máy, giữa các giờ đó có sự ghép các giờ học khác thì được. Còn nếu mỗi trẻ một góc, cứ giao tiếp bằng cách gõ gõ, tất cả đều thông qua máy tính bảng thì rõ ràng việc giao tiếp với người ngoài của những học sinh đó sẽ hạn chế”.

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Thành, trước khi quyết định thay thế SGK bằng máy tính bảng, cơ quan quản lý giáo dục cần “tập huấn”, nói rõ cho thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh hiểu được những mặt trái, mặt tiêu cực của máy tính bảng đối với sức khỏe.

Vì cả xã hội đều mong muốn trẻ em thông minh, tiến bộ nhưng để đổi một đầu óc nhanh nhạy trong một thể chất yếu ớt, bệnh tật thì không thể được. Học với máy tính bảng, thay thế SGK bằng máy tính bảng đang là “mốt” ở ta nhưng thật ra không có cái gì là “siêu việt”, ghê gớm ở thiết bị này cả.

Theo mô hình trường học nâng cao sức khỏe của thế giới, máy tính bảng là một góc của công cụ bên cạnh nhiều công cụ đa dạng, phong phú khác. Nếu xếp máy tính bảng vào một góc để đào tạo, làm quen thì được, còn thiết kế để thay thế, để “đọc sách” trên đó thì không ổn với sức khỏe học sinh.

Mô hình trường học quốc tế đa dạng, học sinh được thiết kế học trong môi trường tự nhiên, nhiều trò chơi, nhiều dạng sinh hoạt khác nhau, chú trọng các câu lạc bộ, hoạt động thể lực, hoạt động nhóm tăng sự năng động, tương tác để chia sẻ, để vui và để phát triển trí tuệ, thể chất.

Hiện nay trường học của mình đã thiếu các hoạt động này, giờ lại thêm máy tính bảng vào thì... không lường trước được học sinh chúng ta sẽ ra sao?

aFamily

      © 2021 FAP
        3,847,428       376