Euro 2016

Bán lẻ: Thị trường là chiến trường

Sự kiện Parkson Hà Nội đột ngột đóng cửa và chỉ cho tiểu thương vỏn vẹn 2 ngày (3 và 4-1) để dọn ra khỏi trung tâm thương mại tại tòa nhà Keangnam Landmark đang gây chú ý

Mở cửa hội nhập là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) vươn lên bứt phá nhưng cũng tạo ra nhiều áp lực. Sau hàng loạt vụ mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra năm 2014, dự báo xu thế M&A sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm 2015. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang hình thành những đối thủ nặng ký, lăm le chia lại thị phần.

Ế nhưng hấp dẫn

Hiện có nhiều đồn đoán xung quanh việc thua lỗ trong 1 năm hoạt động của Parkson Hà Nội, tình trạng ế ẩm kéo dài của cả hệ thống 9 Parkson trên cả nước cũng như hiệu quả hoạt động của nhà bán lẻ lớn đến từ Malaysia tại Việt Nam trong những năm gần đây. Thông tin chính thức được Tổng Giám đốc Parkson Hà Nội Tiang Chee Sung đưa ra cho biết trung tâm này chưa bao giờ đạt doanh thu như kế hoạch nên phải đóng cửa.

Parkson Hà Nội - trung tâm mua sắm lớn nhất Hà Nội - đột ngột đóng cửa sau 1 năm hoạt động vì thua lỗ Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Parkson Hà Nội - trung tâm mua sắm lớn nhất Hà Nội - đột ngột đóng cửa sau 1 năm hoạt động vì thua lỗ Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Tình hình kinh doanh tại Parkson đã phản ánh một phần bức tranh bán lẻ Việt Nam ở phân khúc department stores (siêu thị bán lẻ hàng hiệu) trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, năm 2014, sức mua còn rất yếu, tăng trưởng chung của ngành bán lẻ trên dưới 10%. Thị trường ghi nhận sự chững lại của kênh bán lẻ hiện đại. Trong khi đó, mô hình cửa hàng tiện ích gần với cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống lại tăng trưởng khá nhanh, lên đến 15%-20%. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá giàu tiềm năng. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), doanh thu thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt 100 tỉ USD vào năm 2016.

Do đó, năm 2015, cạnh tranh bán lẻ sẽ đẩy lên rất cao với sự tham gia của nhiều đối tác mới. Berli Jucker (Thái Lan), Aeon (Nhật) đang nhanh chóng phát triển hệ thống thông qua mạng lưới có sẵn của các đối tác M&A. Vingroup sau khi mua lại OceanMart và nắm 10% vốn điều lệ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ VinatexMart) đã công khai tham vọng vẽ lại bức tranh bán lẻ nội địa.

Lĩnh vực điện máy cũng đón một số nhà đầu tư mới và nhiều cuộc M&A diễn ra trong năm 2014. Sự đầu tư ồ ạt của nước ngoài đang làm thị trường ấm lại dần và dự kiến năm 2015 sẽ tăng trưởng 30%- 40%. Sức cung của kênh phân phối hiện đại trong lĩnh vực điện máy hiện chiếm khoảng 30% thị phần, 70% còn lại là mảnh đất màu mỡ cho các DN khai thác. Điều này lý giải vì sao có nhiều nhà đầu tư mới bắt tay với những DN điện máy lớn trong thời gian qua và sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Phải có cách đi riêng

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Sài Gòn Co.op), cho rằng mỗi DN phải chọn cách đi riêng để tồn tại. Sài Gòn Co.op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Co.opmart, Co.opFood - là những hệ thống có quy mô vừa và phục vụ khách hàng số đông. Bên cạnh đó, tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn: mô hình đại siêu thị Co.op Xtra, mô hình khu phức hợp Vivo City. Trong liên doanh này, Sài Gòn Co.op xác định nguyên tắc xuyên suốt với đối tác là phần bán lẻ siêu thị, đại siêu thị phải độc quyền Sài Gòn Co.op.

“Cạnh tranh trực tiếp trên thị trường bán lẻ buộc các DN phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn cho những chiến lược dài hạn. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải điều chỉnh chiến lược, mô hình, phương thức kinh doanh hiện nay theo hướng đa dạng để lấp đầy đòi hỏi của khách hàng. Sài Gòn Co.op đang hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai mô hình HTX tiêu dùng, trong đó khách hàng trực tiếp tham gia góp vốn để cùng sở hữu hệ thống bán lẻ Co.opmart và Co.opFood. Hiệu quả kinh doanh được chia sẻ với khách hàng và đích đến cuối cùng là làm cho khách hàng trở thành chủ thật sự của Sài Gòn Co.op thông qua mô hình HTX” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Còn theo ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống điện máy Thiên Hòa, cạnh tranh của các DN điện máy đã vào giai đoạn gay gắt. DN nào có đủ tiềm lực tài chính, con người, có thể phát triển tốt thì không cần bán cổ phần. Bản thân Thiên Hòa chưa tính đến phương án liên doanh hay hợp tác mà tập trung phát triển thế mạnh về chất lượng dịch vụ, hoạt động giao hàng, thanh toán tiền, hậu mãi… để giữ chân khách. Năm 2015, Thiên Hòa sẽ tái đầu tư liên tục các trung tâm hiện tại để cải tiến dịch vụ tốt nhất và mở thêm 1-2 trung tâm mới với quy mô lớn hơn, tập trung các mặt hàng phù hợp với gia đình như đồ dùng nhà bếp, dụng cụ...

Kỳ tới: Không dành cho kẻ yếu

Sức ép M&A trước sau gì cũng sẽ buộc DN nhỏ liên doanh với DN lớn hơn, vậy tại sao DN trong nước không bắt tay nhau cùng lớn mạnh thay vì chọn đối tác bên ngoài.

Người lao động

      © 2021 FAP
        150,563       540