Euro 2016

Việt Nam được gì?

Ý định lâu dài của Samsung không chỉ đưa Việt Nam thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử hàng đầu thế giới mà còn sẵn sàng hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực từ đóng tàu, cảng biển, nhà máy nhiệt điện và có thể cả sân bay Long Thành…

Tập đoàn Điện tử Samsung (Hàn Quốc) có mặt ở hầu hết các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc. Từ lâu, tập đoàn này đã định hướng việc chuyên nghiệp hóa tại mỗi quốc gia, sản xuất một mặt hàng nhất định. Chẳng hạn, Samsung tại Thái Lan chuyên sản xuất điện lạnh, điện gia dụng, tại Indonesia sản xuất đầu máy, tại Philippines chuyên đầu đĩa, tại Malaysia sản xuất bóng đèn hình, màn hình… Vậy tại sao nay Samsung lại chọn Việt Nam để phát triển các dự án hàng tỉ USD?

“Cứ điểm” cho toàn cầu

Lý do chính là sự bùng nổ của “ông lớn” Trung Quốc khi vươn lên thành nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và đang dần cắt bớt ưu đãi trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trung Quốc hiện đủ lớn để có thể đem lại rủi ro cho các tập đoàn làm ăn ở đây bởi phải cạnh tranh với chính sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa.

Hơn nữa, các tập đoàn lớn ngày càng có xu hướng phân tán rủi ro, thay vì dồn quá nhiều vốn vào Trung Quốc. Năm 2007, khi bắt đầu tìm kiếm vị trí cho dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung đã mất rất nhiều thời gian khảo sát, cân nhắc lựa chọn giữa các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng cuối cùng tập đoàn này chọn Việt Nam để đặt nhà máy bởi Việt Nam có lợi thế chính trị, xã hội ổn định và vị trí gần Trung Quốc.

Nhà máy Sản xuất điện thoại của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh
Nhà máy Sản xuất điện thoại của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh

Lúc đó, những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), ưu đãi đất… chỉ là một phần trong quyết định đầu tư vào Việt Nam của tập đoàn này. “Thông thường phải cần khoảng thời gian từ 5-10 năm để các DN phụ trợ có đủ khả năng cung ứng được linh kiện, phụ liệu trong nước nên trước mắt, Samsung vẫn phải nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, nhất là những linh kiện nhỏ… Tỉnh Bắc Ninh có lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi về hàng không, đường biển và đường bộ. Vì vậy, Samsung xem dự án SEV ở Bắc Ninh có ý nghĩa chiều sâu - Việt Nam sẽ là cứ điểm để sản xuất cho thị trường toàn cầu” - một chuyên gia về đầu tư nước ngoài phân tích.

Đừng nhìn ngắn hạn!

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Vina (Savina), kể năm 1998, ông sang Malaysia và lần đầu tiên được tham quan khu phức hợp của tập đoàn ở đây. Lúc đó, hạ tầng đường sá của Malaysia đã rất phát triển. Khu phức hợp gồm 3 nhà máy: nhà máy đầu tiên nấu cát ra thành bóng đèn thủy tinh cho sản xuất bóng đèn hình, nhà máy thứ 2 lấy bóng đèn thủy tinh lắp ráp thành bóng đèn hình và nhà máy thứ 3 lắp ráp thành tivi, màn hình máy tính… cung cấp cho toàn thế giới. “Thời điểm năm 1994, dự án Savina của Samsung ở Việt Nam có vốn đầu tư 11,8 triệu USD đã là rất lớn, trong khi Malaysia có cả khu phức hợp của tập đoàn. Lúc đó tôi ước ao một ngày nào đó Việt Nam có được những dự án tương tự, nay mơ ước đó đã thành hiện thực” - ông Đạo nhớ lại.

Với các dự án tại Việt Nam, Samsung không chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, điện tử mà gần đây còn triển khai 2 dự án gồm Công ty Samsung Electro - Mechanics với nhà máy sản xuất vi mạch, linh kiện điện tử tại Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) và dự án Công ty TNHH Samsung Display tại Khu tổ hợp công nghệ Samsung Bắc Ninh, chuyên sản xuất màn hình điện thoại, hàng điện tử… Thậm chí, trong những cuộc viếng thăm của chủ tịch tập đoàn này đến Việt Nam, phía Samsung còn bày tỏ ý định sẵn sàng đầu tư toàn diện vào Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, cầu đường, đóng tàu, nhà máy nhiệt điện…

Không ai muốn nhập khẩu, nếu…

Đi cùng các dự án tỉ đô của Samsung tại Việt Nam hiện nay là khoảng 200 DN vệ tinh, cung ứng phụ kiện, linh kiện phụ trợ. Dù Samsung tự sản xuất gần hết những linh kiện chủ lực nhưng vẫn còn rất nhiều chủng loại phải nhập. Một đại diện của Samsung phân tích: nếu DN nội địa sản xuất được, không ai muốn nhập khẩu linh kiện ở nước ngoài. Bởi mua trong nước trả bằng tiền đồng, không tốn ngoại tệ, tiết kiệm được thời gian đặt hàng, vận chuyển… Cái cơ bản là DN trong nước có cung cấp được không! “Mới đây, Samsung có mời DN Việt tới và đưa ra danh sách mấy trăm linh kiện nhưng không đơn vị nào có khả năng cung ứng. Vậy nội địa hóa bằng cách nào?” - vị đại diện này nói.

Trong quá khứ, thời điểm Việt Nam thu hút làn sóng đầu tư thứ nhất của ngành điện tử (giai đoạn 1993-1995), đã có không ít DN Đài Loan theo chân vào làm công nghiệp phụ trợ. Nhưng khi đó, quy mô các dự án còn nhỏ, làm phụ trợ không hiệu quả nên DN Đài Loan lần lượt rút lui.

Nay, theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp phụ trợ đang có rất nhiều thuận lợi khi Samsung xây nhiều dự án tỉ đô ở Việt Nam, trở thành tâm điểm thu hút mạnh mẽ các DN vệ tinh. DN Việt trước mắt có thể làm đối tác cấp 2-3 cho DN vệ tinh, dần dần học được cách quản lý, sản xuất để vươn lên thành đối tác cung ứng trực tiếp cho tập đoàn này. Không chỉ vậy, Samsung cũng vừa xây một Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội, sắp tới sẽ có thêm một R&D ở TP HCM, mở rộng khả năng để DN Việt tham gia ngành công nghệ cao đang được chú trọng phát triển.

Nhiều nước “lôi kéo”

Một chuyên gia rất am hiểu về Tập đoàn Samsung cho biết hiện một vài nước trong khu vực tỏ ra không hài lòng khi thấy Samsung liên tục rót vốn vào Việt Nam, thay vì tăng vốn đầu tư ở nước họ. “Muốn biết Việt Nam được lợi gì từ sự đầu tư của Samsung, hãy phân tích xem tại sao các nước phải “lôi kéo” những tập đoàn nước ngoài như Samsung vào đầu tư. Trong khi chúng tôi cố gắng kéo Samsung vào Việt Nam thì nhiều người đặt vấn đề vốn ngoại đổ vào nhiều được cái gì?” - chuyên gia này bộc bạch.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,424       780