Hàng loạt dự án tỉ đô của Tập đoàn Điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới
Chỉ trong năm nay, Samsung đã rót thêm 5,4 tỉ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) này lên hơn 11 tỉ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm đáng lưu ý là trong danh sách các dự án tỉ đô được cấp phép năm 2014, Samsung chiếm đến 3 dự án với tổng vốn 5,4 tỉ USD trong tổng số 17,33 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Hàng loạt dự án tỉ đô
Ba dự án của Samsung được nhắc đến gồm dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (giai đoạn 2 - SEVT2) do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đặt tại KCN Yên Bình I, tổng vốn đăng ký 3 tỉ USD. Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex (SECC) do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd - Singapore đầu tư tại TP HCM trị giá 1,4 tỉ USD. Cuối cùng là dự án có tên gọi Samsung Display ở Bắc Ninh có vốn đăng ký 1 tỉ USD.
Trong đó, dự án 3 tỉ USD tại Thái Nguyên được xây dựng trên diện tích hơn 70 ha, thời gian hoạt động đến tháng 5-2062, dự kiến sử dụng khoảng 30.000 lao động. Tại TP HCM, Samsung cũng đang gấp rút triển khai dự án 1,4 tỉ USD trong Khu Công nghệ cao để nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Đây là dự án nối tiếp của Công ty TNHH Samsung Vina (Savina) sau khi giấy phép liên doanh của Savina hết hạn nhưng có quy mô lớn hơn nhiều và hướng đến thị trường toàn cầu.
Việc Samsung liên tiếp triển khai các dự án lớn đang giúp Việt Nam ghi rõ dấu ấn trên bản đồ thế giới về sản xuất và cung ứng các sản phẩm điện tử, di động. Việt Nam đã trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Năm 2013, chỉ tính riêng dự án Samsung Vietnam Electronics (SEV) ở Bắc Ninh đã đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 23 tỉ USD, góp phần giúp Việt Nam xuất siêu.
Thâm nhập bằng con đường… liên doanh
Năm 1994, Samsung bắt đầu bước chân vào Việt Nam bằng việc lập nhà máy liên doanh với doanh nghiệp (DN) trong nước có tên gọi Savina, chuyên sản xuất hàng điện tử, điện lạnh… chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Savina, một trong những thành viên của đoàn đàm phán phía Việt Nam với đối tác Samsung để lập liên doanh, nhớ lại: Đó là thời điểm của làn sóng đầu tư thứ nhất trong lĩnh vực điện tử đổ vào Việt Nam. Lúc đó, Việt Nam chuẩn bị tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) nên đã mở cửa kêu gọi đầu tư. Chính sách của Việt Nam là thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải thành lập liên doanh giữa DN nước ngoài và DN bản địa, tạo nền tảng cho nền công nghiệp trong nước bám vào để phát triển.
“Chính sách chủ yếu là dùng hàng rào thuế quan hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu. Khi đó, các công ty nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam phải xây nhà máy sản xuất vì nếu chỉ hoạt động thương mại thì hàng rào thuế quan sẽ rất cao” - ông Đạo nói. Các DN khi đó thành lập trên nguyên tắc góp vốn theo hình thức 7/3, trong đó DN nước ngoài góp 70% vốn. Với ngành điện tử, vốn góp của DN trong nước chủ yếu là đất hoặc một vài cơ sở sản xuất nho nhỏ có sẵn…
Liên tục từ năm 1993-1995, hàng loạt công ty liên doanh giữa DN trong nước với DN nước ngoài đến từ Nhật, Hàn Quốc được thành lập. Các “ông lớn” của Nhật gồm Sony, Panasonic, JVC, Toshiba lần lượt lập liên doanh với DN nội địa như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức... Phía Hàn Quốc, các “đại gia” gồm Samsung, LG, Daewoo cũng lần lượt có mặt và công ty con của Samsung là Savina cũng vào Việt Nam theo hình thức này. Tháng 1-1995, nhà máy sản xuất đầu tiên của Samsung ở Việt Nam đặt tại quận Thủ Đức, TP HCM chính thức đi vào hoạt động.
Nếu Savina được thành lập từ làn sóng đầu tư thứ nhất thì dự án tiếp theo với 100% vốn ngoại của Samsung là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) được xem là làn sóng đầu tư điện tử thứ hai ở Việt Nam. Trong khi Savina thời điểm 1994 có vốn đầu tư 11,8 triệu USD thì dự án SEV ở Bắc Ninh tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 670 triệu USD (hoạt động từ tháng 10-2009). Đến năm 2012, Samsung nâng tổng mức đầu tư đăng ký SEV lên 2,5 tỉ USD và phát triển thành khu tổ hợp công nghệ cao sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới.
Kỳ tới: Việt Nam được gì?
Đều đặn xây nhà máy
Trong khi các DN Nhật Bản vào Việt Nam với mục đích chiếm lĩnh thị trường nội địa, thời hạn liên doanh là 10 năm (định hướng là sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường theo AFTA vào năm 2006, thuế nhập khẩu sẽ về dưới 5% giúp hoạt động thương mại, nhập khẩu hàng hóa dễ dàng) thì các DN Hàn Quốc, trong đó có Samsung, đều đặn xây nhà máy, thời hạn là 20 năm và không chỉ đơn thuần nhắm đến thị trường nội địa. Ngay khi đặt chân vào, Samsung đã đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng khi gia nhập AFTA và có lộ trình đàm phán WTO nên đã định hướng đầu tư lâu dài. “Nếu chỉ để thâm nhập thị trường nội địa, Samsung chỉ cần thời hạn liên doanh 10 năm, sau đó có thể chuyển sang làm thương mại, nhập khẩu hàng về bán chứ không cần xây mới hoàn toàn” - ông Đạo phân tích.