Chưa bao giờ Việt Nam nhập khẩu nhiều thịt như năm nay. Có người ví thịt ngoại nhập khẩu đang như “trăm hoa đua nở” ở thị trường nội địa. Không chỉ gia tăng về lượng, thịt ngoại còn phong phú chủng loại, giá cả, xuất xứ.
Điều đặc biệt là thịt ngoại đang lấn dần đến mọi bếp ăn gia đình người Việt, không kể thành thị, nông thôn hay vùng sau vùng xa. Bà chị sống bằng nghề biển ở Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà), quanh năm cá biển thừa mứa, thịt heo, gia cầm ăn không hết, ấy vậy mà hôm rồi chị bảo dạo này ăn đùi gà góc tư và cánh gà nhập khẩu đông lạnh thấy cũng ngon ghê lắm. Giá thịt gà ngoại nhập về cảng Cát Lái, chở ra đến Đại Lãnh chỉ có giá 45.000 đồng, bằng khoảng 3/4 giá gà nuôi nội địa.
Ước tính trong năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại. Trong đó, có 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về giết thịt, với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại. Nhập khẩu các loại thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm chiếm 120 triệu USD, còn lại là các loại thịt khác như heo, cừu, trâu…
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết chín tháng đầu năm nay Việt Nam phải chi ra 72,8 triệu USD (tăng 23,7%) để nhập khẩu 68.755 tấn thịt gà ngoại (tăng 27,0% so cùng kỳ năm 2013). Thịt gà nhập khẩu đến từ 23 quốc gia, chủ yếu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, Ukraine, Iran và Ba Lan. Trong đó, lượng nhập từ Mỹ chiếm 55,5%, Brazil 17,2%, Hàn Quốc 12,3%, Ukraine 3,4%, Iran 3,1% và Ba Lan 2,9%.
Nhìn chung lượng và kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường đều tăng. Lượng thịt gà nhập về thông qua các cảng, cửa khẩu tại TP.HCM (chiếm 60,3%), Hải Phòng (chiếm 33,2%), Đà Nẵng (chiếm 3,4%), Bà Rịa – Vũng Tàu (chiếm 2,3%); lượng còn lại được nhập vào Quảng Ninh, Hà Nội và Tây Ninh.
Gà nhập khẩu gồm đủ thứ loại, từ chân gà, mề gà, gan gà, tim, cật, cánh, đùi, ức gà, gà không đầu và cả thịt gà xay. Riêng loại đùi và cánh gà thì doanh nghiệp chỉ khai báo nhập loại B chứ không phải A.
Thịt gà xay mới xuất hiện trong danh sách nhập khẩu từ đầu năm 2014. Thuế nhập khẩu thịt gà xay chỉ có 18%, thấp hơn so với đùi, cánh ở mức 20% và nguyên con 25%.
Tại TP HCM, công ty HL là một trong số doanh nghiệp nhập nhiều gà xay nhất, giá trung bình khoảng 0,7 USD/kg (xuất xứ Brazil), cộng thuế 18% và chi phí khác chưa đến 20.000 đồng/kg. Thịt gà xay chủ yếu nhập về làm xúc xích. Danh sách khách hàng của HL có tên một thương hiệu thực phẩm hàng đầu ở TP HCM. Các chuyên gia trong lĩnh vực chế biến thực phẩm khẳng định trong quá trình xử lý, thịt gà xay dễ bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn hơn bất cứ loại thịt nhập khẩu nào khác.
Bên cạnh thịt gà, số liệu của hiệp hội Chăn nuôi cũng cho thấy Việt Nam nhập khẩu 129.273 con bò thịt các loại từ Úc, tăng 31.000 con so với số lượng nhập khẩu bò Úc của cả năm 2013. Dự kiến có khoảng 150.000 con bò Úc được nhập khẩu về Việt Nam trong năm nay, chưa kể hàng trăm ngàn con bò từ Thái Lan, Lào và Campuchia được đưa vào nội địa qua biên giới miền Trung và Tây Nam. Chỉ sau mấy tháng mua bò từ Úc, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu bò nhiều thứ hai của Úc (sau Indonesia) với số lượng ngày một tăng.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, việc Việt Nam nhập nhiều thịt không phải do chăn nuôi trong nước không đáp ứng đủ, mà chủ yếu do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. Ngoài ra, thịt ngoại ngày càng tràn ngập thị trường là do chúng ta… không có hàng rào gì để ngăn chặn.
Trước thực trạng thịt ngoại ngày càng đe doạ chăn nuôi nội địa, ông Vang cho biết tổ chức này đã nhiều lần cảnh báo các cơ quan chức năng nên hạn chế hoặc nâng điều kiện kiểm tra các loại thịt đông lạnh nhập khẩu, nhất là nội tạng, để bảo vệ ngành chăn nuôi và sức khoẻ người tiêu dùng trong nước nhưng không hiệu quả.
cơ quan chức năng, người tiêu dùng, cảng Cát Lái, kim ngạch nhập khẩu, thuế nhập khẩu, chế biến thực phẩm, bò nhập khẩu, nhập khẩu bò Úc, Hiệp hội chă