Euro 2016

Tin dùng hàng Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn đã nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng, nghiêm túc nghiên cứu thị trường, kết hợp với các nhà phân phối tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để có sản phẩm - dịch vụ phù hợp

Hàng hóa dồi dào, hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực và trên thế giới đã, đang và sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn với thuế suất thấp hoặc 0% theo các cam kết thương mại, người tiêu dùng trong nước càng có nhiều lựa chọn.

Đừng than vãn nữa!

Theo kết quả được khảo sát mới đây tại TP HCM, hàng Việt chiếm trên 90% tại hệ thống siêu thị trong nước, riêng hàng thực phẩm chiếm tỉ lệ hơn 95%. Khảo sát cũng cho thấy có 73,43% người tiêu dùng khẳng định ưu tiên chọn sản phẩm do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất; 62,8% đã khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng  Việt; 85,8% khẳng định tỉ lệ mua sắm, trang bị các đồ dùng trong gia đình là hàng Việt.

Người tiêu dùng nội địa đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung ứng. Trong ảnh: Hàng thực phẩm đông lạnh của Vissan Ảnh: TẤN THẠNH
Người tiêu dùng nội địa đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung ứng. Trong ảnh: Hàng thực phẩm đông lạnh của Vissan Ảnh: TẤN THẠNH

Tỉ trọng kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt tăng liên tiếp trong những năm gần đây khẳng định vị trí, chất lượng hàng Việt trên thị trường. Tuy nhiên, trước áp lực của cam kết WTO và các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia ký kết như TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), Việt Nam - Liên hiệp châu Âu và gần nhất là AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), thị trường nội địa không còn là sân chơi riêng cho DN Việt mà là của cả khu vực và các nước khác.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho biết hiện các DN Việt chưa chuẩn bị nhiều cho hội nhập, 73% DN cho biết chưa quan tâm đến AEC và quan niệm rằng chỉ cần trụ vững ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển hội nhập như hiện nay, thị trường nội địa không còn là nơi “trú ẩn” an toàn cho hàng Việt.

Làm thế nào để trụ vững ở sân nhà, tăng xuất khẩu tại chỗ? Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), người tiêu dùng bây giờ không chỉ yêu cầu hàng hóa phải chất lượng, giá cả hợp lý mà bao bì mẫu mã phải đẹp mắt và thông tin phải rõ ràng. Hạn chế lớn của DN Việt là quen khép kín quy trình và tự làm tất cả, chi phí sản xuất còn cao, điều này xuất phát từ công nghệ lạc hậu, tay nghề lao động yếu. Hiện không còn thời gian để DN Việt than vãn mà phải “vượt lên chính mình”, phải làm cho người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam.

Lợi thế “làm lại từ đầu”

Cũng theo ông Mười, DN trong nước đang có lợi thế quan trọng là bắt đầu lại từ đầu. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, phải đầu tư lại từ con giống, thức ăn gia súc đến tăng năng suất. Đó là cơ hội duy nhất, nếu chần chừ mãi thì DN các nước sẽ ùa vào. Ngoài ra, còn có lợi thế về tập quán: người Việt Nam không chuộng sử dụng thịt đông lạnh. Trong tương lai, lợi thế này sẽ không còn vì thói quen tiêu dùng thay đổi và giá cả thấp sẽ mang tính quyết định. Một số ngành sản xuất khác thì phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, phải chống chọi với hàng nhập lậu, đặc biệt là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thế mạnh cạnh tranh của DN trước hết dựa trên giá trị. Ngoài chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ còn có chất lượng dịch vụ đi kèm… Muốn cạnh tranh tốt, DN Việt trước tiên phải nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng; chủ động, nghiêm túc nghiên cứu thị trường, kết hợp với các nhà phân phối tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để có sản phẩm dịch vụ phù hợp. Nhiều DN lớn như Kinh Đô, Vinamilk, Vinamit, Trung Nguyên, Vissan... đã làm được như vậy.  Trong lĩnh vực nhựa gia dụng, sản phẩm của nhựa Duy Tân, Đại Đồng Tiến... đã khẳng định được uy tín thương hiệu, đánh dạt hàng Thái Lan, Trung Quốc ở thị trường nội địa và giành lại thế chủ động trên sân nhà. Nhựa giả da, bao bì... cũng dần chinh phục được những khách hàng khó tính.

Có được những kết quả này là do các DN mạnh dạn đầu tư. Như Rạng Đông, sau cổ phần hóa đã bỏ ra 2 năm để cơ cấu lại, định dạng dòng hàng mục tiêu là nhựa bao bì và giả da. Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm, Rạng Đông chi 80-120 tỉ đồng để đầu tư cho dòng hàng chủ lực đó và duy trì được mức tăng trưởng 15%/năm, riêng 2 dòng hàng mục tiêu tăng trưởng 25%-40%/năm. Vì thế, không chỉ có sản phẩm vào 250 siêu thị của 10 hệ thống siêu thị trên toàn quốc, Rạng Đông còn trở thành nhà cung cấp cho nhiều DN trong nước và đa quốc gia.

Nhiều DN Việt với lợi thế “sân nhà” đã tận dụng triệt để, mạnh dạn cho ra nhiều sản phẩm đa dạng. So với các DN nước ngoài, DN Việt còn có lợi thế rõ rệt về thuế quan, nguồn nhân lực, không mất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Về lâu dài, để hàng Việt đủ sức cạnh tranh, rất cần có thêm nhiều chính sách mang tầm vĩ mô. Ông Văn Đức Mười kiến nghị cần hoạch định chính sách cho ngành chăn nuôi, làm sao có được những tổng công ty nông nghiệp lớn cung cấp nguyên liệu với giá ổn định, phù hợp để tiến tới truy xuất nguồn gốc, làm chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để từ đó cân đối cung cầu, hướng tới xuất khẩu. Để DN yên tâm làm ăn, nhà nước cần kiểm soát tốt hàng nhập lậu, duy trì ổn định tỉ giá; hỗ trợ lãi suất thấp để kích thích đầu tư dự án tốt và kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư. Cùng với đó là chính sách cân bằng nguyên phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, chính sách thuế... 

Chờ cú hích từ chính sách

Ví cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là thời cơ vàng của DN, ông Trần Tấn Ngời - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại TP HCM - cho rằng việc tồn tại tùy thuộc vào từng DN. Người tiêu dùng rất sòng phẳng. Để được người tiêu dùng chấp nhận, DN phải đưa ra thị trường cái thị trường cần chứ không phải DN có. Trong đó, chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu là vấn đề cần thiết. Thời gian qua, không ít DN gặp khó khăn, phá sản do không chịu nổi áp lực cạnh tranh nhưng cũng có nhiều DN trưởng thành, phát triển, làm ăn ngày càng tốt hơn.

Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, TP HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ được giới DN đánh giá là sáng tạo, mang tính chất riêng biệt. Có thể kể đến các chương trình đầu tư thông qua kích cầu, tạo nguồn hàng, chương trình ký kết giữa TP HCM với các tỉnh; kết nối DN với ngân hàng để có lãi suất thấp... Những chương trình này được tổ chức đồng bộ không chỉ mang lại lợi ích cho TP mà còn là đầu tàu kéo theo những vùng kinh tế khác.

Ông Trần Tấn Ngời, Phó chủ tịch Ủy Ban MTTQ TP HCM:

Hướng đến “Tự hào hàng Việt”

Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, TP HCM đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách khẩn trương, nghiêm túc. TP đề ra chương trình hành động gồm 5 nhiệm vụ giải pháp tăng cường vận động tuyên truyền. Các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, đã mở ra nhiều chuyên đề, chuyên mục để tuyên truyền người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt. Qua 5 năm triển khai, cuộc vận động đã đạt được nhiều thành quả tích cực và cho thấy hàng Việt Nam có điều kiện phát triển tốt. Sắp tới, nên hướng đến chủ đề “Tự hào hàng Việt”. Chủ đề này phải lan tỏa trong ý thức người tiêu dùng để người dân ưu tiên ủng hộ hàng Việt nhiều hơn. Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có nhiều giải pháp tăng cường đầu tư về tín dụng, thông tin kết nối thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Đắc Hải, phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông:

Công khai, sòng phẳng với khách hàng

Bên cạnh việc tạo được độ phủ khá lớn tại thị trường trong nước, Rạng Đông đã xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Phương châm của chúng tôi là mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng và kinh doanh bằng thương hiệu, niềm tin. Theo đó, tất cả chi phí sản xuất đều được công khai cho khách hàng biết để xây dựng niềm tin và đồng hành với nhau; thực hiện tốt các khâu bốc xếp, tư vấn kỹ thuật và song hành với khách hàng từ thiết kế, tư vấn cấu trúc sử dụng như thế nào để hiệu quả, bảo đảm chi phí tốt nhất cho khách hàng. Khẩu hiệu của chúng tôi là luôn luôn tốt hơn, muốn mang lại cho khách hàng những gì mới và an toàn.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan:

Hỗ trợ gián tiếp qua xúc tiến thương mại

Giá thành chăn nuôi của chúng ta cao hơn của thế giới 15%-20%, thậm chí 25%. Thuế thức ăn gia súc chiếm đến 80% giá thành chăn nuôi heo. Nhà nước cần hoạch định chính sách liên quan đến thuế thức ăn gia súc, sự bình đẳng về thuế mặt hàng này so với các nước trong khu vực và hỗ trợ gián tiếp đến kinh doanh thông qua xúc tiến thương mại. Tái cấu trúc ngành nông nghiệp thì phải coi lại việc hoạch định chiến lược con giống, thức ăn gia súc, quản lý ngành giết mổ gia súc...; đòi hỏi sự toàn diện liên kết từ trong nông dân đến DN, quản lý nhà nước, không gãy khúc chỗ nào cả.

 ĐỒNG HÀNH VỚI “BÀN TRÒN DOANH NHÂN”

Người lao động

      © 2021 FAP
        160,094       483