Việc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam bán hết 100% cổ phần chào bán vào cuối tuần qua được đánh giá là một thành công lớn
Dù lượng đặt mua chỉ cao hơn gần 1% so với số lượng chào bán, tương đương hơn 347.000 cổ phần (CP) nhưng việc 2 tổ chức là Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) mua tới 98,61% số lượng bán ra cho thấy cổ phiếu hàng không có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư lớn.
Nhiều yếu tố hấp dẫn
Trong đó, Techcombank mua thành công 25.760.000 CP, chiếm 52% số lượng CP chào bán, tương ứng 1,82% vốn điều lệ của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) và trở thành cổ đông lớn nhất của hãng hàng không này. Vietcombank mua 22.562.900 CP, chiếm 46% số lượng chào bán, tương đương 1,6% vốn điều lệ. Vậy đâu là “sức hút” để các NH rót vốn vào VNA?
VNA đang hoàn tất chương trình nâng cấp dịch vụ thành hãng hàng không 4 sao để cạnh tranh hiệu quả hơn
Ảnh: MINH NGỌC
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, lý giải VNA và Techcombank đã có quan hệ hợp tác toàn diện trong 15 năm qua. VNA từng là cổ đông lớn nắm giữ 20% vốn điều lệ của Techcombank trước khi thực hiện thoái hết vốn ngoài ngành cuối năm 2013 theo yêu cầu của nhà nước. Techcombank hiện đang cung cấp hầu hết các dịch vụ NH cho VNA như thu hộ 100% tại các phòng vé, cung cấp gói tài chính cá nhân toàn diện cho CB- CNV của VNA và đặc biệt là cấp hạn mức tín dụng lớn cũng như tham gia tài trợ nhiều dự án mua máy bay trọng điểm.
“Đầu ra chính của một hãng hàng không là bán vé nên dòng tiền từ số tiền mua vé của gần 15 triệu lượt hành khách/năm và chi trả lương cho khoảng 10.000 CB - CNV khiến VNA thực sự là khách hàng mơ ước của bất cứ NH nào. Techcombank tin tưởng việc đấu giá thành công CP của VNA sẽ mang lại những lợi ích lớn từ khoản đầu tư này” - ông Nguyễn Cảnh Vinh nhận xét.
Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết lý do đầu tư vào VNA vì 2 bên đã có quan hệ tín dụng tốt như cho vay, quản lý vốn tập trung, thanh toán trong và ngoài nước, dịch vụ thẻ...
Cơ hội đầu tư dài hạn
Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT VNA, nhận định phiên đấu giá ngày 14-11 là mốc quan trọng đánh dấu việc hoàn tất một cách căn bản chương trình CP hóa VNA. Tiếp theo đợt chào bán này, VNA đang lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để bán tiếp 20% CP. Kết thúc giai đoạn 1, nhà nước vẫn nắm giữ 75% CP chi phối tại VNA. Tùy diễn biến thị trường, doanh nghiệp (DN) tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường hoặc bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược để giảm phần vốn nhà nước nắm giữ xuống 65% vào thời điểm thích hợp.
Theo phân tích của một số công ty chứng khoán, thương hiệu mạnh, tài sản khổng lồ, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là những yếu tố khiến cổ phiếu VNA làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam thêm hấp dẫn về mặt tâm lý. Nhưng đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cổ phiếu VNA không thực sự hấp dẫn vì không có cơ hội lướt sóng chốt lời trong ngắn hạn. Ngược lại, đối với các tổ chức lớn thì cổ phiếu VNA là một lựa chọn tốt vì DN có quy mô sử dụng vốn lớn, an toàn cả về vốn ngắn hạn lẫn dài hạn. Cụ thể là hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của VNA lần lượt là 4,3 lần, nợ vay dài hạn trên vốn chủ sở hữu là 3,17 lần, cao hơn chuẩn chung của ngành hàng không. DN liên tục có lợi nhuận ổn định ngay cả trong giai đoạn 2009-2012 khi ngành hàng không toàn cầu lâm vào khó khăn do suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, VNA đã tổ chức được dây chuyền khai thác vận tải hàng không đồng bộ từ chế biến suất ăn, phục vụ thương mại mặt đất, xăng dầu, kỹ thuật máy bay và đầu tư vào 3 hãng hàng không khác trong và ngoài nước để đáp ứng được các phân khúc khách hàng khác nhau. Đặc biệt, một số thành viên là công ty CP chưa niêm yết chuẩn bị lên sàn có lợi nhuận rất cao. Ví dụ như Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Nội Bài Cargo) năm 2013 chia cổ tức 100%/năm, Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) cũng chia cổ tức hơn 52%/năm.
Sắp tới, thị trường còn chứng kiến nhiều đợt IPO của các DN hàng không khác như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Nội Bài Cargo, Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (Nasco), NCS...