Euro 2016

Con nợ chây ì, khó thu hồi nợ

Khi tài sản bảo đảm không bán được thì không thể hình thành thị trường mua bán nợ

Việc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) thanh lý, phát mại tài sản bảo đảm của khách hàng vay vốn không còn khả năng chi trả là giải pháp cuối cùng để ngân hàng (NH) thương mại thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng nhưng quá trình thực hiện rất khó do thủ tục nhiêu khê, phức tạp…

Nếu cứ “bùng nhùng”…

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động NH là xử lý tài sản để thu hồi nợ cho vay, dù trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng có điều kiện, quy định rõ ràng là trong trường hợp khách hàng không còn khả năng chi trả, NH được toàn quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ.

Nhưng thực tế, NH hầu như không thể làm được nếu con nợ (khách hàng chây ì) không đồng ý, buộc chủ nợ (NH) phải tiếp tục đòi nợ bằng con đường cực kỳ khó khăn là khởi kiện để nhờ tòa án và bộ phận thi hành án thực hiện.

Phó giám đốc của NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM cho biết: Thủ tục xử lý nợ qua tòa án phải trải qua quá trình tố tụng rất nhiêu khê, phải mất nhiều thời gian tòa mới có thể ra phán quyết xử lý tài sản bảo đảm; sau đó bộ phận thi hành án thực hiện trình tự thủ tục còn rắc rối hơn so với những thủ tục tại tòa khiến NH phải mất rất nhiều thời gian mới thu hồi được nợ xấu.

“Có khoản nợ cách đây hơn 10 năm, dù khách hàng có tài sản bảo đảm nhưng đến giờ NH chúng  tôi vẫn chưa thu hồi được nợ, lý do là bởi thủ tục rắc rối trong xử lý tài sản thế chấp. Do đó, để giúp NH thuận lợi trong việc thu hồi vốn nợ xấu, cần phải đẩy nhanh tốc độ xét xử và tốc độ thi hành án” - vị đại diện kiến nghị.

Nếu không có chính sách đột phá thì khó bán tài sản bảo đảm của nợ xấu. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Nếu không có chính sách đột phá thì khó bán tài sản bảo đảm của nợ xấu. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Đông Á, cho biết từ đầu năm đến nay, Đông Á đã bán nợ cho VAMC được khoảng 1.800 tỉ đồng và sẽ tiếp tục bán thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ bán nợ cho VAMC đang bị chậm lại do thủ tục pháp lý quá phức tạp và rắc rối.

Sau khi bán nợ xong, NH lại tiếp tục phải xử lý tài sản này bằng cách thanh lý, phát mại nhưng lúc này lại phải có giấy ủy quyền của VAMC. Nếu cứ “bùng nhùng” giữa tòa án, thi hành án… thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu.

Cần khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ

Để giải quyết vấn đề nợ xấu, thời gian qua, nhiều NH thương mại đã tuyển thêm cán bộ pháp lý chuyên làm nhiệm vụ thu hồi nợ. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng phải giải quyết được vấn đề khó khăn trong xử lý tài sản thế chấp, tăng quyền cho chủ nợ trong bán các tài sản bằng bất động sản. Khi đó, tài sản thế chấp sẽ bán được nhiều hơn, tạo ra thanh khoản nhanh, đưa tài sản thực về trên bảng kế toán cho NH và doanh nghiệp.

“Tôi đã đề xuất kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội về việc đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm bằng một nghị quyết riêng mang tính đột phá, kiểu như một luật sửa nhiều luật. Còn nếu chờ sửa Bộ Luật Dân sự và các luật liên quan thì có lẽ chưa biết bao giờ mới xong! Nếu không có nghị quyết riêng thì VAMC chưa xử lý được tài sản bởi khó bán thì ai dám mua. . Cần phải đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu!” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Người lao động

bất động sản, tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản thế chấp, xử lý tài sản, thu hồi vốn, Quản lý tài sản, bán tài sản, thu hồi nợ, xử lý nợ, khách


      © 2021 FAP
        150,709       595