Trong những nhân tố cần tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty là mũi nhọn quan trọng để đột phá, tạo làn sóng đổi mới
Dự kiến, trong tháng 2-2014, Chính phủ sẽ có phiên họp thảo luận để chỉ đạo việc thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào thời gian tới. Kỳ vọng sau phiên họp sẽ có quyết định thay đổi mang tính bước ngoặt để quá trình CPH DNNN diễn ra nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc hệ thống DNNN cũng như tái cơ cấu nền kinh tế.
Hai điều kiện cần, một điều kiện đủ
Nếu chúng ta muốn tránh rơi vào sự trì trệ và khủng hoảng trong bối cảnh đang ngày càng hội nhập sâu vào sân chơi chung của thế giới, phải tiếp tục cải cách thể chế, tạo sức đột phá cho nền kinh tế và điều này trở thành yêu cầu cấp bách, góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH. Cần xác định CPH là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình tái cơ cấu DNNN.
Để làm được, phải thực hiện 2 yêu cầu: Một là, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng phải liệt kê danh sách buộc CPH trong 2 năm 2014-2015 và mức độ CPH xếp theo mức độ “thất bại thị trường”, DN nào có thể CPH được thì tiến hành ngay; xây dựng các chính sách hỗ trợ sau CPH như miễn giảm thuế, trợ cấp thất nghiệp… để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình CPH; đồng thời công khai danh sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hai là, các bộ và Chính phủ cần phản ứng thật nhanh trước vướng mắc quá trình CPH cả về mặt pháp lý và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Hai điều kiện cần này sẽ tạo áp lực hành chính và áp lực giám sát xã hội để triển khai, nếu không cuối cùng người ta bảo đó là việc của người khác, không phải việc của DN vì DN chưa được điểm danh để CPH.
Tuy nhiên, chỉ 2 điều kiện cần thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất là bản thân các bộ, ngành cần phải tăng cường quản lý, giám sát chuyển giao quyền sở hữu; giao mục tiêu, chỉ tiêu ngay từ đầu cho các DNNN. Điều này đòi hỏi lãnh đạo các bộ phải thiết lập được cơ chế, năng lực chuyên trách. Nếu để DNNN báo cáo như thế nào, bên trên biết như thế ấy thì rủi ro rất khó lường. Nếu 2 điều kiện cần và 1 điều kiện đủ trên được thực thi nghiêm túc thì sẽ giúp đẩy nhanh CPH, qua đó tạo động lực mạnh mẽ để kích hoạt thị trường và tạo ra một sự đột phá, lột xác cho cả nền kinh tế.
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Ngoài ra, Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh CPH DNNN. Theo đó, ban hành tiêu chí phân loại DN 100% vốn nhà nước, xem xét cho DN được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá và xin ý kiến Quốc hội trong năm 2014. Xây dựng hệ thống chính sách xử lý những vấn đề lớn, như: phân loại xác định danh mục ngành nghề kinh doanh chính của DNNN, quản trị DN hiện đại, chính sách lương trong DNNN, thanh lý tài sản không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành...
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các khoản đầu tư công, hạn chế lãng phí. Xem xét những lĩnh vực mà xã hội và tư nhân có thể làm thì tạo điều kiện hết sức, ban hành danh mục các công trình đầu tư có thể huy động nguồn lực toàn xã hội.
Hiện ngân sách nhà nước đang hạn hẹp trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn rất lớn. Chính phủ nên tăng tỉ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước bằng việc bán cổ phần nhà nước trong các công ty cổ phần thuộc diện không “nhạy cảm”. Trước mắt có thể giảm bớt sở hữu nhà nước tại các công ty niêm yết về dưới 50% nhưng vẫn trên 35%, sau đó có thể giảm thêm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quá trình CPH các công ty 100% vốn nhà nước và rà soát để giảm bớt ngành “nhạy cảm”. Các tập đoàn, tổng công ty CPH sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2014-2015. Và các tổng công ty này cũng cần đẩy nhanh quá trình CPH các đơn vị thành viên. Đó cũng là hoạt động thoái vốn ra khỏi lĩnh vực không phải là ngành nghề chính, cũng là cách để các tổng công ty nâng cao năng lực tài chính nhằm tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-2
Tiến trình CPH không có lý do gì để trì hoãn nhưng cũng đừng vì sức ép từ bên ngoài mà nôn nóng thực hiện, gây thất thoát. Với các DNNN đã có đề án CPH được Chính phủ phê duyệt, nếu không thực hiện đúng tiến độ thì ban lãnh đạo DN phải bị đánh giá là “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Chính phủ, tổng công ty, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước, đại phẫu doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hó